Hà Nội: Bán rẻ nhà phố vì… loa phường
Cập nhật lúc: 13/10/2018, 19:31
Cập nhật lúc: 13/10/2018, 19:31
Nhiều ý kiến cho rằng việc tồn tại và hoạt động của các loa phường hiện nay là không cần thiết. Ảnh: TG
Về khảo sát mà Sở TT&TT Hà Nội đang tổ chức, nhiều người dân khi được hỏi đều cho rằng, sự tồn tại của loa phường là không cần thiết và ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhiều gia đình. Chị Nguyễn Phương Thảo trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy không giấu nổi sự ngán ngẩm và kể lại: “Cách đây gần 10 năm, gia đình tôi mua được căn nhà trên phố Khâm Thiên (quận Đống Đa) với giá khá mềm sau bao nhiêu năm dành dụm, tiết kiệm. Lúc ấy tôi và gia đình vui mừng vô cùng vì thỏa lòng mong muốn bấy lâu là có một ngôi nhà gần phố để tiện kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi căn nhà ấy lại gần ngay chiếc loa phường. Hàng ngày từ sáng tinh mơ cho đến tối, suốt ngày loa ra rả thông báo, thông tin đủ các thể loại. Gia đình tôi có đủ thế hệ, từ người già cho đến trẻ nhỏ nên từ khi chuyển về đây chẳng khác nào bị “tra tấn” tinh thần, cuộc sống trong nhà từ đó bị đảo lộn. Ít lâu sau, không chịu nổi cảnh con thon thót giật mình, mẹ già mất ngủ vì loa phường nên gia đình tôi phải bán tống bán tháo với giá rẻ hơn rất nhiều so với lúc mua. Lúc đó tôi mới ngấm cái giá mình mua không phải là giá hời. Tới giờ, nghĩ lại tôi vẫn thấy rùng mình và buồn cười. Cứ nghĩ thời buổi “tấc đất tấc vàng”, mình mua rẻ sau có cần bán thì cũng kiếm thêm được tí, ai dè… phải “bó tay” trước sức “công phá” khủng khiếp của chiếc loa phường”.
Cùng chung quan điểm “ngán” loa phường, anh Nguyễn Tuân ở phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho hay: “Theo tôi, hiện nay loa phường không còn tác dụng nhiều như thời kì trước. Hiện người dân có nhiều cách tiếp cận thông tin khác nhau. Thời buổi báo chí, truyền hình và Internet phổ cập đến tận từng ngõ phố, hộ dân thì không có lý do gì mà phải nghe các tiếng loa công suất lớn như ngày xưa. Việc duy trì loa phường vừa lãng phí, tốn kém mà còn tạo tiếng ồn quá lớn đối với những hộ ở gần, gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Cuộc sống con người giờ cần có sự cân bằng hợp lý giữa làm việc và nghỉ ngơi, sau cả ngày làm việc mệt mỏi không ai muốn bị “tra tấn” bởi loa phường. Theo tôi thông tin đã được cập nhật thường xuyên thì sự xuất hiện, tồn tại của những chiếc loa phường, chỉ phát sóng ngày hai, ba lần với các thông báo hay chương trình ca nhạc nhạt nhẽo xem ra là không cần thiết”.
Sở TT&TT Hà Nội tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người dân tập trung vào 2 nhóm chính là thực hiện giảm số lượng loa và cụm loa tại các phường thuộc quận; triển khai thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường. Kết quả tham khảo sẽ là căn cứ thực tế để Sở TT&TT tham mưu UBND TP xem xét, phê duyệt “Phương án sắp xếp đài truyền thanh xã, phường, thị trấn”; “Phương án triển khai thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường” và “Quy chế hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội”. Bên cạnh khảo sát thực tế tại địa bàn một số phường thuộc 4 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng), Sở TT&TT tổ chức lấy ý kiến tại mục “Phiếu khảo sát lấy ý kiến sau một năm thực hiện Đề án 5133” trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, thời gian lấy ý kiến từ ngày 5 - 25/10.
Tính đến ngày 10/10, đã có 355 ý kiến đóng góp trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội. Theo đó, 73,8% ý kiến đề nghị cần quyết liệt sắp xếp mạnh mẽ hơn, tiến tới bỏ loa trong quận; 73,2% ý kiến cho rằng đài truyền thanh phường thuộc quận đang duy trì từ 5 - 10 cụm loa (tương đương 10 - 20 loa) để thông tin, tuyên truyền là nhiều. Và có 59,14% ý kiến không ủng hộ việc triển khai nhân rộng thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường. Về vấn đề loa phường, trao đổi với phóng viên Báo Gia đình& Xã hội, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - chuyên gia xã hội học - nêu quan điểm cho rằng, cùng với thời gian, truyền thanh công cộng cơ sở đang dần trở nên bất cập và gây ra phiền nhiễu cho các hộ dân sống ở gần loa phường.
Lịch sử đã ghi nhận nhiều đóng góp của loa phường, tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay đã đến lúc cần có sự can thiệp và thay thế bằng các thiết bị công nghệ mới và thông minh hơn. Tuy nhiên, không nên thay thế theo diện rộng mà cần có sự cân đối hợp lý tại các địa bàn cụ thể. Những khu vực đông dân cư thì nên thay thế loa phường bằng các thiết bị tân tiến, hiện đại hơn. Những khu vực ngoại thành, khả năng tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế thì nên giữ lại để phát huy được khả năng truyền tải thông tin đến nhân dân. “Tôi ở khu vực nội thành, tôi hoàn toàn ủng hộ vấn đề thay thế truyền thanh loa phường cũ kĩ, lạc hậu bằng các thiết bị thông minh tân tiến hơn” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ.
Về góc độ pháp lý, luật sư Vũ Văn Biên - Văn phòng Công ty luật Khoa Tín (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng: “Ở nước ta, việc tồn tại và hoạt động của các đài truyền thanh cấp phường là không thực sự cần thiết. Trong bối cảnh người dân có quyền tự do tiếp nhận thông tin, sự đầu tư của nhà nước đã phần nào đa dạng hóa được nguồn cung cấp thông tin cho người dân nên loa phường càng bộc lộ rõ các yếu điểm. Thêm vào đó, không có bất kỳ quy định pháp luật nào bắt buộc phải nghe loa phường nên tác dụng của nó ngày càng ít đi trong đời sống hiện đại”.
Ông Nguyễn Phúc Lai trú tại phường Thành Công (quận Ba Đình) cho rằng, hàng chục năm qua từ lúc còn công tác cho đến khi đã về hưu ông vẫn có thói quen nghe thông báo hay cập nhật tin tức thông qua loa phường. Theo ông Lai những chiếc loa phường đã có vai trò quan trọng trong một thời kì lịch sử và đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, vì vậy những chiếc loa không đáng bị lên án mà những người sử dụng cần vận hành nó sao cho hợp lý tránh ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Hàng ngày ông đi qua khu dân cư, thấy chiếc loa cũ kĩ, hoen rỉ, bị hàng tá dây điện quấn chằng chịt khiến ông rất buồn.
Nguyễn Hiếu
09:30, 12/10/2018
10:01, 07/10/2018
02:22, 02/10/2018