18/04/2024 | 23:32 GMT+7, Hà Nội

Giá xăng bớt 1.000 đồng thuế môi trường từ 11/7

Cập nhật lúc: 08/07/2022, 13:54

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500-700 đồng với dầu; yêu cầu áp dụng ngay ở kỳ điều chỉnh tuần sau (11/7).

Sáng 6/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, thảo luận dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong khung thuế.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, người thừa uỷ quyền Chính phủ, cho hay giá dầu thô thế giới duy trì mức trên 100 USD một thùng, giá bán lẻ trong nước được dự báo vẫn tăng cao...

Để giảm tác động tới sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn khung thuế suất theo thẩm quyền quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, từ 1/8 tới hết 31/12/2022.

Cụ thể, thuế này với xăng (trừ ethanol) sẽ giảm từ 2.000 đồng xuống 1.000 đồng một lít. Các loại dầu, mỡ khác giảm 500-700 đồng một lít. Riêng mức thuế với dầu hoả giữ nguyên 300 đồng một lít do đây là mức sàn trong khung thuế.

Tức là mức giảm giá bán lẻ với xăng, dầu, mỡ nhờn tương ứng hạ 550-1.100 đồng một lít, gồm thuế VAT.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho hay, đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra nhất trí với đề nghị của Chính phủ giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn về mức sàn.

Ban đầu, Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí với đề nghị giảm thuế này từ 1/8 của Chính phủ. Một số khác đề nghị giảm thuế từ 15/7 để kịp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Nhưng cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, cần giảm ngay thuế này từ 11/7 - ngày điều chỉnh giá xăng dầu tới đây. Ông đề nghị Chính phủ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, để trình ký, ban hành.

Biểu quyết sau đó, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất giảm về mức sàn thuế bảo vệ xăng dầu, mỡ nhờn từ 11/7 tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp bất thường của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 6/7. Ảnh: Hoàng Phong
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp bất thường của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 6/7. Ảnh: Hoàng Phong

Tính toán của Chính phủ cho thấy, khi giảm thêm thuế bảo vệ môi trường lần này, giá xăng hạ, giúp giảm CPI bình quân năm nay khoảng 0,15%. Tuy nhiên, CPI là số tương đối, trong khi thuế bảo vệ môi trường là số tuyệt đối, nên tác động việc giảm thuế này tới lạm phát còn phụ thuộc vào biến động của giá bán lẻ tại mỗi kỳ điều hành. Mặt khác, giá bán lẻ trong nước phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thành phẩm thế giới, nên mức giảm vẫn phải theo biến động thế giới.

Chính phủ cũng cho hay, giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, mỡ nhờn về mức sàn cũng giúp giảm tỷ trọng thuế 1,65-2,72% tuỳ mặt hàng trong cơ cấu giá cơ sở.

Bên cạnh giảm thuế môi trường với xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa Nghị định liên quan tới thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), để đa dạng hoá nguồn cung xăng dầu.

Trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao tác động tới chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, ông Huệ đề nghị Chính phủ cũng sớm nghiên cứu thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp. Ông nói, tinh thần là "nếu tình hình bình thường thì xử lý theo tình huống bình thường, cần cấp bách thì xử lý theo tình huống cấp bách".

Ngoài giảm thuế, Chính phủ cũng cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ một số đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi giá xăng dầu, như ngư dân đánh bắt thuỷ hải sản, giao thông vận tải, người nghèo, thu nhập thấp...

Như vậy, thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ có lần giảm thứ hai. Ở lần giảm 50% từ 1/4, theo tính toán của Chính phủ, giúp giá xăng dầu giảm 0,59% so với tháng 3, làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm. Tuy nhiên, việc giảm thuế này cũng làm giảm thu ngân sách cả năm trên 32.500 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu bán lẻ trong nước qua 17 đợt điều chỉnh, trong đó tăng giá 13 lần, giảm 4 lần. Hiện mỗi lít xăng E5 RON 92 là 30.890 đồng, RON 95-III ở mức 32.760 đồng, tăng lần lượt 8.340 - 9.470 đồng so với cuối năm 2021.

Tương tự, dầu diesel ở mức 29.610 đồng, tăng trên 12.000 đồng so với cuối năm ngoái.

Nguồn: https://congly.vn/gia-xang-bot-1-000-dong-thue-moi-truong-tu-11-7-209993.html