20/01/2025 | 21:46 GMT+7, Hà Nội

Giải pháp nào cho doanh nghiệp đang mòn mỏi chờ dòng tiền?

Cập nhật lúc: 09/06/2023, 14:24

Tình trạng doanh nghiệp mòn mỏi chờ dòng tiền trong bối cảnh khó khăn vẫn tiếp tục gia tăng. Nhiều chính sách đã đưa ra nhưng chưa hiệu quả, đòi hỏi cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải có giải pháp đột phá hơn nữa.

Doanh nghiệp vẫn đang “giật gấu vá vai”

Tại chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều đại biểu tiếp tục nêu ra những khó khăn bủa vây doanh nghiệp. Đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chỉ rõ, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 25,1% tương ứng với gần 77.000 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp phải bán tài sản để giải quyết thanh khoản. Thu nhập, đời sống của người lao động cũng bị ảnh hưởng. Quý I/2023 có 149.000 lao động mất việc làm, tăng 39.000 lao động so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chính sách ưu đãi vẫn chưa phát huy nhiều tác dụng.

Là người làm việc nhiều với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua công tác kiểm toán, tư vấn, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, nguyên Tổng giám đốc PwC Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp đang gặp phải vấn đề thanh khoản khi chu kỳ vốn lưu động của doanh nghiệp ngày càng dài, kéo theo nhu cầu dòng tiền rất lớn, đặc biệt, khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng vốn vay lớn, chi phí cho lãi vay cao.

“Dòng tiền của doanh nghiệp chủ yếu “mắc kẹt” ở hàng tồn kho. Sau Covid-19, nhiều doanh nghiệp tích trữ hàng hóa khi thấy giá cả tăng cao, nhưng sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và thế giới đều không được như kỳ vọng. Dẫn đến việc bán hàng, thu hồi vốn của doanh nghiệp diễn ra chậm hơn, dòng tiền và vốn lưu động ngày càng giảm. Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm đến dòng tiền ra và dòng tiền vào, đến lúc cần quá mới mang tài sản đi bán thì rất khó”, bà Vân cho biết.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, nguyên Tổng giám đốc PwC Việt Nam. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, nguyên Tổng giám đốc PwC Việt Nam. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Ngoài ra, bà Đinh Thị Quỳnh Vân đánh giá, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp khá thấp. Mặc dù có lãi nhưng chu kỳ để thu được tiền ngày càng dài ra. Do đó, dù kinh doanh có lãi, doanh nghiệp vẫn đứng trước nguy cơ phá sản vì không đủ dòng tiền để thực hiện các nghĩa vụ nợ. Nhất là ngành bất động sản đang mất cân đối thanh toán và ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xây dựng.

“Theo những nghiên cứu của PwC, doanh nghiệp xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng là những doanh nghiệp có dòng tiền bị ảnh hưởng lớn nhất. Khi làm việc với một số ngân hàng, chúng tôi thấy họ không thiếu tiền, nhưng rất khó tìm được doanh nghiệp có khả năng thanh toán khoản nợ đúng hạn”, bà Vân nêu vấn đề.

Ngoài khó khăn về dòng tiền như bà Vân chia sẻ, theo ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các thủ tục hành chính ngày một gia tăng đang là rào cản lớn của doanh nghiệp.

“Trước đây, một số dự án nằm trong phạm vi thẩm quyền của địa phương, nay các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải xin ý kiến tận Trung ương. Đó là rào cản cực lớn khiến doanh nghiệp nản chí và tìm cách thoái lui khỏi thị trường.

Đặc biệt, do chi phí vốn lưu động, đầu tư lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp thương mại, dịch vụ nên những doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải mất nhiều năm mới có thể quay lại thị trường”, ông Hùng chia sẻ.

Báo cáo chuyên đề "Thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản Việt Nam" do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố mới đây cho thấy, thị trường có lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không đủ nguồn lực.

Năm 2022, thị trường có 48.500 sản phẩm bán ra, chỉ đạt 20% so với năm 2018, chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp. Quý I/2023, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó. VARS dự báo, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn tiếp tục khó khăn, sẽ có tới 23% doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động tới hết quý III/2023 và chỉ khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm nay.

Cần chính sách đột phá khơi thông dòng tiền

Các chuyên gia đánh giá, vòng quay tiền của nền kinh tế Việt Nam rất chậm và bị kẹt ở nhiều nơi trong nền kinh tế. Để giải quyết vấn đề này cần cả giải pháp chính sách lẫn hành động của doanh nghiệp.

Trước hết, bà Đinh Thị Quỳnh Vân cho rằng, các doanh nghiệp nên tiết giảm chi phí thông qua việc đẩy mạnh hoạt động thuê tài chính và chú ý tới vấn đề bảo hiểm cho toàn bộ doanh nghiệp.

“Tôi làm việc nhiều với doanh nghiệp FDI, thấy họ tận dụng thuê tài chính rất tốt. Ngay cả PwC chúng tôi không sở hữu ô tô nào cả. Do không mất một khoản tiền lớn để mua, nên số tiền đó có thể đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh sinh lợi. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng thuê nhà xưởng, thậm chí máy móc thiết bị… Nói chung, chúng ta phải có cách giảm nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước nên tham khảo sản phẩm bảo hiểm mà các doanh nghiệp FDI đã tận dụng rất hiệu quả, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu do rủi ro giá cả, tỷ giá rất lớn”, bà Vân chia sẻ.

Về phía Nhà nước, bà Đinh Thị Quỳnh Vân cho rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công. Kể cả đầu tư công chi phần lớn cho hoạt động giải phóng mặt bằng thì đây vẫn là mắt xích quan trọng mà nếu tắc nghẽn thì đều ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nói chung.
Đồng tình với vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang rất yếu, kể cả doanh nghiệp Nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân. Nên việc thúc đẩy đầu tư công là bắt buộc. Chỉ khi có đầu tư công mới phát triển được hạ tầng kinh doanh, từ đó sẽ thúc đẩy môi trường và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng tốt hơn.

Ngoài ra, ông Hùng cho rằng, chúng ta phải nhìn thấy lý do tại sao dòng tiền lưu thông ngày càng chậm trong nền kinh tế, dù tiền trong dân gửi tiết kiệm vẫn ngày càng tăng đều và chưa có dấu hiệu dừng lại? Vấn đề là rào cản pháp lý cho chính cộng đồng doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả hộ kinh doanh khi huy động vốn trong dân.

“Thứ nhất, Luật Dân sự không cấm hoạt động kinh doanh này, nhưng khi giao dịch tới lần thứ 3, 4 với cùng một đối tượng lại được xem là hoạt động kinh doanh tiền tệ và sẽ bị xếp vào vi phạm hoạt động của tổ chức tín dụng.

Vậy nên, Luật Doanh nghiệp nên có một chương riêng, quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được phép huy động vốn hợp pháp mà không bị bỏ ra khỏi chi phí hợp lệ khi hạch toán kinh doanh. Đây là giải pháp căn cơ chúng ta phải làm.

Thứ hai, trước đây chúng ta có nhiều chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả quỹ tín dụng riêng. Nhưng các ngân hàng đang ngày càng tiệm cận với quản trị theo tiêu chuẩn Basel II đã cam kết với các nước nên siết chặt cho vay. Nếu chúng ta không định nghĩa được khoản riêng dành cho doanh nghiệp đặc thù, như doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vay dưới chuẩn, với tỷ lệ vay bao nhiêu % thì dù có chính sách riêng, vẫn chưa trúng vào đối tượng được thụ hưởng và chưa giải quyết được vấn đề cho các đối tượng đó. Kể cả có ban hành thêm đạo luật thêm cũng chưa giải quyết được vấn đề”, ông Hùng nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, cần đánh giá nghiêm túc hoạt động tài trợ của các ngân hàng đối với doanh nghiệp. Tính toán tỷ trọng ngân hàng tài trợ độc lập cho doanh nghiệp là bao nhiêu phần trăm hay chúng ta đang cạnh tranh chưa bình đẳng vì sở hữu chéo, sân sau?

“Thời điểm này rất cần một chính sách đột phá, như Thông tư 01/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Có như vậy mới khơi thông được dòng tiền cho doanh nghiệp”, ông Hùng khẳng định.

Nền kinh tế đang thiếu tiền một cách nghiêm trọng. Tiền ngân sách thu được và tiền đầu tư công vẫn ở Ngân hàng Nhà nước gần 1 triệu tỷ đồng. Nên buộc phải hành động để thúc đẩy giải ngân đầu tư công mạnh mẽ, ít nhất cũng giải quyết được 130.000 tỷ đồng nợ đọng lẫn nhau trong ngành xây dựng.

Hai là, cần phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, bằng hành động chứ không chỉ chính sách. Nghĩa là nếu tiền ngân sách chưa chi được, thì tạm thời câu chuyện Ngân hàng Nhà nước bơm tiền mua ngoại tệ hay tái cấp vốn, hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại nên kéo dài để tiền “rủng rỉnh” trong nền kinh tế. Khi chi ngân sách nhiều, có thể hút về bằng các công cụ của Ngân hàng Nhà nước. Điều này sẽ giải quyết nhiều khó khăn của nền kinh tế.

Ông Phạm Xuân Hòe, Chuyên gia tài chính, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) 

Nguồn: https://reatimes.vn/giai-phap-nao-chp-doanh-nghiep-dang-mon-moi-cho-dong-tien-20201224000020062.html