19/01/2025 | 15:12 GMT+7, Hà Nội

Đồng Nai: Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Cập nhật lúc: 03/11/2022, 13:57

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, chăn nuôi là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Thời gian tới, sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Trang trại quy mô lớn tiếp tục được phát triển

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chăn nuôi có những bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng ấn tượng khi suốt 10 năm qua đạt mức tăng trưởng ổn định từ 4-6%. Tổng đàn heo cả nước đạt 28,6 triệu con, tăng 8,8% so với cùng kỳ, sản lượng thịt hơi 3,2 triệu tấn. Tổng đàn gia cầm 533,4 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kỳ, sản lượng thịt hơi gần 1,5 triệu tấn và 13,4 tỷ quả trứng.

Giai đoạn 2010-2021, sản lượng thịt các loại tăng 1,7 lần, trứng tăng 2,7 lần, sữa tươi tăng 4 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng hơn 2 lần. Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu của gần 100 triệu người dân và 17 triệu khách du lịch hằng năm. Dự tính năm 2022, cả nước sẽ đạt hơn 7 triệu tấn thịt. Ngành chăn nuôi là trụ đỡ lớn của nông nghiệp khi chiếm 25,2% tổng giá trị toàn ngành.

Đồng Nai phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững
Đồng Nai phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Đối với tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh cho biết, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn. Với 2 vật nuôi chủ lực là heo, gà, chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 90%. Trong đó, khoảng 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi; gần 90% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn; khoảng 45% tổng đàn heo, 31 % tổng đàn gà của các doanh nghiệp được truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 150 trang trại và 7 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAHP; duy trì 7 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện. Đồng thời Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh đang phối hợp với Cục Thú y khảo sát và xây dựng 3 vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng tiêu chuẩn OIE phục vụ xuất khẩu.

Đặc biệt, toàn tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được 52 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn với sự tham gia của 15 HTX và 252 tổ hợp tác gồm: 4 chuỗi trứng gà, 13 chuỗi thịt gà, 29 chuỗi thịt heo, 3 chuỗi chế biến sản phẩm từ thịt heo, 2 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi yến. Nổi bật có chuỗi thịt gà chế biến xuất khẩu của Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa) bình quân xuất khẩu 250 tấn thịt gà chế biến/tháng sang thị trường Nhật Bản.

Triển khai nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi của Đồng Nai vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, đó là giá giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng cao làm tăng giá thành sản xuất, trong khi đó giá bán sản phẩm không ổn định. Sản phẩm chế biến còn chiếm tỷ lệ thấp nên chưa nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm.

Cùng với đó, tỷ trọng sản phẩm sản xuất theo chuỗi chiếm tỷ lệ còn thấp, hiện nay chủ yếu là chuỗi khép kín của các doanh nghiệp (chiếm khoảng 50%). Các cơ sở không tham gia chuỗi khó cạnh tranh được với các chuỗi kép kín của các doanh nghiệp do giá thành sản xuất cao và thị trường tiêu thụ không ổn định.

Các Hợp tác xã chăn nuôi đóng vai trò quan trọng, là cầu nối giữa doanh nghiệp, người dân trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, hiện nay đa số các Hợp tác xã còn hạn chế về quy mô, năng lực quản lý, hoạt động, chủ yếu thực hiện dịch vụ cung ứng đầu vào cho thành viên, chưa thực sự làm tốt việc tổ chức dịch vụ khác.

Đồng Nai: Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững - Ảnh 2
Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với tổng đàn heo khoảng 2,56 triệu con

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, từ nay đến hết năm 2022, nhằm khắc phục những khó khăn, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, địa phương sẽ tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thông qua việc bố trí kinh phí và xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Khống chế và kiểm soát tốt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; chủ động giám sát các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, tiếp tục xây dựng mới và duy trì các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y để chỉ đạo kịp thời trong tổ chức sản xuất, cung cấp thông tin về thị trường cho người dân để có kế hoạch sản xuất hợp lý, đảm bảo cung – cầu.

Đặc biệt là khuyến khích, thúc đẩy liên kết từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ sản phẩm; tổ chức sản xuất chăn nuôi theo hình thức hợp tác, liên kết; sản xuất theo các quy trình chăn nuôi an toàn; kiểm soát chặt chẽ về xử lý môi trường trong chăn nuôi theo quy định; xây dựng các vùng chăn nuôi đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sản phẩm nhằm góp phần phần triển chăn nuôi bền vững.

Mặt khác, xây dựng các chuỗi sản phẩm đặc thù cho chăn nuôi nông hộ thông qua liên kết với doanh nghiệp như: sản phẩm chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản phẩm chứng nhận VietGAHP, sản phẩm chăn nuôi sử dụng thức ăn thảo dược,…

Ngoài ra, địa phương sẽ áp dụng các công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi để tự động hóa các khâu trong sản xuất nhằm giảm nhân công lao động, hạn chế rủi ro về dịch bệnh, giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ưu tiên các dự án đầu tư theo trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý chất thải; các dự án đầu tư gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng; tổ chức tốt công tác thông tin thị trường, cập nhật thường xuyên, kịp thời để định hướng sản xuất hiệu quả.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/dong-nai-phat-trien-chan-nuoi-theo-huong-ben-vung-72934.html