19/01/2025 | 09:38 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội bị liệt vào danh sách các tỉnh có nguy cơ cao về dịch bệnh sởi

Cập nhật lúc: 04/12/2018, 15:41

Bộ Y tế đã quyết định đưa Hà Nội vào danh sách các tỉnh có nguy cơ cao về dịch bệnh sởi và cần triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi.

  Tiêm vắc-xin cho trẻ tại Trường Mầm non ở Hà Nội
Tiêm vắc-xin cho trẻ tại Trường Mầm non ở Hà Nội

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc-xin sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi.

WHO cũng đưa ra khuyến cáo các quốc gia cần có chiến lược định kỳ triển khai chiến dịch tiêm chủng nhằm cắt đứt sự lây truyền của vi rút sởi, rubella ở trẻ em trước độ tuổi đi học và khuyến cáo sử dụng vắc-xin phối hợp sởi - rubella (MR) để đồng thời khống chế bệnh sởi và rubella, tăng cường hiệu quả của công tác tiêm chủng.

Chính vì lý do trên mà Bộ Y tế đã quyết định đưa Hà Nội vào danh sách các tỉnh có nguy cơ cao về dịch bệnh sởi và cần triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về công tác phòng chống bệnh sởi, UBND TP Hà Nội có kế hoạch tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella cho toàn bộ trẻ em từ 1 đến 5 tuổi trên địa thành phố.

Chiến dịch được triển khai tại 584 xã, phường của 30 quận, huyện, bắt đầu từ 26/11 và đến ngày 20/12 với mục tiêu là ít nhất 95% số trẻ em từ 1 đến 5 tuổi được tiêm bổ sung 1 mũi vắc-xin kép để phòng 2 bệnh là sởi - rubella.

Chiến dịch sẽ tiêm cho khoảng 660 nghìn trẻ có mốc sinh từ 1/1/2013 đến 30/10/2018, sinh sống trên địa bàn Hà Nội, kể cả trẻ có hộ khẩu và không có hộ khẩu tại Hà Nội.

Những trẻ vừa tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh sởi, sởi-rubella, sởi - quai bị - rubella hoặc vắc-xin phòng thủy đậu trong vòng một tháng tính đến ngày tổ chức chiến dịch không nằm trong đối tượng tiêm chủng lần này.

Trong chiến dịch này, ngoài việc tiêm chủng đồng loạt tại tất cả các trạm y tế, Hà Nội cũng tổ chức 2699 điểm tiêm chủng tại các trường mầm non công lập, một số trường mầm non tư thục.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, đến hết ngày 30/11, sau khi khám sàng lọc và rà soát cụ thể, có 11.566 trẻ không thuộc diện tiêm chủng do các cháu đã được tiêm một mũi vắc-xin có thành phần sởi hoặc thủy đậu trong vòng một tháng, 722 trẻ chống chỉ định tiêm chủng.

Toàn toàn thành phố có 260.959 trẻ được tiêm, đạt 39,9% và không ghi nhận bất kỳ sự cố hay trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nào.

Đa số các bậc phụ huynh đều ủng hộ và đưa con đến trường tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella, tỷ lệ đạt khá cao ở các trường khu vực ngoại thành.

Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp phản ứng bất thường nào sau khi tiêm vắc-xin sởi - rubella trong chiến dịch lần này, nhưng tâm lý của người dân vẫn lo sợ tai biến sau tiêm chủng.

Trước sự lo lắng của phụ huynh, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm cũng chỉ rõ, vắc-xin sởi là vắc-xin rất an toàn, bằng chứng là hơn 260.000 trẻ 1 đến 5 tuổi đã được tiêm nhưng chưa có bất kỳ trường hợp tai biến nào xảy ra.

Tuy nhiên, vắc-xin là một loại thuốc, vì vậy có một tỷ lệ nhất định có phản ứng khi tiêm chủng ở các mức độ khác nhau như: phản ứng nhẹ với biểu hiện đau và đỏ ở nơi tiêm, sốt nhẹ, trẻ khó chịu. Những biểu hiện này sẽ hết nhanh trong vòng 1 - 2 ngày.

Những trường hợp nặng như phản ứng phản vệ, tuy nhiên tỷ lệ này rất thấp, từ 1 - 2 trường hợp trên 1 triệu liều. Các cơ sở tiêm chủng luôn sẵn sàng thuốc men, trang thiết bị để sẵn sàng cấp cứu nếu có phản ứng phản vệ xảy ra.

Để đảm bảo tiêm chủng an toàn, trẻ cần được theo dõi sau khi tiêm 30 phút tại cơ sở tiêm chủng và tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ trong vòng 24 - 48 giờ.

Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, ví dụ như sốt cao, co giật, tím tái, khó thở... các bậc phụ huynh và người thân trong gia đình cần thông báo ngay cho cơ sở tiêm chủng và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời.