24/11/2024 | 20:10 GMT+7, Hà Nội

Iraq mua hơn 100.000 tấn gạo của Việt Nam qua thỏa thuận trực tiếp

Cập nhật lúc: 20/02/2019, 23:01

Bộ thương mại Iraq đã mua khoảng 120.000 tấn gạo từ Việt Nam theo một thỏa thuận trực tiếp mà không có phiên đấu thầu quốc tế được ban hành.

Người bán được cho là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc Vinafood 1, doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước.

Iraq đã không tổ chức một phiên đấu thầu quốc tế để mua gạo trong vài tháng với các thành phần trong thị trường cho rằng quốc gia này đã chuyển sang mua nhiều hơn thông qua các cuộc đàm phán tư nhân.

Hình minh họa.

Chiều ngày 19/2 vừa qua, làm việc với một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm so với cùng kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có một số chỉ đạo để bảo đảm quyền lợi cho người nông dân, "theo nguyên tắc thị trường, chứ không phải phi thị trường".

Bộ Công Thương tiếp tục cùng Bộ NN&PTNT tiếp tục tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi hơn cho người dân, không chỉ Trung Quốc, thị trường lớn, các thị trường ở khu vực ASEAN, cũng như các nước khác đang có nhu cầu, nhất là khi chúng ta tham gia một số hiệp định thương mại mới gần đây, trên cơ sở chất lượng gạo của Việt Nam được đánh giá không kém gạo của các nước khác.

Cũng tại buổi họp, Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Tài chính tập trung triển khai mua dự trữ quốc gia năm 2019 với số lượng 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo, sẵn sàng mua 100.000 tấn tiếp theo để thực hiện theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ cuối 2018, giá lúa tươi (IR50404) tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2/2019 sụt xuống 4.200-4.400 đồng/kg; loại thóc hạt dài (OM 504) giảm còn 4.500 đồng/kg. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2019 sụt giảm cả về giá cả, khối lượng và giá trị.

Nguyên nhân được đánh giá là một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của 2018 nên chưa có nhu cầu nhập khẩu trong đầu năm. Sau Tết Kỷ Hợi 2019, các doanh nghiệp đã giao hàng vào tháng 12/2018 chưa chủ động giao hàng theo các hợp đồng, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ. Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới.

Nguyễn My