19/01/2025 | 07:01 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm

Cập nhật lúc: 30/09/2019, 06:40

Trong khoảng thời gian từ ngày 10-7-2019 đến ngày 10-7-2020, TP Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.

Bằng việc triển khai đồng bộ biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP, từ tháng 5-2019 đến nay, các đơn vị, lực lượng, ngành chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã góp phần đảm bảo thị trường lành mạnh.    

Triển khai đồng bộ, xử lý vi phạm hiệu quả

Đầu năm 2019, TP đã tổ chức đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra viên. Sau hơn 6 tháng tổ chức đào tạo hơn 3.000 thanh tra viên, đến nay, 100% các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã có đủ lực lượng để thành lập từ 1 đến 2 đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

Các đoàn công tác thanh, kiểm tra tiến hành kiểm tra cơ sở theo đúng nội dung đã được phê duyệt

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế, trong khi lực lượng thanh tra ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh, TP còn mỏng, việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã huy động thêm nguồn lực, nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát ở lĩnh vực này. Trên thực tế, một số DN lo lắng về tình trạng thanh tra chồng chéo, kém hiệu quả và gây phiền nhiễu cho cơ sở. Ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết, theo quy định của Luật Thanh tra và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc thanh tra không được trùng lặp. Đối với DN, thanh tra không quá 1 lần/năm, trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, chỉ đạo của các các cấp có thẩm quyền.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, sau những lần thanh tra, phải có đánh giá về những yếu tố nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm. Từ đó xác định mục đích thanh tra trong những lần sau. Điều này vừa tránh tình trạng thanh tra chồng chéo, vừa bảo đảm hiệu quả công việc. Do đó, ông Nguyễn Khắc Hiền, GĐ Sở Y tế Hà Nội, Phó trưởng ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của TP đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn để phân loại rõ nơi nào có nguy cơ cao, cần tập trung thanh, kiểm tra. Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, quá trình thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành thực chất. Cụ thể, tuyến quận, huyện, thị xã phải kiểm tra được ít nhất 25%; tuyến xã, phường, thị trấn phải kiểm tra ít nhất 50% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Việc thanh tra phải minh bạch, xử phạt công minh. Nếu DN, cơ sở sản xuất không đồng ý kết quả thanh tra, phải tiến hành xem xét, thanh tra lại. Mục đích quan trọng là ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nguy cơ gây hại tới sức khỏe người dân từ thực phẩm bẩn. Trong quá trình thanh tra, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền không chỉ cho cơ sở, DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà cho cả người tiêu dùng, tiến tới thay đổi hành vi, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm.

Những chuyển biến đáng mừng

Báo cáo Chính phủ tại Văn bản số 295/BC-UBND ngày 27-9-2019 về việc thực hiện Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26-11-2018 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP cho biết, đã triển khai hiệu quả, tích cực thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại 30 huyện, quận, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.

Kết quả thanh tra đến ngày 20-9-2019 cho thấy, 29/30 quận, huyện đã thanh tra an toàn thực phẩm. Tổng số cơ sở được thanh tra là 310, trong đó có 96 cơ sở bị xử phạt với số tiền hơn 313 triệu đồng. 18/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai thanh tra chuyên ngành tại tuyến xã, phường, thị trấn. Tổng số xã, phường, thị trấn đã triển khai thanh tra là 131/584. Tổng số cơ sở được thanh tra là 859. Lực lượng chức năng đã xử phạt 205 cơ sở với số tiền hơn 400 triệu đồng.

Theo ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cơ quan thường trực BCĐ 389 TP, thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được quan tâm, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, và đã đạt được một số kết quả nhất định. Qua kiểm tra cho thấy, bên cạnh các trường hợp vi phạm đã được các đoàn liên ngành nhắc nhở và xử lý, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chấp hành khá tốt các quy định của pháp luật. Những kết quả bước đầu này sẽ là động lực để các đơn vị thành viên BCĐ 389 TP tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc tình hình, đồng thời kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại, hàng thực phẩm vi phạm an toàn thực phẩm...

Thấy rõ những kết quả tích cực đó, Tiểu ban chỉ đạo kiểm tra, xử lý đã chỉ đạo 2 đoàn kiểm tra làm tốt công tác điều tra, nắm bắt địa bàn, có phiếu giao việc cho các Đoàn kiểm tra theo kế hoạch và phê duyệt đề xuất kiểm tra theo đề nghị của các Đoàn kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, các Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra theo đúng nội dung của Kế hoạch và đề xuất kiểm tra đã được phê duyệt.

Các đoàn kiểm tra trong quá trình kiểm tra đã kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các cơ sở kinh doanh; vận động các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất... ký cam kết không buôn bán, kinh doanh, sản xuất thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo ATTP, nhằm đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.

Thời gian tới, TP đảm bảo 100% quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thanh tra theo đúng kế hoạch thanh tra 6 tháng cuối năm 2019 đã được phê duyệt, đảm bảo đúng quy trình thanh tra và xử lý nghiêm vi phạm hành chính hoặc chuyển xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.