25/11/2024 | 10:16 GMT+7, Hà Nội

FDI và những kỳ vọng trong 2019

Cập nhật lúc: 18/02/2019, 08:01

Năm 2018, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào hoạt động kinh doanh bất động sản đã tăng 1 bậc, từ thứ 3 năm 2017 lên thứ 2 năm 2018, tổng vốn tăng từ 3 tỷ USD lên hơn 6,6 tỷ USD; tỷ trọng tăng từ 8,6% lên gần 18,7%. Giới chuyên môn kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm thu hút đầu tư FDI trong năm 2019, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam có sự phân hóa mạnh

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, trong năm 2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017 - đây là con số kỷ lục từ trước tới nay.

Tính chung năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,46 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2017.

Dòng vốn FDI toàn cầu được đánh giá là đã phải chịu nhiều tác động trong năm vừa qua. Theo đó, các chính sách mạnh tay của Tổng thống Trump đều đưa đến cảnh báo về sự chuyển dòng của vốn FDI toàn cầu ra khỏi các thị trường mới nổi để quay về nước phát triển, mà Mỹ là một lực hút mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn có lợi thế để đón dòng FDI "tháo chạy" khỏi Trung Quốc, đây lànhân tố rất quan trọng, có thể tiếp tục ảnh hưởng đến xu hướng đầu tư nước ngoài trong năm 2019 nếu tình hình không có nhiều chuyển biến.

Hoạt động kinh doanh bất động sản có biến d

Hoạt động kinh doanh bất động sản năm 2018 trở thành điểm sáng khi tăng bậc về thu hút vốn FDI.

Số liệu thống kê cho thấy,trong năm 2018, cả nước có tới 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ 2017.

Điều đáng lưu ý là có những chuyển dịch đáng kể trong các ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất. Theo đó, ở top đầu, các nhóm ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản và bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa… đã có sự điều chỉnh đáng kể.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu trong nhóm các ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất, tăng tỷ trọng trong tổng vốn đăng ký từ 44,6% (năm 2017) lên 46,8% trong năm 2018.

Hoạt động kinh doanh bất động sản được cho là điểm sáng khi tăng 1 bậc từ thứ 3 năm 2017 lên thứ 2 năm 2018 với tổng vốn tăng từ 3 tỷ USD lên hơn 6,6 tỷ USD; tỷ trọng tăng từ 8,6% lên gần 18,7%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Thị trường bất động sản trong năm mới Kỷ Hợi được đánh giá sẽ chịu nhiều tác động từ việc siết chặt dòng vốn tín dụng, các thay đổi về chính sách vĩ mô cũng như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... Qua đó, dòng vốn FDI dự báo cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay: "Thị trường sẽ không thiếu vốn vì dòng FDI chắc chắn vào Việt Nam sẽ nhiều, có thể thông qua cuộc chiến tranh thương mại, sẽ có dòng vốn vào Việt Nam".

Trong khi ấy, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng kỳ vọngFDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam, tuy vậy, vị này cho rằng vẫn cần tính tới kịch bản xấu khi mà dòng vốn này chịu ảnh hưởng bởi biến cố trên thế giới.

Việt Nam cần có“chiến lược thu hút FDI thế hệ mới”

Tại Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI tổ chức đầu tháng 10/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Việc mở cửa thu hút FDI là chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu của đất nước. Việt Nam trở thành một trong những khu vực thu hút FDI thành công nhất thế giới".

Theo đó, Thủ tướng kỳ vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện với nội hàm mở rộng hơn, không chỉ thu hút vốn mà còn hợp tác về quản lý, tăng cường mua lại, sáp nhập, hợp tác bảo vệ môi trường, hợp tác về lao động, đảm bảo công bằng xã hội.

Nội dung "Dự thảo chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, giai đoạn 2018 - 2030" cũng đề cập: Điểm nhấn chính của “chiến lược thu hút FDI thế hệ mới” là sự chuyển dịch trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho "sản phẩm" của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp (tức là môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai, nhờ đó có thể tăng tối đa hiệu ứng lan toả và giá trị gia tăng của FDI.

Tại Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới tại tỉnh Bình Dương tổ chức chiều ngày 14/2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho hay: "Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút, sử dụng FDI tổ chức vào cuối năm 2018 đã khẳng định FDI đã trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế."

Theo đó, lũy kế đến ngày 20/1/2019, cả nước có 27.463 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 343 tỷ USD và tổng vốn thực hiện hơn 192 tỷ USD. Trong giai đoạn 1991 - 2018, tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì ở mức khoảng 18 - 25%.

Có thể thấy, FDI góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thế và lực của đất nước… vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đều khẳng định FDI có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm qua và đã thành công trong thu hút, sử dụng FDI.

"Sau 30 năm, FDI đã phát triển song hành và góp phần phát triển đội ngũ doanh nghiệp tư nhân của thành phố. Hiện nay, vốn đầu tư của khối FDI chỉ bằng 1/4 so với vốn đầu tư của khối tư nhân ở TP.HCM, mức tăng trưởng vốn đầu tư của FDI chỉ khoảng 7,45 lần, thấp hơn mức tăng 33 lần của doanh nghiệp trong nước", ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM chia sẻ.

Ông Liêm nhận định: Xu hướng hợp tác đầu tư, mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp, dự án của các doanh nghiệp FDI cũng mang lại hiệu quả tích cực trong cơ cấu lại ngành nghề trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

Song song với đó, ông Lê Thanh Liêm cũng đề nghị chính sách thu hút, sử dụng FDI phải bảo đảm được hiệu lực hiệu quả giám sát, nếu các doanh nghiệp FDI thực hiện đúng cam kết thì mới được hưởng các ưu đãi, đồng thời có chính sách tài chính, môi trường đầu tư tốt để thu hút các tập đoàn đa quốc gia mở trụ sở, các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.