Thương mại điện tử lên ngôi, giải pháp nào "cứu nguy" cho trung tâm thương mại?
Cập nhật lúc: 03/01/2019, 20:00
Cập nhật lúc: 03/01/2019, 20:00
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu ngành bán lẻ năm 2018 có mức tăng trưởng khá, sức mua tiêu dùng tăng cao. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 12,9% so với năm 2017. Bán lẻ tại Việt Nam là thị trường hấp dẫn, đang xếp hạng thứ 6 trên toàn thế giới theo Chỉ số phát triển bán lẻ năm 2017 của AT Kearney. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc kinh doanh TTTM đang ở trong giai đoạn tốt đẹp.
Nếu nhìn vào các báo cáo thị trường do CBRE cung cấp, có thể thấy hoạt động kinh doanh của các TTTM thực sự có phần đi xuống. Báo cáo từ CBRE cho thấy: quanh khu vực Hoàn Kiếm, không có nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới, vì vậy tỷ lệ trống giảm xuống còn rất thấp (0,7%). Trong khi đó,tỷ lệ trống mặt bằng thương mại tại các quận Đống Đa, Ba Đình và các khu vực ngoài trung tâm khác đạt trên 20%. Do tỷ lệ trống cao, cung đang vượt quá cầu nên giá thuê điều chỉnh giảm 0,3% - 2,4% theo năm tùy từng khu vực. TạiTP.HCM,tính tới quýII năm 2018, mặt bằng bán lẻ không có thêm nguồn cung mới. Theo một thống kê không chính thức từ giám đốc điều hành Infocus Mekong Research – đơn vị nghiên cứu thị trường bán lẻ, trong một lần đến một TTTM lớn tạiTP.HCM và đếm số người ra khỏi trung tâm có mang theo túi đựng hàng hóa, ông đã bất ngờ với con số chỉ có 1/90 người thực sự đã mua sắm. Đã có nhiều nhà phát triển bất động sản bán lẻ tại Việt Nam thực sự đau đầu với tình trạng kinh doanh đi xuống của các TTTM.
Dấu hiệu suy giảm trong kinh doanh TTTM tại Việt Nam không phải là điều đáng ngạc nhiên, mà đang nằm trong sự suy giảm chung của ngành bán lẻ truyền thống trên thế giới. Theo số liệu từ Fung Global Retail & Technology, năm 2017 tại Mỹ có hơn 7.000 cửa hàng bán lẻ tuyên bố đóng cửa. Hay như tại Anh, một loạt các tên tuổi lớn của nền công nghiệp bán lẻ truyền thống đã phải đóng cửa trên 50% số cửa hàng của mình như House of Fraser, Mothercare, Carpetright…
Điều gì đang khiến cho ngành bán lẻ truyền thống, đi kèm là việc kinh doanh mặt bằng TTTM, rơi vào cơn cuồng phong này? Có thể lý giải, nguyên nhân rất lớn là từ sự tăng trưởng chóng mặt của thương mại điện tử đã làm thay đổi đáng kể hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Một nghiên cứu về thương mại điện tử của Nielsen trên 30 quốc gia cho thấy doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến đang tăng gấp 5 lần doanh số bán hàng tại các cửa hàng. Dự kiến đến năm 2020, thương mại điện tử của ngành hàng tiêu dùng nhanh toàn cầu sẽ đạt doanh thu hơn 400 tỷ đô la Mỹ. Tại Việt Nam, theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2018 so với năm 2017 đã đạt trên 25%, trong đó: bán lẻ trực tuyến tăng 30%, lĩnh vực thanh toán tăng 40% về số giao dịch và tăng 50% về tổng giá trị thanh toán. Sự tiện lợi, tiết kiệm về thời gian đi lại chính là thế mạnh tuyệt đối của thương mại điện tử.
Trước hết, TTTM muốn tiếp tục mở cửa, đồng nghĩa với việc đơn vị kinh doanh bán lẻ phải tiếp tục sống. Trong tâm bão lên ngôi của thương mại điện tử, các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống đang có xu hướng chuyển dịch sang bán hàng đa kênh (Omni-channel). Nghĩa là các điểm bán hàng truyền thống vẫn duy trì, nhưng không phải chỉ để trưng bày, bán hàng one-to-one, mà cũng sẽ trở thành điểm cập nhật, theo dõi kho hàng, đơn hàng, sẵn sàng xuất kho theo lệnh từ hệ thống để chuyển cho các đơn hàng online.
Đối với chủ đầu tư kinh doanh mặt bằng bán lẻ, đứng trước nhu cầu “đa kênh hóa” của doanh nghiệp, nhà phát triểnbất động sảnbán lẻ cũng cần phải có sự thay đổi lại không gian, như tăng khả năng lưu trữ hàng hóa, không gian lưu trữ hàng hóa cần có sự chuyên nghiệp nhất định để dễ dàng quản lý danh mục trong kho; có sự chuẩn bị về công nghệ tốt hơn cho doanh nghiệp bán lẻ, bởi khi chuyển sang bán hàng đa kênh, yêu cầu về máy móc, kết nối sẽ khác rất nhiều so với chỉ là showroom trưng bày thông thường; có sự chuẩn bị về không gian cho việc vận chuyển hàng hóa với số lượng và tần suất lớn…
Chủ đầu tư kinh doanh TTTM nên có sự chủ động trong quy hoạch ngành hàng cho thuê mặt bằng. Thương mại điện tử phát triển như vũ bão sẽ làm các doanh nghiệp tiêu dùng nhanh bị ảnh hưởng ít nhiều. Chủ đầu tư kinh doanh TTTM nên giới hạn tỷ lệ mặt bằng cho thuê sản phẩm tiêu dùng nhanh, tăng tỷ lệ mặt bằng cho thuê các ngành bán lẻ khác như: Y tế, Làm đẹp (spa), Dịch vụ (nhà hàng, tiệm café…), Giải trí (khu vui chơi cho trẻ em và người lớn, rạp phim, trung tâm thể thao…), Sản phẩm công nghệ… Nên chú trọng vào các ngành hàng cần có sự trải nghiệm trực tiếp của khách hàng – lĩnh vực mà thương mại điện tử không thể thay thế được cho TTTM truyền thống.
Trung tâm Palisades Centre, New York mới đây đã khai trương một loạt dịch vụ mới, nhắm tới trải nghiệm thực tế của khách hàng. Đó là: khóa học dây thừng trong nhà cao nhất thế giới, một cuộc phiêu lưu nhập vai hành động sống động Autobahn Đường đua trong nhà, Sân băng Palisades, câu lạc bộ hài Levity Live.
Sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng do sự lên ngôi của thương mại điện tử, cùng với sự chuyển đổi sang hình thức bán hàng đa kênh của doanh nghiệp bán lẻ thật sự sẽ gây ra rất nhiều thay đổi cho việc kinh doanh TTTM. Tuy nhiên, thay đổi đó không đồng nghĩa với tiêu cực. Trong khi có những trung tâm gặp khốn đốn, phải đóng cửa, thì vẫn có những trung tâm khác tiếp tục khai trương, mở rộng. Quan trọng là ở sự chuẩn bị và thích nghi của những nhà phát triển. Cho dù các công nghệ online có hỗ trợ cho cuộc sống hiện đại như thế nào, vẫn sẽ có những trải nghiệm mà thương mại điện tử không thể thay thế được TTTM truyền thống. Vì vậy, đứng trước làn sóng hội nhập, rất nhiều nhãn hàng, cũng như nguồn vốn rót vào Việt Nam, nhà phát triểnbất động sảnbán lẻ cần có sự tỉnh táo, đi trước đón đầu những thay đổi mới nhất trong hành vi tiêu dùng, để từ đó có sự chuẩn bị, thích nghi nhanh chóng, hợp lý nhất.
07:01, 03/01/2019
07:00, 03/01/2019
06:00, 03/01/2019
19:00, 02/01/2019