Quy định mới nhất của Bộ Y tế về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm
Cập nhật lúc: 17/09/2019, 13:10
Cập nhật lúc: 17/09/2019, 13:10
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua quét mã QR với một số người dân Việt Nam đã trở thành thói quen. Ảnh minh họa
Nguyên tắc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm
Thông tư này quy định nguyên tắc, trường hợp truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm, các vi chất bổ sung vào thực phẩm, phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo nguyên tắc một bước trước - một bước sau, bảo đảm theo dõi và nhận diện được công đoạn sản xuất trước và công đoạn sản xuất sau trong cơ sở sản xuất; cơ sở sản xuất, kinh doanh trước và cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đã sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm.
Song song với đó, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo lô sản xuất đối với sản phẩm thực phẩm cần truy xuất.
Khi thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sử dụng thông tin được trích xuất từ hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm do cơ sở thiết lập theo quy định của Thông tư này và các thông tin khác có liên quan.
Hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm gồm những gì?
Thông tư quy định, từ giữa ngày 16/10/2019 – thời điểm Thông tư có hiệu lực thi hành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bắt buộc phải lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Khi thiết lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm phải tổ chức, ghi chép, lưu trữ, bảo đảm sẵn sàng trích xuất và báo cáo được các thông tin theo quy định.
Cụ thể, thông tin về lô sản xuất của sản phẩm thực phẩm, gồm 8 mục: Tên sản phẩm thực phẩm; số lô sản xuất của sản phẩm thực phẩm; số lượng sản phẩm thuộc lô sản phẩm thực phẩm đã sản xuất; ngày sản xuất của lô sản phẩm thực phẩm; hạn sử dụng đối với sản phẩm thực phẩm có quy định bắt buộc ghi hạn sử dụng; mã nhận diện sản phẩm thực phẩm (nếu có); nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến của lô sản phẩm thực phẩm: tên, các thông tin về nguồn gốc sản phẩm theo quy định đối với sản phẩm sản xuất trong nước, các thông tin về xuất xứ hàng hóa theo quy định đối với sản phẩm nhập khẩu; bao bì, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dùng để bao gói lô sản phẩm thực phẩm: Tên, các thông tin về nguồn gốc sản phẩm theo quy định đối với sản phẩm sản xuất trong nước, các thông tin về xuất xứ hàng hóa theo quy định đối với sản phẩm nhập khẩu.
Hệ thống dữ liệu cũng phải đảm bảo các thông tin về số lượng sản phẩm của lô sản xuất đã xuất kho, còn tồn ở các kho của cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm; danh sách tên, địa chỉ của khách hàng, các đại lý phân phối sản phẩm thực phẩm (nếu có), số lượng sản phẩm của lô sản xuất đã nhập, đã bán và còn tồn tại kho.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm phải có trách nhiệm lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh.
Lưu trữ và duy trì hệ thống dữ liệu thông tin này tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm, 24 tháng kể từ ngày sản xuất lô sản phẩm đối với dụng cụ, vật liệu chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và sản phẩm thực phẩm không yêu cầu bắt buộc ghi hạn sử dụng.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cũng có trách nhiệm phân tích, xác định nguyên nhân gây mất an toàn đối với lô sản phẩm phải truy xuất. Trường hợp sản phẩm không đảm bảo an toàn phải thu hồi và xử lý.
Các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo thông tin trong hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm gồm:
- Tên, địa chỉ của cơ sở cung cấp sản phẩm thực phẩm cho cơ sở kinh doanh.
- Thông tin về loại sản phẩm thực phẩm, số lượng sản phẩm của lô sản phẩm thực phẩm đã nhập, đã bán và còn tồn ở kho cơ sở kinh doanh.
- Danh sách tên, địa chỉ của khách hàng, các đại lý phân phối sản phẩm thực phẩm (nếu có); số lượng sản phẩm của lô sản xuất đã nhập, đã bán và còn tồn tại kho.
10:10, 16/09/2019
11:30, 14/09/2019
09:00, 26/08/2019