19/01/2025 | 10:15 GMT+7, Hà Nội

Gắn kết 3 “nhà” trong giáo dục nghề nghiệp: Hướng đi tất yếu

Cập nhật lúc: 09/06/2020, 14:56

Gắn kết chặt chẽ giữa 3 “nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp là hướng đi tất yếu để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Gắn kết chặt chẽ giữa 3 “nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp là hướng đi tất yếu để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần quan tâm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình gắn kết này, tạo đà cho giáo dục nghề nghiệp bứt phá.

Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội là một trong những đơn vị phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp khi đào tạo nghề.

Chưa nhiều doanh nghiệp tham gia đào tạo

Đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp thông qua mối quan hệ gắn kết 3 “nhà” đã hình thành nhiều năm qua. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò đưa ra chủ trương, định hướng chính sách, đầu tư một phần ngân sách cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; nhà trường liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội; còn doanh nghiệp tổ chức đào tạo nhân lực cho đơn vị mình, đồng thời phối hợp với các trường nghề trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề... Thông qua mối liên hệ gắn kết 3 “nhà”, công tác giáo dục nghề nghiệp đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trung bình mỗi năm, hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 2 triệu lượt người; hơn 80% số người học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Nhờ đó đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của nước ta từ 52,6% vào cuối năm 2015, lên 62% vào cuối năm 2019 và phấn đấu đạt 65% vào cuối năm 2020. Đặc biệt, cả nước đã hình thành 45 trường nghề được đầu tư trở thành trường chất lượng cao theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực vững kỹ năng nghề. Cựu sinh viên Khoa Cơ khí (Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội) Lê Tấn Tài cho biết: “Học nghề chất lượng cao theo chương trình liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, tôi được Công ty TNHH DENSO Việt Nam nhận vào làm việc từ khi chưa tốt nghiệp”.

Hiệu quả của mô hình gắn kết 3 “nhà” đã được khẳng định. Thế nhưng, số doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào công tác đào tạo nghề hiện mới đạt khoảng 10% và số doanh nghiệp đồng hành với các nhà trường trong quá trình đào tạo nghề cho người lao động mới đạt khoảng 30%. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, việc doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia đào tạo nghề là do khung pháp lý về trách nhiệm, quyền lợi của doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn chưa rõ cơ chế khuyến khích; thiếu chế tài bắt buộc doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng, sử dụng lâu dài lao động qua đào tạo. Một số địa phương chưa tích cực, chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề. Người sử dụng lao động chưa chú trọng đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động…

Nhờ tăng cường phối hợp 3 “nhà”, hơn 90% học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Minh Ngọc

Nỗ lực gỡ vướng

Nhằm tăng cường gắn kết 3 “nhà”, ngày 28-5-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về “Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới”. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề. Các địa phương chú trọng nâng cao năng lực của cơ sở giáo dục nghề, ưu tiên tuyển sinh, đào tạo các nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Để Chỉ thị số 24/CT-TTg trở thành đòn bẩy thúc đẩy hoạt động giáo dục nghề nghiệp phát triển, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội Nguyễn Công Truyền đề nghị, các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về trách nhiệm phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực; quy định rõ danh mục ngành nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo. Còn Phó Trưởng phòng Tuyển dụng (Công ty TNHH Hạ tầng viễn thông miền Bắc) Nguyễn Thị Phương Linh mong muốn, Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn đề nghị, các bộ, ngành nâng cao hiệu quả dự báo về cung - cầu sử dụng nhân lực, làm căn cứ cho các địa phương xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo nghề sát nhu cầu xã hội; đồng thời nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học văn hóa song song với học nghề…

Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân, Bộ đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ xem xét, phê duyệt “Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030” theo hướng tinh gọn bộ máy, mở rộng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ cũng phối hợp với các địa phương cập nhật liên tục thông tin, dữ liệu về thị trường lao động, để nâng cao chất lượng dự báo về nhu cầu sử dụng lao động theo từng ngành, nghề, lĩnh vực. Ngoài ra, các bộ, ngành chức năng đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhằm khuyến khích, ràng buộc doanh nghiệp tham gia sâu vào quy trình đào tạo nghề.

Với những giải pháp đồng bộ đang được các ngành, địa phương triển khai, tin tưởng rằng, lao động qua đào tạo nghề ở nước ta từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, phục vụ hiệu quả quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.