19/01/2025 | 06:58 GMT+7, Hà Nội

Để điều hòa bao nhiêu độ thì tốt nhất cho trẻ? Nguyên tắc dùng điều hòa cho trẻ

Cập nhật lúc: 09/06/2020, 06:40

Không dùng điều hoà thì nóng không chịu được, mà dùng điều hoà nhiều trẻ bị ốm. Vậy dùng điều hoà nên để nhiệt độ bao nhiêu? Dùng điều hoà cần lưu ý những nguyên tắc gì?

Để điều hòa nhiệt độ bao nhiêu thì tốt nhất cho trẻ?

Miền Bắc đang bước vào những ngày nắng nóng gay gắt, kéo dài, máy điều hòa trở thành cứu tinh cho nhiều gia đình. Nhưng nếu dùng điều hòa không đúng sẽ dễ bị ốm, nhất là trẻ nhỏ.

Không ít cha mẹ than vãn, mùa nóng không mở điều hòa thì nóng bức khó chịu, nhưng dùng điều hòa thì trẻ con trong nhà hay bị ốm, ho, sốt dai dẳng.

Chị Nguyễn Thanh Hằng (ở Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ, tối nào 2 cậu con trai nhà chị cũng đòi mở điều hòa mát lạnh mới chịu ngủ yên. Chờ con ngủ yên giấc chị Hằng tăng nhiệt độ lên 28 độ C mà 2 vợ chồng chị vẫn rét run, đắp chăn nằm co quắp vì lạnh.

Vậy mà 2 cậu con trai của chị vẫn trằn trọc khó ngủ về đêm. Cứ hễ tắt điều hòa hay tăng nhiệt độ là con lại thấy nóng, khó chịu, kêu khóc.

Để điều hòa nhiệt độ bao nhiêu thì tốt cho trẻ là câu hỏi được nhiều cha mẹ quan tâm. Ảnh minh họa

“Tôi không muốn con nằm điều hòa nhiều vì theo quan sát của tôi con dễ bị ốm, đau họng, ho, sốt hơn khi nằm ngủ điều hòa. Cứ hễ hôm nào quên không chỉnh nhiệt độ lên cao là con lại bị ho.

Mà tình trạng ho của con lại dai dẳng, uống thuốc mãi không đỡ. Vậy nên, để phòng ngừa con bị ốm chỉ khi nào trời quá nóng tôi mới cho con ngủ điều hòa. Hoặc chỉ mở một lúc tôi sẽ tắt hoặc tăng nhiệt độ lên cao” – chị Hằng cho biết.

Không chỉ riêng gì chị Hằng mà nhiều cha mẹ khác khi mang con đi thăm khám cũng than phiền với bác sĩ rằng con nhà mình thường bị ốm khi nằm điều hòa và không biết nên để nhiệt độ bao nhiêu thì tốt cho con?

Giải đáp về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Trời mùa hè nóng bức, điều hòa nhiệt độ là vật dụng cần thiết để khắc phục tình trạng oi nóng, khó chịu, giảm nguy cơ bệnh tật do nắng nóng gây ra.

Nói điều hòa làm trẻ ốm sốt là không đúng. Trẻ ốm sốt là do bố mẹ sử dụng điều hòa sai cách, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, tấn công vào hệ miễn dịch non nớt của trẻ và làm trẻ bị ốm.

Cha mẹ cần nhớ là không có một mức nhiệt độ cụ thể nào phù hợp với tất cả trẻ. Trẻ mỗi độ tuổi lại có thân nhiệt khác nhau nên cần điều chỉnh mức nhiệt khác nhau cho phù hợp.

Hơn nữa, tùy môi trường sống của mỗi gia đình mà phòng ngủ có diện tích khác nhau, điều hòa sử dụng công suất khác nhau nên không thể có một mẫu số chung cho tất cả.

Muốn biết con mình phù hợp với mức nhiệt độ điều hòa bao nhiêu mà không bị ốm, không ảnh hưởng sức khỏe thì cha mẹ phải thử nhiệt độ điều hòa.

Lúc đầu mới mở có thể để nhiệt độ cao một chút, nếu thấy bé khó chịu, ngủ không ngon thì sau khoảng 1 tiếng lại hạ một chút, hạ để tìm mức nhiệt độ lý tưởng cho con, bé ngủ ngoan, không trằn trọc khó chịu là được.

Cha mẹ sẽ mất khoảng 2 – 3 ngày, mỗi ngày vài tiếng để tìm mức nhiệt độ phù hợp nhất với con mình. Các lần tiếp theo cứ để mức đó là được.

Đồng thời cha mẹ cũng nên nhớ mức nhiệt phù hợp với trẻ nhưng chưa chắc đã phù hợp với người lớn. Nếu ưu tiên cho trẻ thì tìm mức nhiệt độ phù hợp trẻ còn người lớn tìm cách khắc phục nếu thấy lạnh hoặc nóng”.

Sử dụng điều hòa không đúng cách, để nhiệt độ quá lạnh hay quá ấm đều gây hại cho sức khỏe trẻ. Ảnh minh họa

Những nguyên tắc vàng khi sử dụng điều hòa trong mùa nóng để không gây hại cho trẻ

  • Căn chỉnh nhiệt độ máy điều hòa: Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh chịu được mức nhiệt độ khác nhau. Với trẻ sơ sinh phải sử dụng điều hòa có nhiệt độ cao hơn so với các trẻ lớn. Cha mẹ cần thử mức nhiệt độ phù hợp với cơ thể và sức khỏe của trẻ. Nhiệt độ chênh lệch giữa môi trường trong phòng và bên ngoài không quá 5 độ C.
  • Không nên mở máy điều hòa cả ngày: Bật máy điều hòa liên tục trong suốt cả ngày ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe khi ở lâu trong phòng kín bật điều hòa. Chỉ nên ở trong phòng điều hòa không quá 2 giờ.
  • Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột: Trẻ đang ở trong điều hòa không nên ra ngoài đột ngột để tránh sốc nhiệt dễ sinh ra bệnh tật như đau đầu, cảm sốt… do cơ thể trẻ không kịp thích ứng. Khi ra khỏi phòng nên mở cửa to và đứng ở cửa vài phút để trẻ tiếp xúc gần với không khí bên ngoài, để cơ thể kịp thích nghi với không khí mới.
  • Không để trẻ tắm ở nơi có điều hòa. Chỗ trẻ nằm cần tránh luồng gió điều hòa thổi vào, nhất là phần đầu và tứ chi để không gây hại cho sức khỏe.
  • Điều hòa phải có quạt thông gió: Khi sử dụng điều hòa cần có độ hở nhất định trong phòng để không khí lưu thông, hạn chế vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể của trẻ.
  • Vệ sinh thường xuyên ở bộ phận lọc gió vì máy điều hòa tích bụi lâu ngày có thể khiến trẻ bị dị ứng. 
  • Độ ẩm phòng lý tưởng nhất là 50%. Không nên sử dụng quạt hơi nước bởi hạt nước bay trong không khí tạo cảm giác mát nhưng có thể là tác nhân làm phát tán những vi khuẩn, virus có hại.

Nhắc trẻ uống nước thường xuyên để làm mát cơ thể, phòng ngừa dịch bệnh trong mùa hè. Ảnh minh họa

Ngoài ra, cha mẹ cần giữ sức khỏe cho trẻ bằng những cách dưới đây sẽ giúp trẻ khỏe mạnh, thoải mái đón hè, không lo bị bệnh:

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến món ăn cho trẻ.
- Nhắc trẻ uống nước thường xuyên, nửa tiếng uống 1 lần, không để đến lúc khát quá rồi mới uống. Nếu có điều kiện nên cho trẻ uống nước hoa quả tươi.
- Chủ động chống nóng cho trẻ bằng việc đội mũ, nón, đi ô,…
- Cho trẻ ăn sáng đầy đủ để cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn nhiều hoa quả, rau, uống sữa, nước hoa quả,…
- Tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ cho trẻ.