21/11/2024 | 17:00 GMT+7, Hà Nội

Đừng tin quảng cáo, hãy lắng nghe cơ thể mình

Cập nhật lúc: 10/10/2019, 06:00

Thị trường sản phẩm thảo dược của Việt Nam đang chưa bao giờ sôi động như hiện nay với hàng trăm loại sản phẩm thảo dược dưỡng da, tắm trắng hoặc giảm cân.

Ý kiến người tiêu dùng

Thị trường sản phẩm thảo dược của Việt Nam đang chưa bao giờ sôi động như hiện nay, với hàng trăm loại sản phẩm thảo dược dưỡng da, tắm trắng, giảm cân hoặc thực phẩm chức năng. Các sản phẩm này thường được quảng cáo như bài thuốc gia truyền, sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, thảo mộc dân gian,… cho nên có hiệu quả bất ngờ và nhất là không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Nhiều chị em ham làm đẹp vì muốn thanh lọc cơ thể nhanh, làm trắng da siêu tốc nên bỏ tiền triệu mua các loại thảo dược, mỹ phẩm được mời chào, quảng cáo rầm rộ qua mạng. Tuy nhiên, chẳng những không đạt kết quả như mong muốn mà còn rước họa vào thân.

Cụ thể, như chị Huyền Trâm (Trung Kính) sau khi sinh đứa con thứ hai đã tăng nhiều cân và không thể giảm được. Chị đã được một người bạn giới thiệu loại trà giảm cân khá nổi tiếng để uống. Chị Trâm khá tin tưởng vào loại thuốc giảm cân này vì nó được các ngôi sao và hot facebooker quảng cáo thường xuyên. Qua một tuần uống, hiệu quả có giảm như lời quảng cáo dù “không cần kiêng khem”. Tuy nhiên, chị lại luôn cảm thấy cơ thể mình khác thường, mệt mỏi, uể oải và làm việc không hiệu quả như mong muốn. 

Một trong những trường hợp dùng mỹ phẩm thiên nhiên bị dị ứng

Còn chị Mai (TP. Huế) cũng phải nhận quả đắng khi tìm đến sản phẩm kem trắng da để mong muốn cải thiện làn da “cha sinh mẹ đẻ” của mình.

Chị được mời đến dự một hội thảo làm đẹp có quy mô ở một khách sạn sang trọng. Tại đây, nghe các chuyên gia làm đẹp và người nổi tiếng chia sẻ rất chân thật về sản phẩm họ đang sử dụng để có làn da mượt mà như ý, chị đã bỏ ra số tiền 4 triệu đồng để mua được bộ sản phẩm của hãng mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam. Nhưng rồi một thời gian bôi cũng không thấy có hiệu quả gì.

Lo lắng hơn nữa là da chị bắt đầu nổi mẩn đỏ toàn khuôn mặt. May mắn thay chị đã kịp thời đến bác sĩ da liễu thăm khám và chữa trị kịp thời. Một thời gian sau, chị có đọc thấy thông báo của Bộ y tế về việc thu hồi sản phẩm này do không đạt chất lượng và không an toàn cho người sử dụng.

Đến giờ thì chị Mai thực sự đã tạm biệt loại kem dưỡng trắng này và chị cũng không tin tưởng để tìm đến sản phẩm thảo mộc nội địa nào nữa.

Nhiều hình thức quảng cáo gây sốc để gây ấn tượng với người tiêu dùng

Còn chị Mỹ Hạnh (Quảng Ninh) lại cho biết, mình tuyệt đối không tin vào các sản phẩm thảo dược mà quảng cáo tràn lan trên mạng: "Tôi chưa dùng bao giờ nhưng tôi cũng chưa khi nào có suy nghĩ sẽ dùng các sản phẩm thảo dược đang hot hiện nay như Bảo Lâm, Cường Anh, Linh Hương, Thanh Mộc Hương,... Thứ nhất là tôi đã nghe không ít những tiếng tăm không mấy tốt đẹp của các công ty dược phẩm hay Đông y này. Hơn nữa, tôi thấy các nhãn hàng thảo dược Việt hiện nay đang bị biến tướng thành hình thức kinh doanh đa cấp như mở đại lý, tuyển cộng tác viên nên tôi luôn hoài nghi về giá trị thực của sản phẩm"

Tuy vậy, những trường hợp tỉnh táo như chị Hạnh không quá nhiều, đó là lý do mà sản phẩm đội lốt thảo dược Việt vẫn đang lộng hành trên thị trường chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.

Ý kiến của chuyên gia

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp ngày càng tăng cao thì càng tạo cơ hội để vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tung hoành. Nhiều cơ sở kinh doanh trái phép chỉ vì lợi ích trước mắt đã tung ra thị trường các sản phẩm đội lốt thảo dược Việt, hơn nữa còn tích cực quảng cáo với những lời lẽ thổi phồng công dụng khiến người tiêu dùng nhầm tưởng hiệu quả “thần thánh” và mua dùng.

Tuy rằng các chuyên gia trong ngành đã nhiều lần khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin vào những sản phẩm được quảng cáo quá thần thánh. Thậm chí, cơ quan chức năng dăm bữa nửa tháng lại phanh phui một vụ sản phẩm thảo dược không rõ nguồn gốc, có hại cho người tiêu dùng nhưng vì tần suất quảng cáo sản phẩm dưới nhiều hình thức khác nhau khiến một bộ phận người bệnh xao nhãng việc điều trị hiện tại, quay sang sử dụng. Và khi đó, người bệnh phải chi trả với giá quá đắt nhưng lại không xứng đáng với chất lượng, đặc biệt họ còn bỏ qua giai đoạn sớm chữa bệnh, đến khi nhận hậu quả như trường hợp chị Mai và chị Trâm ở trên thì mới loại bỏ những sản phẩm đó.

Các sản phẩm Đông y thảo dược không phải hoàn toàn hiệu quả đối với tất cả mọi người.

Nói về tác dụng của các sản phẩm thảo dược, TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh - nguyên Trưởng khoa Nội Bệnh viện Y Học Cổ Truyền Trung ương cho biết, nếu sản phẩm thảo dược được sản xuất theo quy trình chuẩn y tế, nguyên liệu đầu vào đảm bảo thì nó hoàn toàn có thể sử đụng được cho đại đa số nhưng hiệu quả thì còn tùy thuộc từng cơ địa.

“Các sản phẩm Đông y thảo dược không phải hoàn toàn hiệu quả đối với tất cả mọi người. Có thể người này dùng rất tốt nhưng không phải người kia cũng vậy. Đông y thảo dược có tính chất phù hợp với ai thì người đó sẽ tốt nhiều hơn. Thế nên khi chúng tôi nghiên cứu một bài thuốc Đông y hạ mỡ máu, có những bệnh nhân thì rất hợp thuốc nhưng số đó không phải đa số, cho nên không bao giờ dám nói bài thuốc đó của tôi là chữa được khỏi bệnh vì Đông y phù hợp với từng người”, TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh nói.

Những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên cũng có những xác suất không phù hợp với thể trạng của người này người kia, chưa nói đến những sản phẩm đội lốt thảo dược. Vì vậy, bác sĩ Vân Anh cũng cảnh báo người dùng nên cảnh giác với những sản phẩm đang tràn lan trên thị trường. Không nên dùng các loại trôi nổi trên thị trường, rất nguy hiểm và không được Bộ Y tế kiểm duyệt vì một số loại thuốc trôi nổi trên thị trường cho nhiều chất cấm nhưng người dùng không hề biết hoặc biết nhưng quảng cáo quá “nổ” khiến người dùng tin “sái cổ”.

“Đơn cử tôi lấy ví dụ bây giờ có rất nhiều loại thuốc chống viêm giảm đau người ta cho corticoid vào, uống thì khỏi rất nhanh nhưng nhiều bệnh nhân đã đến chỗ chúng tôi với khuôn mặt sưng vù. Chất corticoid bộ Y tế không hề cấp phép, thậm chí là cấm nhưng nó vẫn bị trộn vào các loại thuốc, thực phẩm chức năng và sản phẩm thảo dược trôi nổi trên thị trường, các loại thuốc đó rất nguy hiểm. Vì vậy, người sử dụng phải rất thận trọng để không mua phải những sản phẩm có chất này”, bác sĩ Vân Anh cảnh báo.

Cuối tháng 9 vừa qua, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã phát hiện lô kem làm trắng da và quyết định thu hồi kem trị mụn Bảo Lâm và kem 3 tác dụng Trúc Mai chứa Dexamethason acetat thuộc nhóm corticoid. Trong khi đó, hai sản phẩm này được quảng cáo là hoàn toàn chiết xuất từ thiên nhiên như nhân sâm, bột ngọc trai, lô hội, rong biển và các vitamin chiết xuất từ thảo dược rất tốt cho da.

Kem trị mụn thảo dược Bảo Lâm bị thu hồi

Bác sĩ Vân Anh khuyên những người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ khi mua một sản phẩm nào đó liên quan đến sức khỏe và “đặc biệt khi điều trị thì phải lắng nghe cơ thể mình, thành phần đó có phù hợp với bệnh của mình hay không. Vì thuốc dù tốt đến đâu thì phù hợp cơ địa cũng mới hiệu quả. Nếu có phản ứng với thuốc thì cũng phải gặp bác sĩ, thầy thuốc để nêu lên dấu hiệu bệnh”

Một khi đã dùng các sản phẩm liên quan tới sức khỏe thì phải có chỉ định, kể cả sử dụng một sản phẩm chức năng nào đó thì họ cũng phải hiểu tại sao mình lại dùng? Thực trạng cơ thể mình? Ăn uống ra sao và sinh hoạt như thế nào?

Còn PGS.TS. Trần Thị Oanh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo Bộ Y tế cũng đồng tình với việc cần hiểu sản phẩm và hiểu cả cơ thể mình, “một khi đã dùng các sản phẩm liên quan tới sức khỏe thì phải có chỉ định, kể cả sử dụng một sản phẩm chức năng nào đó thì họ cũng phải hiểu tại sao mình lại dùng? Thực trạng cơ thể mình? Ăn uống ra sao và sinh hoạt như thế nào? Nếu mình ăn uống đầy đủ, sinh hoạt lành mạnh thì chỉ cần quan tâm tới dinh dưỡng hàng ngày là đủ.

Trước khi dùng chúng ta nên thăm khám tại những cơ sở có tính chất chuyên môn thuộc nhóm bệnh mà mình quan tâm. Yêu bản thân thì phải biết lắng nghe xem nó cần gì? Muốn biết nó cần gì thì nên đến cơ sở y tế, nơi chuyên về lĩnh vực này.

Tiến Sĩ Oanh cũng cho rằng: “Hãy tin vào các cơ sở y tế và tôn trọng chỉ định của y bác sĩ để có được hiệu quả tốt nhất, bởi vì bản thân người kê đơn phải có trách nhiệm với đơn thuốc cho người bệnh của mình. Trong thời gian gần đây có những ca bệnh đến bệnh viện rồi quay trở về rồi nghe những người khác mách cách chữa bệnh, cuối cùng nặng quá rồi quay trở lại bệnh viện xử lý càng nặng hơn, thậm chí có những ca không xử lý được nữa vì quá muộn”. 

Để đánh giá một sản phẩm chăm sóc sức khỏe tốt hay không dựa rất vào rất nhiều yếu tố như: Chế phẩm của nhà sản xuất, đủ quy trình GMP, nguyên liệu đảm bảo tốt , hàm lượng như thế nào,... có kiểm định của Bộ Y tế, về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, còn phải thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh để xem có tác dụng phụ hay không? Do vậy, người dùng nên tỉnh táo khi quyết định chọn một sản phẩm y dược nào cho riêng mình.

Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới
Mộc Trà