19/01/2025 | 02:38 GMT+7, Hà Nội

Đồng tiền FDI: Đã đến lúc phải lọc dự án

Cập nhật lúc: 30/01/2019, 19:01

Nhận định về tình hình thu hút FDI vào nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng, TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, năm 2018 FDI ghi nhận nhiều dấu mốc ấn tượng. Sang năm 2019, tình hình tiếp tục khả quan, nhưng cũng đã đến lúc cần có cái nhìn thực tế hơn về dòng tiền này.

PV: Thưa TS. Phan Hữu Thắng, thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài năm qua đã cho thấy những con số ấn tượng về nguốn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 30,8 tỷ USD. Riêng thị trường bất động sản ghi nhận con số 6,5 tỷ USD. Theo TS, vì sao chúng ta đạt được điều này?

TS.Phan Hữu Thắng: FDI vào Việt Nam những năm gần đây hết sức ấn tượng, vẫn tăng trưởng đều, đặc biệt là đối với thị trường bất động sản. Đến hết tháng 11, Việt Nam ghi nhận được 6,5 tỷ USD vốn đăng ký vào thị trường bất động sản, chỉ sau chế tạo chế biến.

Trước đây 30 năm, có thể chúng ta chưa hiểu, nhưng đến bây giờ tôi cho rằng ai cũng đã hiểu được nguyên nhân vì sao có thể thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhiều như vậy. Bất kỳ nhà đầu tư nào, khi bỏ đồng tiền của mình ra họ cũng phải cân nhắc xem có sinh lời hay không. Mà sự sinh lời đó phụ thuộc vào điều gì? Đó là thị trường, là hệ thống luật pháp, chính sách ở nước sở tại và những thuận lợi trong kinh doanh đầu tư.

Những năm qua, Việt Nam đã đáp ứng được những điều kiện này đối với các nhà đầu tư quốc tế. Họ thấy Việt Nam có tình hình chính trị xã hội ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh luôn được cải thiện hơn so với thông lệ quốc tế, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thị trường của chúng ta cũng phát triển, sức mua ngày một tăng, đời sống của người dân ngày một phát triển.

Với riêng lĩnh vực bất động sản cũng vậy, các nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng, họ đầu tư vào bất động sản Việt Nam thì sẽ có lời. Đó là lý do khiến đầu tư nước ngoài vào bất động sản vẫn tăng trưởng đều những năm qua.

TS. Phan Hữu Thắng

TS. Phan Hữu Thắng

PV: Nhìn tổng quan, ông đánh giá thế nào về cơ cấu dòng vốn FDI vào bất động sản so với các dòng vốn khác?

TS.Phan Hữu Thắng: Thị trường bất động sản có rất nhiều phân khúc, từ bất động sản công nghiệp, đến bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hay bất động sản nhà ở, mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê… Mỗi phân khúc này lại thu hút một luồng vốn khác nhau.

Trên thực tế, khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn vốn của khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, dẫn đầu là các tập đoàn lớn, vào thị trường bất động sản ngày càng tăng. Nhưng dù vậy, vốn FDI vào thị trường bất động sản nói chung vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc mở ra các hướng đi mới về công nghệ, kỹ thuật... trong quá trình hướng đến xây dựng các thành phố mới, đô thị mới.

PV: Vì sao vậy, thưa ông?

TS.Phan Hữu Thắng: Nguyên nhân là bởi, vốn FDI còn mang theo nó những tiến bộ về công nghệ, về kinh nghiệm quản lý, thiết kế và cung cấp dịch vụ,... Góp phần xây dựng một thị trường bất động sản hiện đại, dịch vụ cao cấp, đáp ứng được nhu cầu của mọi phân khúc khách hàng.

Trong giai đoạn đầu, vốn FDI chủ yếu tập trung vào bất động sản công nghiệp. Các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam và chủ yếu xây lên những khu công nghiệp, nhà xưởng. Việt Nam từ chỗ không có khu công nghiệp nào nay đã có hơn 300. Trong đó tỷ lệ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là rất cao. Khi đó, dòng vốn FDI còn mang lại một nhận thức mới về đầu tư công nghiệp, đưa ra các giải pháp để giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng, môi trường…

Sau đó, dòng vốn này dần dần tiến vào thị trường bất động sản nhà ở, rồi bất động sản thương mại, văn phòng cho thuê - mặt bằng bán lẻ.

Đến khi thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư, khách du lịch nước ngoài đến với Việt Nam thì có một vấn đề hiện ra là chúng ta còn thiếu những khách sạn cao cấp. Dòng vốn FDI lúc này lại đổ vào đó. Các khách sạn 5 sao đầu tiên ở các thành phố lớn hầu hết là vốn đầu tư nước ngoài. Những khách sạn này đáp ứng ngay nhu cầu giao thương quốc tế, hợp tác quốc tế, đón các đoàn đại biểu cấp cao và nhà đầu tư kinh doanh khi đến Việt Nam. Tiếp theo, FDI cũng tập trung vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

PV: Nói như vậy, nhưng thực tế cũng đã cho thấy không ít dự án bất động sản FDI không như kỳ vọng. Dù ban đầu được các địa phương “trải thảm đỏ” mời vào, nhưng sau đã lộ ra những “mặt xấu” như dự án treo, lấy đất nhiều năm nhưng nằm im đắp chiếu, hoặc dùng mọi chiêu để trốn thuế… Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

TS.Phan Hữu Thắng: Sau 30 năm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, đã đến lúc cần nhìn vào thực tiễn của đồng tiền này.

Chúng ta đừng phủ nhận vai trò, đóng góp của đồng tiền FDI, nhưng như tôi đã nói, không có nhà đầu tư nào mang tiền đi đầu tư lại không muốn thu lời. Và để đạt được mục tiêu thu lời qua đầu tư thương mại, họ phải có phương pháp để kiếm lời nhiều nhất. Đó là thực tiễn. Nhưng nếu chúng ta quản lý không tốt, thì không thể hạn chế được mặt tiêu cực của đồng tiền FDI. Cho nên đến thời điểm này, sau 30 năm, khi chúng ta đã trưởng thành hơn, hiểu biết hơn thì chúng ta cần đưa ra những giải pháp hạn chế tiêu cực, để việc thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng bền vững, hiệu quả hơn.

Trong lĩnh vực bất động sản, có những giai đoạn rất nhiều dự án tỷ đô được cấp phép, ra mắt thị trường với lễ khai trương hoành tráng. Và ai cũng tưởng rằng chỉ sau vài năm, từng bước một, sẽ có những dự án đa năng, tiện lợi, phục vụ cho nhu cầu của người dân và giao lưu quốc tế. Nhưng sự thật không phải như vậy. Có nhiều dự án treo nhiều năm, đất không được sử dụng, dân không có đất canh tác mà dự án khác cũng không thể vào. Cho nên đến nay, nhiều địa phương đã rà soát lại các dự án trên địa bàn, thu hồi giấy phép đầu tư của những dự án “treo” để dành chỗ cho dự án mới. Mặt trái của đồng tiền là ở chỗ đó.

Nếu chúng ta không nhận ra mà cho rằng tất cả chỉ toàn màu hồng là sai lầm. Đồng tiền FDI, một mặt thì rất tốt, đóng góp của vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua là rất to lớn. Nhưng trong quá trình triển khai cũng lộ ra những mặt trái. Khi mà chúng ta quản lý lỏng lẻo thì nó xuất hiện và gây ra những hệ lụy. Vì vậy chúng ta phải nhìn thẳng vào đó để nắm bắt được thông tin và có những giải pháp trong việc quản lý để hạn chế mặt trái.

PV: Cụ thể, những giải pháp đó nên như thế nào, thưa ông?

TS.Phan Hữu Thắng: Tôi cho rằng, một trong những giải pháp hết sức quan trọng là nâng cao năng lực quản lý nhà nước về FDI từ Trung ương đến địa phương. Đừng để xảy ra những sai sót như vừa qua. Trong bộ máy quản lý, chúng ta phải tập trung vào con người. Phải tập trung đào tạo, nâng cao năng lực nghiệp vụ, bố trí chặt chẽ, có sự liên kết giữa các bên, từ bên cấp phép đầu tư đến quản lý môi trường, thuế...

Ngoài ra, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nói rồi, không thu hút FDI bằng mọi giá. Tức là trong giai đoạn tới, chúng ta phải tính tới việc chọn lọc dự án, chỉ thu hút và cho phép các dự án mà Việt Nam thực sự cần, mang lại hiệu quả, để nền kinh tế của chúng ta phát triển bền vững.

PV: Năm 2018 đi qua và như đã nói, FDI vào Việt Nam thực sự đã có những dấu mốc đáng nhớ. Nếu dùng một câu để nói về tình hình FDI 2019, ông sẽ dự báo như thế nào, thưa TS?

TS. Phan Hữu Thắng: FDI 2019 sẽ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng như hiện tại và có thể giữ được mức tương đương như năm 2018.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Yên Trung (thực hiện)