19/01/2025 | 18:27 GMT+7, Hà Nội

Dòng tiền tín dụng vào bất động sản tăng: Thị trường vẫn khó đảo chiều

Cập nhật lúc: 09/05/2023, 18:44

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 31/3, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro gồm bất động sản tăng 2,19%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 6,45%.

Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2022, tăng 10,49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, góp phần đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Tín dụng đối với các lĩnh vực bất động sản tăng 2,19%
Tín dụng đối với các lĩnh vực bất động sản tăng 2,19%

Song, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro gồm bất động sản lại tăng 2,19%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 6,45%, phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 0,25%.

Vừa qua, trước đề nghị mở rộng hạn mức tín dụng cho ngành bất động sản của cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở và đảm bảo kế hoạch trả nợ.

Bộ Xây dựng cũng đã có công văn 1551/BXD-QLN hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng cải tạo lại chung cư cũ.

Dòng vốn từ tín dụng đang dần được "khơi thông", song, thị trường hiện vẫn chưa ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, kết thúc quý I năm nay, thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục duy trì sự trầm lắng. Thanh khoản thị trường giảm sâu xuyên suốt những tháng qua (từ giữa năm 2022 đến nay) khiến nhiều chủ đầu tư liên tục dời lịch mở bán sản phẩm mới theo kế hoạch.

Trong khi đó, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 của hàng loạt tên tuổi hàng đầu như Novaland, Cenland, Danh Khôi, Đất Xanh không mấy khả quan.

CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand/CRE) báo cáo trong kỳ, doanh thu thuần đạt hơn 53 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với con số hơn 1.942 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Không khá khẩm hơn, CTCP Tập đoàn Danh Khôi (NRC) thậm chí không phát sinh doanh thu trong quý I do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản dẫn đến chưa kịp ghi nhận được doanh thu, lợi nhuận từ các dự án mà công ty đang hợp tác đầu tư và môi giới.

Dù "nhỉnh" hơn các doanh nghiệp nêu trên khi ghi nhận doanh thu 329 tỷ đồng, song Công ty Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (DXS) cũng chịu cảnh lợi nhuận gộp của công ty không đủ để trả chi phí và kết quả DXS lỗ sau thuế hợp nhất 44 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 291 tỷ đồng).

Khó đảo chiều trong ngắn hạn

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong quý I, tình trạng chờ đợi, trầm lắng vẫn đang tồn tại. Trong quý II, sẽ có nhiều hơn những văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho hàng ngàn dự án đang “đắp chiếu" chờ đợi tham gia vào thị trường, cung cấp vào thị trường nguồn cung mới. 
Song, để thị trường thật sự thoát ra được trạng thái trầm lắng, VARS kiến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy nhanh việc ban hành các văn bản dưới luật, có tính chất tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý cho hàng ngàn dự án đầu tư phát triển đang “án binh bất động”.

Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdonsgan.com.vn khu vực miền Nam dự báo, thời điểm xuất hiện tín hiệu đảo chiều của thị trường bất động sản sẽ vào khoảng quý IV/2023 hoặc muộn hơn là quý II/2024 tùy theo các điều kiện.

Theo chuyên gia, nếu các chính sách Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản thâm nhập và tác động nhanh đến các đối tượng trên thị trường thì đà phục hồi của thị trường kỳ vọng sẽ diễn ra nhanh hơn./.

Nguồn: https://reatimes.vn/dong-tien-tin-dung-vao-bat-dong-san-tang-20201224000019380.html