19/01/2025 | 15:55 GMT+7, Hà Nội

Khi giảm thuế cần phải ngăn chặn buôn lậu, giảm được thẩm lậu xăng dầu

Cập nhật lúc: 24/06/2022, 06:57

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại buổi làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhằm trao đổi về một số kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Bộ Tài chính vừa có buổi làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhằm trao đổi về một số kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Tại buổi họp, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đã nêu một số nội dung kiến nghị tới Bộ Tài chính. Trong đó, ông Bảo nêu vấn đề về thuế đối với xăng dầu (thuế suất thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt…); giá bán xăng dầu, chi phí trong công thức giá, quy định trong hình thành giá cơ sở và kiến nghị đề xuất về giá nhằm có mức giá phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại buổi làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam. (Ảnh: taichinhdoanhghiep)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại buổi làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam. (Ảnh: taichinhdoanhghiep)

Liên quan đến nội dung giảm thuế với xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi nếu giá tiếp tục tăng sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành nghị quyết giảm thuế phù hợp. Trước mắt là tiếp tục xin ý kiến giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Tại buổi làm việc, chia sẻ về giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, hiện nay giá xăng dầu liên tục tăng cao đã ảnh hưởng đến mọi ngành, mọi nghề và hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Do đó, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để bình ổn giá xăng dầu, trong đó phải tìm được nguồn cung dồi dào nhưng giá rẻ.

Liên quan đến thuế xăng dầu, theo người đứng đầu Bộ Tài chính, hiện nay, có các sắc thuế như: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giảm 1.000 đồng/lít đối với thuế bảo vệ môi trường và Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục giảm tiếp 1.000 đồng/lít. Thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

“Giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa nhưng sẽ kích cầu và phát triển kinh tế”, Bộ trưởng khẳng định. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Tài chính cũng cho biết, khi giảm thuế cần phải ngăn chặn buôn lậu, giảm được thẩm lậu xăng dầu.

5 tháng đầu năm, chi ngoại tệ nhập xăng dầu đã vượt mức thực hiện của cả năm 2021.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2022, lượng nhập khẩu xăng dầu của cả nước đạt 767.000 tấn, trị giá là 890 triệu USD, giảm 2,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với tháng trước đó.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 4,19 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá là 4,2 tỷ USD, dù chỉ tăng 17,8% về lượng nhưng tăng đến 123,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mới qua 5 tháng đầu năm, nhưng chi ngoại tệ nhập xăng dầu đã vượt mức thực hiện của cả năm 2021.

Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang phải oằn mình chống chọi với "bão" giá nhiên liệu. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, trước đà tăng của giá xăng dầu thế giới, giá xăng trong nước đã có 16 kỳ điều chỉnh, trong đó có đến 13 kỳ điều chỉnh tăng.Trong lần điều chỉnh gần nhất hôm 21/6, cũng là lần tăng giá tăng thứ 7 liên tiếp trong hơn 2 tháng qua, giá xăng RON 95 đã xấp xỉ 33.000 đồng/lít.

Để đối phó với giá xăng dầu phi mã, hiện nhiều quốc gia đã chọn phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu, thậm chí tính tới việc bỏ hẳn đánh thuế với xăng dầu trong bối cảnh lạm phát leo thang hiện nay.

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới. VCCI cho rằng, việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên có thể thực hiện được ngay trong tháng 7/2022.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/khi-giam-thue-can-phai-ngan-chan-buon-lau-giam-duoc-tham-lau-xang-dau-68442.html