28/04/2024 | 02:36 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp vận tải lao đao trong đại dịch

Cập nhật lúc: 30/08/2021, 06:15

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tạm dừng hoạt động, khó khăn chồng khó khăn.

Doanh nghiệp vận tải hành khách "khó chồng khó"
Đã hơn một tháng nay, kể từ khi Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa thông tin về việc tạm dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh từ Thanh Hóa đi, đến các tỉnh từ tỉnh phía Nam và phía Bắc có hiệu lực gồm xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, trừ trường hợp đặc biệt phục vụ phòng, chống dịch, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách trong tỉnh đã gặp nhiều khó khăn. 

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, bà Nguyễn Thị Lý, chủ doanh nghiệp vận tải Đông Lý (huyện Nông Cống, Thanh Hoá) cho biết, doanh nghiệp có gần 25 xe chở khách theo tuyến Thanh Hoá - Hà Nội và ngược lại. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, mọi hoạt động của doanh nghiệp chỉ cầm chừng, nhất là từ tháng 5 đến nay chỉ còn 5 xe chạy túc tắc, đến hiện nay doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động.

Mặc dù xe không hoạt động, nhà xe vẫn phải để một số nhân viên làm việc luân phiên vì cũng không dám cho người lao động nghỉ việc. Trước khi có dịch, trung bình mỗi tháng nhà xe Đông Lý chi khoảng 1 tỷ đồng tiền lương, thưởng cho gần 80 lái xe, nhân viên thì nay, dù không có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải gánh gần hơn 200 triệu đồng/tháng cho việc hỗ trợ nhân viên.

Bên cạnh đó, bà Lý chia sẻ thêm, doanh nghiệp còn phải chịu nhiều khoản thuế phí; tiền vay ngân hàng vẫn phải thanh toán đúng kỳ đúng hạn, tiền thuê nhà xưởng kho bãi... Dù xe nằm ở bãi nhưng cứ ít ngày, các hộ có xe vận tải như bà Lý vẫn phải cho lái xe ra khởi động, bảo dưỡng xe, chạy vòng vòng để xe không bị chết máy, hỏng động cơ. Mỗi lần như thế cũng mất tiền xăng xe, dầu mỡ đến vài triệu đồng. 

Hiện tại, có nhiều nhà xe trung bình mỗi tháng vẫn phải "gồng mình" trả lãi ngân hàng cả trăm triệu đồng vì liên quan đến tiền vay đầu tư vào các phương tiện. Ngoài ra, các chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, đăng kiểm và hàng loạt chi phí khác như: bảo hiểm, thuế vẫn không được giãn hay hoãn...

Tương tự, là doanh nghiệp vận tải với 20 đầu xe, ông Chung Ch., chủ một doanh nghiệp vận tải xin dấu tên trên địa TP Thanh Hóa cũng chia sẻ những khó khăn tương tự, không đủ chi phí duy trì, nhà xe này từng tính tới chuyện bán xe trả nợ, song thời điểm này bán xe cũng không ai mua, hoặc có mua thì cũng trả giá thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp đã cạn quỹ dự phòng, nếu đến hạn không thanh toán được cho ngân hàng rất có thể phải gán nợ bằng xe. Khó khăn này đã từng xảy ra đối với nhiều doanh nghiệp kinh doanh khi đến kỳ hạn, quá kỳ trả vẫn không xoay được nguồn trả, đành bán rẻ hoặc chấp nhận để Ngân hàng thu hồi về để bán.

Đáng nói, có doanh nghiệp không còn nguồn thu, nhưng vẫn phải duy trì một phần lương để giữ chân người lao động, bên cạnh một loạt chi phí khác phải gánh từ bến bãi, lãi vay ngân hàng, phí bảo trì…

Đối với hoạt động vận chuyển hành khách, do phải thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp chống dịch, đặc biệt thực hiện quy định xe khách nếu được hoạt động thì số lượng hành khách được phép chở trên xe tối đa không quá 50% số ghế thiết kế; chi phí phát sinh do phải trang bị khẩu trang, sát khuẩn tay, sát khuẩn toàn bộ xe...

Đi cùng khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của những người lao động. "Khi chưa có có dịch, một tháng trung bình tôi chạy 50-55 chuyến Thanh Hoá - Hà Nội, nhưng từ khi dịch bùng trở lại giảm dần còn 20 chuyến. Mỗi chuyến xe chỉ có dăm, bảy hành khách. Nhà xe gặp khó khăn, doanh thu giảm mạnh. Tới bây giờ thì dừng hẳn. Tôi cũng không có việc làm" - một lái xe trên địa bàn TP Thanh Hoá chia sẻ.

Khó khăn tới bao giờ?

Theo số liệu của Sở Giao thông & Vận tải Thanh Hóa cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 750 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với 4.988 phương tiện vận tải hành khách (gồm: 78 đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định với 685 xe, hoạt động hơn 40 tuyến liên tỉnh; 654 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng với 1.655 xe; 05 đơn vị vận tải hành khách bằng xe buýt với 215 xe; 13 đơn vị vận tải hành khách bằng xe taxi với 2.453 xe).

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến xe khách liên tỉnh, doanh nghiệp không có nguồn để trả gốc và lãi vay ngân hàng, các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động; kéo theo đó là lao động mất việc làm, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn...

Được biết, trước khó khăn của dịch bệnh Covid-19, các ngành chức năng đã có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có Công văn 4237/LĐTBXH-BHXH ngày 27/10/2020 hướng dẫn việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất; Ngày 28/5/2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có Công văn 2059/TLĐ về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Nhiều ngân hàng tiếp tục thực hiện giãn nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ, đặc biệt là điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, cũng như các khoản vay mới; Vay vốn với lãi suất 0% tại ngân hàng chính sách xã hội;...

Tuy nhiên, để tiếp cận với những chính sách hỗ trợ này, các doanh nghiệp vận tải cần theo dõi, muốn được nhận hỗ trợ cần hoàn thành các thủ tục liên quan và đáp ứng các điều kiện được hưởng các chính sách ưu đãi.

Các doanh nghiệp vận tải đang chờ chính sách hỗ trợ để vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch bệnh, từng bước ổn định trở lại sau dịch. Không riêng lĩnh vực vận tải, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực, cũng như các mặt đời sống xã hội.

Nguồn: https://congluan.vn/doanh-nghiep-van-tai-lao-dao-trong-dai-dich-post151661.html