19/01/2025 | 13:28 GMT+7, Hà Nội

Giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo: Không nên chỉ chấn chỉnh trên các văn bản chỉ đạo

Cập nhật lúc: 07/03/2019, 13:00

Tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua cho thấy cần phải có biện pháp triệt để hơn đối với tình trạng vi phạm đạo đức chứ không chỉ chấn chỉnh trên các văn bản chỉ đạo.

  Trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) nơi xảy ra vụ việc giáo viên bị tố sàm sỡ học sinh. Ảnh: M.T

Trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) nơi xảy ra vụ việc giáo viên bị tố sàm sỡ học sinh. Ảnh: M.T

Những câu chuyện “động trời”

Nghi án về tin nhắn gạ tình của thầy giáo Trường THPT chuyên Thái Bình gửi nữ sinh lớp 10; vụ việc thầy giáo sờ mông, sờ đùi, véo tai học sinh lớp 5 ở Bắc Giang... khiến dư luận những ngày qua dậy sóng về tình trạng vi phạm đạo đức của giáo viên. Đáng tiếc những câu chuyện này không phải lần đầu xảy ra. Vào cuối tháng 12/2018, ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ) bị bắt vì lạm dụng tình dục nhiều học sinh. Cũng trong tháng 12/2018, một thầy giáo dạy thể dục ở Gia Lai đã lừa chở nữ sinh lớp 8 đi chỉ đường, sau đó dùng vũ lực thực hiện hành vi đồi bại.

Không chỉ chuyện dâm ô, xâm hại tình dục, nhiều giáo viên cũng nhẫn tâm đánh đập, có những hình phạt học sinh đến mức gây thương tích. Vụ việc giáo viên phạt tát học sinh bằng 231 cái tát, đánh học sinh bầm tím, ép học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng… Dẫu rằng đây chỉ là những hiện tượng cá biệt song những hành vi lệch chuẩn này đã làm mất đi hình ảnh cao đẹp của nhà giáo, làm giảm niềm tin của xã hội với giáo dục.

Lên án những trường hợp nhà giáo vi phạm đạo đức nghiêm trọng trong thời gian qua, GS.VS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện nay cả nước có tới hơn 1 triệu giáo viên, học sinh cũng tới trên 24 triệu học sinh, với một quy mô lớn như vậy, rất có thể sẽ nảy sinh ra các vi phạm của nhà giáo. Tuy nhiên, dù thế nào thì giáo viên cũng không thể đổ lỗi cho sức ép nào đó mới dẫn đến hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí xâm hại, xúc phạm thân thể học sinh. Những giáo viên vi phạm, cần căn cứ vào các quy định hiện nay để xem xét loại ra khỏi ngành giáo dục.

Để làm trong sạch môi trường giáo dục, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: “Những trường hợp giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo trong thời gian qua là những hiện tượng dị biệt, khó có thể chấp nhận được với những người như thế khi đứng trên bục giảng. Dù chỉ là cá nhân, song liên tiếp xảy ra các vụ việc còn cho thấy một bộ phận giáo viên hiện nay đang suy thoái về đạo đức gây mất niềm tin trong xã hội. Những vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo phải xử lý nghiêm và cương quyết đưa ra khỏi ngành”.

Cần loại bỏ nhà giáo không xứng đáng

Theo các nhà quản lý giáo dục, hiện nay Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định về đạo đức nhà giáo; nhiều nhà trường cũng ban hành quy chế làm việc, trong đó quy định rõ những việc nhà giáo được làm và không được làm… Bên cạnh đó là một loạt các văn bản đề nghị các địa phương chỉ đạo, quán triệt, chấn chỉnh để nâng cao đạo đức nhà giáo trong các cơ sở giáo dục. Đặc biệt là phải xử lý nghiêm với những trường hợp vi phạm.

Nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục phải thực hiện đồng bộ cùng lúc nhiều giải pháp. Với giáo viên, phải ý thức được giá trị nghề nghiệp cũng như lòng tự trọng nghề nghiệp để luôn không ngừng phấn đấu, hoàn thiện bản thân. Về phía các nhà trường, cần phổ biến lại các quy định về đạo đức nhà giáo, đồng thời cho giáo viên phải ký cam kết không vi phạm. Trường hợp vi phạm cam kết, vi phạm đạo đức nghiêm trọng thì xem xét loại ra khỏi ngành. Trong tuyển chọn “đầu vào” sư phạm, bên cạnh việc dựa vào điểm số cũng cần xem xét thêm các yếu tố khác như lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức.

Về vấn đề giải pháp, GS.VS Phạm Minh Hạc cho rằng, chúng ta đã có các quy định, Luật Giáo dục, Bộ GD&DT cũng có một số các quy định khác như:Điều lệ nhà trường, quy định nhà giáo… Song cũng cần có những quy định cụ thể hơn về vấn đề này, để tránh tình trạng giáo viên vi phạm. Các văn bản luật cũng cần được hướng dẫn cụ thể, triển khai theo các cấp, quán triệt tới từng cán bộ, giáo viên về những hành vi giáo viên không được làm. Ngành Giáo dục cũng phải có sàng lọc, nếu những giáo viên không xứng đáng là thầy cô giáo thì nên sa thải.

“Người giáo viên hiện nay trước yêu cầu của đổi mới giáo dục, đặc biệt sắp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ là có trình độ, chuyên môn mà còn phải có phương pháp giáo dục, đạo đức và tâm huyết. Ngành giáo dục phải nghiêm ngặt hơn, thời đại của con người đề cao vai trò của con người, cho nên là cần đề cao tính nhân văn, giáo dục đối với học sinh. Cần xem xét lại chặt chẽ hơn quá trình đào tạo giáo viên, để tuyển chọn được những nhà giáo có trình độ, yêu mến học sinh” – GS.VS Phạm Minh Hạc chia sẻ thêm.

Sau hàng loạt vụ bạo hành, xâm hại học sinh diễn ra trong thời gian qua, mới đây Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT trên phạm vi cả nước về việc đôn đốc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, cần phải nhận thức về những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức vừa qua là bài học sâu sắc đối với ngành để mỗi giáo viên, mỗi nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm, từ đó có ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.

 

Quang Anh