19/01/2025 | 02:24 GMT+7, Hà Nội

Giám sát việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội

Cập nhật lúc: 11/07/2022, 06:18

Việc giám sát sẽ đánh giá các khó khăn, vướng mắc, hạn chế bất cập trong việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội.

Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về nhà ở đã ngày càng được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, bất cập, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại một số địa phương.

Mới đây, Kỳ họp thứ 6, HĐND TP.HCM đã chính thức thông qua 40 nghị quyết, trong đó, quyết định dành 12.400 tỷ đồng, chiếm 10% tổng vốn ngân sách để xây 93 ngàn căn nhà ở xã hội trong giai đoạn đến năm 2030. Đồng thời, HĐND cũng đã có nghị quyết riêng giám sát việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa)
Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa)

Riêng TP.HCM, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng nguồn cung còn chậm. Việc giám sát sẽ đánh giá các khó khăn và vướng mắc, hạn chế bất cập trong việc thực hiện các dự án, các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội.

HĐND thành phố sẽ làm việc với UBND, với từng địa phương, các sở như sở xây dựng, quy hoạch kiến trúc, sở tài nguyên và môi trường… để kiểm tra việc tổ chức thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Phối hợp về thủ tục giữa địa phương và các sở ngành có thông suốt chưa cũng như kiểm tra, xử lý các vi phạm khi thực hiện các dự án nhà ở xã hội.

Có thể nói, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển diện tích nhà ở nhiệm kỳ này cao gấp 2,3 lần nhiệm kỳ trước, trong đó ưu tiên xây dựng nhà ở xã hội, dự kiến sẽ có 35 ngàn căn nhiệm kỳ này, với 6 giải pháp như rà soát lại quỹ đất, quỹ nhà thương mại dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội, rút gọn cải cách thủ tục xây dựng nhà ở xã hội, từ 345 ngày xuống còn 153 ngày đối với dự án có nguồn gốc đất của tư nhân và từ 540 ngày xuống còn 300 ngày với các dự án nguồn gốc đất công.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, cả nước có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, 98 dự án đang triển khai, các sở xây dựng ban hành văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở trong tương lai 9 dự án.

Đáng chú ý, trong khoảng thời gian này cả nước chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội cấp phép mới, quy mô gần 1.200 căn tại Lạng Sơn, Phú Thọ và Quảng Ninh, nhưng lại có đến 39 dự án nhà ở thương mại quy mô gần 18.700 căn hộ được cấp phép mới.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án với hơn 142.000 căn nhà ở xã hội, tổng diện tích hơn 7,1 triệu mét vuông sàn (bao gồm cả nhà thu nhập thấp và nhà công nhân), quá chậm so với yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Dự báo giai đoạn 2021-2025 nhu cầu về nhà ở xã hội cả nước cần khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu rất lớn trên, nhiều chuyên gia kiến nghị cần sớm sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh BĐS 2014 nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đảm bảo cho chủ đầu tư dự án được hưởng ưu đãi thực chất.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/giam-sat-viec-thuc-hien-cac-du-an-nha-o-xa-hoi-68917.html