Giải pháp nào cho nhà ở công nhân khu công nghiệp?
Cập nhật lúc: 28/01/2019, 13:03
Cập nhật lúc: 28/01/2019, 13:03
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để sự chênh lệch cung cầu không còn quá lớn, khi mà ngay cả trong các trung tâm đầy tiềm năng như Hà Nội cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu chỗ ở cho công nhân, còn TP.HCM mới giải quyết được khoảng 15% nhu cầu?
Singapore có thể coi là một bài học thực tiễn thành công cho phát triển đô thị từ thập niên 60 của thế kỷ 20 đến nay.
Theo đó, ở giai đoạn đầu tiên, chính phủ Singapore đã cho xây các khu đô thị ven trung tâm cũ để giải tỏa, tái thiết lại trung tâm.
Giai đoạn thứ hai, tiến hành xây dựng các loại hình tăng việc làm trong đô thị, trong đó ưu tiên bố trí thêm các xưởng lắp ráp điện tử quy mô vừa và nhỏ trong các nhà cao tầng xây xen lẫn trong các khu ở.
Và khi cư dân quần tụ đông đúc, dựa trên các quy hoạch mở rộng từ ban đầu, chính quyền một lần nữa đầu tư xây dựng mở rộng các khu công viên khoa học, khu Đại học quốc gia, trung tâm dịch vụ đường biển, công viên quốc gia, khu sản xuất rau sạch... tạo ra chỗ làm cho chính cư dân nơi đó, tiết kiệm và giãn được mật độ giao thông đi lại vào trung tâm đô thị.
Vào giai đoạn ba, chính cách làm tự cung tự cấp tại chỗ về nơi ở và việc làm đã hấp dẫn dân cư ra ở vòng ngoài đô thị, tạo ra cơ hội để tái thiết khu trung tâm thành các phố thương mại trung tâm siêu cao tầng cho dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, hội thảo, hội nghị quốc tế.
Với nguyên tắc người dân quốc đảo cứ có việc làm là được mua nhà trả góp nên tài chính cho nhà ở luôn dồi dào và nhiều hình thức tín dụng cùng tồn tại. Quỹ nhà ở cho thuê của hệ thống an sinh đô thị dần dần trở thành quỹ nhà cho thuê lớn nhất trong các loại hình nhà ở.
Và đây cũng là lý do mà người dân Singapore luôn có tiền để đổi mới đô thị và tăng chất lượng tiện nghi cho nhà ở.
Cách làm của Singapore được đánh giá là hiệu quả bởi đã gắn việc làm với các khu ở và tạo ra cơ hội phát triển kinh tế, tích lũy tài chính nhà ở dồi dào cho người dân trong tương lai.
TheoPGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư, Việt Nam có thể áp dụng những bài học của Singapore để phát triển hệ thống nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong bối cảnh hiện nay.
Một trong những giải pháp mà PGS.TS Nguyễn Hồng Thục đề cập tới là việc xây xen cấy nhà cao tầng tại nội đô cạnh các khu nhiều việc làm.
Theo đó, có thể ưu tiên áp dụng cải tạo các khu vực thấp tầng, lô đất diện tích quá nhỏ trong nội đô, kết hợp với kết quả khảo sát xã hội học, tiến hành đầu tư theo hướng xây chen, xen cấy các khu nhà ở cao tầng giá thấp vào khu trung tâm nhiều việc làm hiện hữu.
Quá trình này có thể thực hiện kết hợp với công cụ điều chỉnh đất đai, cải tạo các diện tích nhà ở nhỏ theo dạng phân bổ lại đất đai theo kiểu hiện đại hóa các chung cư hiện nay.
"Xây nhà cao tầng để tái định cư tại chỗ, còn lại cho người thu nhập thấp thuê, mua. Đây cũng là cách để cải tạo kiến trúc và cảnh quan đô thị, đồng thời dẹp bỏ các khu ổ chuột đang tồn tại hiện nay", PGS.TS Nguyễn Hồng Thục nhận xét.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, tại các làng xã ven đô, hoặc trong nội đô có các vị trí gần hơn, thuận lợi với việc làm thường dân tự xây nhà cho mình và nhà trọ cho thuê không đúng quy định.
Do vậy, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo dựng tín dụng và tài chính nhà ở theo hướng xã hội hóa và ban hành tiêu chuẩn nhà ở tiện nghi tối thiểu để tạo ra quỹ nhà ở do cộng đồng dân cư tự xây, sửa chữa, nâng cấp nhà ở (theo tín thác hoặc theo hợp tác xã tín dụng nhà ở...).
Từ đó, các cộng đồng dân cư tự bình chọn người được quyền mua nhà, thuê nhà. Đối với dự án lớn, họ có quyền định hướng xem các dự án của họ nên phát triển như thế nào.
Cách làm này được đánh giá là phù hợp và dễ áp dụng với quá trình phát triển nhà ở giá thấp do cộng đồng tự quản ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
"Sau sốt đất, các dự án chuyển đổi từ thương mại sang nhà ở xã hội hiện nay như Bắc An Khánh, Quốc Oai, Xuân Mai… hầu như đều chưa giải quyết tốt bài toán kết nối và giảm khoảng cách giữa nơi ở và chỗ làm việc, dẫn đến không có tính hấp dẫn với người sử dụng. Đặc biệt với các đối tượng thu nhập thấp vốn cần việc làm”, bà Thục chia sẻ.
Do đó, theo vị PGS.TS này, việc hoạch định và quy hoạch đồng bộ các khu nhà ở xã hội ven đô là rất quan trọng. Giải pháp xen ghép nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại có thể là một giải pháp tốt để giảm áp lực cho đô thị lõi, tạo cơ hội cải thiện cảnh quan đô thị và chất lượng sống cho người dân, đồng thời tạo nên những khu dân cư thịnh vượng.
Việt Nam đã và đang bước vào hiện đại hóa, tỷ lệ sản xuất công nghiệp và dịch vụ đang dịch chuyển đến 80% GDP, áp lực thiếu nhà ở tăng rất cao trong các thành phố. Theo bà Thục, bài toán này chỉ có thể giải đáp bằng công nghệ sản xuất nhà ở giá rẻ.
Đối với các cư dân có thu nhập trung bình và thấp, đặc biệt với nhóm cư dân thuộc thành phần công nhân lao động rất nhiều người không có nhu cầu sở hữu những căn hộ vĩnh cửu, nhưng lại rất cần những chỗ ở có giá rẻ, tiện ích thiết yếu tối thiểu.
Chính bởi vậy, giải pháp các khu nhà ở giá rẻ cho thuê, mua trả góp rất cần các công nghệ mới để “sản xuất nhà” thay vì “xây nhà” như truyền thống.
Theo đó, cần xây dựng nhà ở xã hội trên quy mô công nghiệp với các ứng dụng về thiết kế, sử dụng công nghệ lắp ghép tiền chế cho hệ khung, trần, tường, sàn; các tiêu chuẩn về diện tích cần nới lỏng theo nhu cầu, nhưng tiêu chuẩn tiện nghi phải thật cao để sáng tạo ra các căn hộ linh hoạt, thông minh hơn so với nhà ở thương mại.
Đồng thời, các công nghệ về năng lượng mặt trời, gió... phải áp dụng cho các không gian công cộng vốn bị thiếu kinh phí chi trả do dân ở đây ít tiền như: Điện hàng lang, cầu thang, sảnh, thang máy, tiện ích công cộng.
Đây cũng là một trào lưu mới đầu tư năng lượng tái tạo cho các công trình phục vụ cộng đồng.
"Với nhà ở xã hội phân phối theo hình thức bán giá thấp hoặc bán trả góp hiện nay, chừng nào bài toán công nghiệp hóa xây dựng và xây dựng bền vững còn chưa được tính đến thì vẫn rất khó có được một giá bán hợp lý nhất cho người dùng",PGS.TS Nguyễn Hồng Thục nhận định.
Gia Minh
07:13, 24/01/2019
14:20, 22/01/2019
20:00, 03/01/2019