19/01/2025 | 14:00 GMT+7, Hà Nội

Giải quyết vấn đề lúa gạo giảm giá: Vẫn là câu chuyện chất lượng

Cập nhật lúc: 25/02/2019, 16:30

Năm 2019 là tròn 30 năm Việt Nam trở lại thị trường gạo thế giới với tư cách là một nước xuất khẩu gạo (1989 - 2019). Tuy nhiên, gần đây, thị trường lúa gạo thế giới có những diễn biến bất lợi khi từ cuối năm 2018, giá lúa gạo đã giảm mạnh.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay dự báo tiếp tục khó khăn do nhu cầu hạn chế và cạnh tranh gay gắt từ một số quốc gia. Ảnh: TL

Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay dự báo tiếp tục khó khăn do nhu cầu hạn chế và cạnh tranh gay gắt từ một số quốc gia. Ảnh: TL

Tiêu thụ lúa gạo gặp khó

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ cuối năm 2018, giá lúa tươi (IR50404) tại Đồng bằng sông Cửu Long có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2/2019 sụt xuống 4.200-4.400 đồng/kg; loại thóc hạt dài (OM 504) giảm còn 4.500 đồng/kg. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2019 của Việt Nam giảm cả về lượng và giá trị.

Việc tiêu thụ lúa khó khăn gần đây là do thiếu đơn hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Sau Tết Kỷ Hợi 2019, các doanh nghiệp chưa khởi động việc thu mua lúa trong khi lúa vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã vào mùa thu hoạch. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất được cho là Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng thị trường này đang ngày càng thắt chặt việc nhập khẩu gạo bằng hàng rào kỹ thuật.

Thống kê cho thấy, năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,32 triệu tấn gạo, chiếm 23% tổng lượng gạo xuất khẩu, giảm 42,36% so với năm 2017. Song dự kiến năm 2019 tình hình sẽ còn khó khăn hơn. Minh chứng là từ đầu năm nay, hầu như chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào ký được hợp đồng bán gạo vào thị trường Trung Quốc.

Cùng với những đòi hỏi ngày càng cao từ thị trường Trung Quốc thì sự cạnh tranh từ các thị trường khác như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia… cũng ngày càng lớn khi giá gạo từ những thị trường này rất cạnh tranh trong khi chất lượng nhiều loại gạo lại tốt hơn so với gạo Việt Nam.

Một thực trạng cũng rất đáng quan tâm là trong khi xuất khẩu đang gặp khó thì tại thị trường nội địa, gạo Việt cũng bị “chia sẻ” thị phần.

Mới đây, tại toạ đàm “Đôi cánh nào để hàng Việt bay ra thị trường thế giới”, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ: “Những ngày này Đồng Tháp, Bến Tre đang ngồi trên đống lửa bởi giá lúa gạo rớt thê thảm. Tôi mới đi thăm nông dân, nói chuyện với họ xong, vô huyện ủy lại được đãi bữa cơm nấu bằng gạo Campuchia! Mấy ảnh giải thích ăn gạo Campuchia vì họ nói ngon hơn gạo Việt Nam.

Thật đắng lòng, trong khi nông dân mình đang lao đao do không có đầu ra thì bà con mình lại ăn gạo Campuchia! Mình không biết trách ai, trách người nông dân hay trách người tiêu dùng Việt Nam, khi một bộ phận đang quay lưng với chất lượng nông sản Việt”.

Chính phủ vào cuộc

Trước tình hình trên, Chính phủ đã có những chỉ đạo khẩn trương. Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm ngày 19/2 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ mà kế hoạch Nhà nước đã giao, “phải mua sớm”, bao gồm 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc. Các tổng công ty lương thực Nhà nước thực hiện đúng Nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định; khẩn trương thực hiện sớm các kế hoạch xuất khẩu gạo.

Cùng với việc này, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT làm việc với Bộ Tài chính thống nhất chủ trương, biện pháp để mua gạo hỗ phát triển trồng rừng, nhất là các tỉnh miền núi. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp và coi đây là chủ trương của Chính phủ nhằm đảm bảo vốn cho việc mua lúa cho nông dân.

Tuy nhiên, giải pháp này mới được xem là giải pháp tình thế bởi giải quyết vấn đề thị trường mới chính là vấn đề cần tháo gỡ. Chính vì vậy, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi hơn.

“Lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương phải triển khai mạnh mẽ hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo để có gạo ngon, gạo tốt, gạo dẻo, chất lượng cao, gạo dược liệu, gạo chữa bệnh, gạo mang thương hiệu của Việt Nam ngày càng phổ cập. Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải có biện pháp xóa bỏ các khâu trung gian, bảo đảm công khai, minh bạch; cần nắm kỹ tình hình, có cơ chế đề xuất, báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước để có giải pháp tránh bị động, không để tình trạng trung gian ép giá.

Cần một giải pháp dài hơi

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), gạo là mặt hàng lương thực thiết yếu đồng thời cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch trên 2 tỷ USD/năm. Trong giai đoạn 2010 - 2016 gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Tuy khối lượng gạo xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thu được không cao, sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường, khâu tổ chức thu mua, chế biến, tạm trữ, bảo quản còn nhiều bất cập.

Nhằm nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã xây dựng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 và đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo mục tiêu tổng quát của Chiến lược, trong giai đoạn 2017 - 2020 lượng gạo xuất khẩu hàng năm sẽ giảm còn khoảng 4,5 - 5 triệu tấn nhưng vẫn đạt giá trị từ 2,2 - 2,3 tỷ USD; giai đoạn 2020 - 2030 sẽ giảm sản lượng xuống 4 triệu tấn nhưng giá trị sẽ đạt vào khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD. Đến năm 2020 sẽ điều chỉnh sản lượng gạo trắng cấp thấp và trung bình còn dưới 20%, gạo trắng cấp cao khoảng 25%, nâng tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica lên 30%, gạo nếp 20% và sản phẩm gạo có tỷ lệ gia tăng khác chiếm khoảng 5%. Đến năm 2030, sẽ giảm gạo trắng cấp thấp, trung bình còn 10%, gạo trắng phẩm cấp cao là 15%, và nâng tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản, Japonica lên 40%, gạo nếp lên 25% và sản phẩm gạo có giá trị gia tăng khác là 10%.

Đã đến lúc Việt Nam nên điều chỉnh sản xuất lúa gạo từ số lượng sang chất lượng, giá trị. Ảnh minh họa

Đã đến lúc Việt Nam nên điều chỉnh sản xuất lúa gạo từ số lượng sang chất lượng, giá trị. Ảnh minh họa

Nhiều chuyên gia cho rằng, định hướng trên là phù hợp với bối cảnh của thị trường lúa gạo thế giới trong thời gian tới; tuy nhiên, để thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam phát triển ổn định, bền vững phải được thực hiện từ vùng nguyên liệu. Trong đó, cần phát triển cánh đồng lớn, liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để nâng chất lượng gạo xuất khẩu, đáp ứng được các đơn hàng lớn của đối tác. Bên cạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu, xác định rõ thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tận dụng lợi thế cạnh tranh sẵn có để củng cố, phát triển thị trường có nhu cầu phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước. Châu Á là thị trường gần và quan trọng nhất đối với Việt Nam, bởi thị trường này đã chiếm khoảng 70% tỷ trọng xuất khẩu gạo Việt Nam, Châu Phi chiếm 15%...

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Bảnh - nguyên Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng cho rằng, để thị trường lúa gạo của Việt Nam phát triển ổn định, bền vững thì các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cần tăng chất lượng lúa gạo và nâng cao uy tín trên thị trường lúa gạo thế giới. Theo ông Bảnh, đây cũng là giải pháp quan trọng để có thể xuất khẩu lúa gạo sang các thị trường khó tính như Đông Bắc Á, Tây Âu. Về lâu dài, các doanh nghiệp phải tìm được đầu ra ổn định, đa dạng hóa thị trường và có kết nối chuỗi sản xuất với nông dân.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các thị trường nhập khẩu đang dựng lên rất nhiều rào cản kỹ thuật. Trong đó phải kể đến Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và gần đây là Trung Quốc, do vậy, không có cách nào khác là khi đưa sản phẩm vào nước họ chúng ta bắt buộc phải chấp nhận các quy định này.

Để giải quyết vấn đề trên, ông Nam cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách thông qua các tham tán thương mại ở các quốc gia nhập khẩu gạo, khi họ có thay đổi chính sách đối với mặt hàng lúa gạo, cập nhật thông tin báo về cho doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp sẽ triển khai xuống các hộ nông dân để phát triển và nâng cao giá trị hạt lúa.

Thừa nhận những khó khăn từ thị trường Trung Quốc mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, không chỉ gạo mà nhiều nông sản khác của Việt Nam cũng sẽ gặp khó do các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và thông tin trên bao bì mà phía Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, đây là các yêu cầu hợp lý của các thị trường nhập khẩu chứ không riêng gì Trung Quốc.

“Các doanh nghiệp và các địa phương sớm nghiên cứu các yêu cầu từ phía Trung Quốc để triển khai xuống các vùng sản xuất nhằm đáp ứng các điều kiện này trước tháng 7/2019 khi Trung Quốc chính thức áp dụng các biện pháp nói trên”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo.

Thế Vũ