22/11/2024 | 15:41 GMT+7, Hà Nội

Dự báo tình hình kinh tế xã hội tháng 02/2019 tiếp tục chuyển biến tích cực

Cập nhật lúc: 05/02/2019, 11:36

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02/2019 được kỳ vọng tiếp tục chuyển biến tích cực nhờ nền tảng vĩ mô được củng cố và môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện.

Dự báo tình hình kinh tế xã hội tháng 02/2019 tiếp tục chuyển biến tích cực (Ảnh minh họa)

Dự báo tình hình kinh tế xã hội tháng 02/2019 tiếp tục chuyển biến tích cực (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá, với việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ ngày 14/01/2019, Việt Nam có cơ hội để mở rộng xuất khẩu, đặc biệt nhờ tác động chuyển hướng thương mại và giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước, tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, góp phần nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Trong năm 2019, với chủ trương nhất quán của Chính phủ tiếp tục thực hiện ưu tiên tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm huy động tối đa nguồn lực cho phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, khơi thông các nguồn lực. Duy trì thúc đẩy động lực tăng trưởng; quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2019.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 02/2019 có đặc thù là tháng đón Tết âm lịch, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, du lịch sẽ tăng cao gây sức ép lạm phát trong nước, do vậy cần có những giải pháp thận trọng trong điều hành giá cả những mặt hàng, dịch vụ do nhà nước quản lý. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, lễ hội để vừa giữ gìn, đề cao các giá trị văn hóa truyền thống, vừa đảm bảo lành mạnh, tiết kiệm, an toàn, văn minh cho người dân.

Trong các tháng tiếp theo, các cấp các ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp chủ yếu đã đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 45 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và 186 nhiệm vụ chi tiết giao cho các bộ, ngành trung ương và địa phương và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần chủ động, sáng tạo, kịp thời, linh hoạt, đồng thời bám sát, nắm vững tình hình, tận dụng thời cơ để lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên, cần thiết thực hiện trước, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình, vì mục tiêu cao nhất là hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 đề ra.

Ngọc Hà