22/01/2025 | 22:53 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp gỗ giải bài toán nguyên liệu

Cập nhật lúc: 26/04/2022, 06:30

Nguồn cung gỗ nhập khẩu đang có những biến động rất lớn trong thời gian gần đây, kéo theo giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tiếp tục cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine và giá cước vận chuyển tăng phi mã.

Giá gỗ nhập khẩu tăng "phi mã"

Thống kê gỗ nhập khẩu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2022, giá gỗ thông tròn nhập khẩu đã tăng 52%, gỗ thông xẻ nhập khẩu tăng 38%, gỗ sồi xẻ tăng 36%. Bên cạnh đó, thời gian nhập khẩu kéo dài dẫn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chậm lại. Các yếu tố này đang trực tiếp làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành.

Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu cao trong khi giá sản phẩm đầu ra không đổi làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp gỗ giảm mạnh.

Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng phi mã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng phi mã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Các nước cung cấp nguyên liệu gỗ cho Việt Nam ở châu Âu đang trong mùa mưa, nên lượng gỗ khai thác đang giảm mạnh. Tây Ban Nha tăng mạnh lượng nhập gỗ sồi, tần bì tròn để xẻ sấy, cung cấp cho các thị trường châu Á. Pháp đang hạn chế việc khai thác để bảo tồn các khu rừng, dẫn đến nguồn cung gỗ tại Pháp sẽ giảm dần trong thời gian tới nhất là đối với gỗ tần bì. 

Còn tại Mỹ, với gói kích cầu của nước này, nhu cầu nội địa của Mỹ tăng cao, đặc biệt trong việc xây dựng nhà gia tăng, khiến giá gỗ nguyên liệu tại Mỹ cũng tăng theo. Giá gỗ xây dựng tại Mỹ đã tăng 4 lần kể từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021, sang đầu năm 2022 lại tiếp tục tăng hơn nữa. Trong thời điểm hiện tại các nhà cung cấp gỗ tại Mỹ mong muốn bạn hàng nội địa nhiều hơn là bán hàng về châu Á bởi họ lo ngại những rủi ro về vận tải cũng như mức giá bán.

Tại Hội nghị trực tuyến “Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu”, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh: "Bài toán cần thiết hơn bao giờ hết đặt ra cho ngành hiện nay là làm thế nào Việt Nam cần chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, tiến tới thay thế nguồn gỗ nhập khẩu hiện đang ở con số 5-6 triệu m3 mỗi năm như hiện nay. Làm thế nào để Việt Nam có thể phát triển được nguồn gỗ nguyên liệu trong nước là gỗ lớn, có chất lượng, đa dạng về chủng loại loài và bền vững? Đây là những câu hỏi hết sức cấp thiết mà ngành cần phải giải quyết trong thời gian tới nếu chúng ta muốn giữ vững lợi thế cạnh tranh của ngành".

Giải "bài toán" nguyên liệu 
Đại diện cho các doanh nghiệp, Viforest kiến nghị Chính phủ cần có các cơ chế chặt chẽ, đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc các quy định và cam kết đặc biệt trong khâu kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh xung đột địa chính trị và tác động của đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung gỗ nhập khẩu như hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển các vùng trồng rừng trong nước quy mô lớn, cung cấp gỗ nguyên liệu chất lượng cao sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro về thiếu hụt nguồn cung gỗ nguyên liệu, cũng như đảm bảo tốt hơn tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu đưa vào chế biến.

Để phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ xuất khẩu, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, nhận định việc trồng rừng cây gỗ lớn rất khó khăn, phát triển rừng gỗ cần thời gian dài từ 10 năm đến 15 năm. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để có thể phát triển cả chuỗi từ trồng rừng, thu mua, chế biến và xuất khẩu.

Chính phủ cần có các cơ chế chặt chẽ, đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc các quy định và cam kết đặc biệt trong khâu kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu.
Chính phủ cần có các cơ chế chặt chẽ, đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc các quy định và cam kết đặc biệt trong khâu kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu.

Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodsland Tuyên Quang, chia sẻ hiện việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn với chu kỳ rừng trồng 7 năm trở xuống gặp rất nhiều khó khăn, do các hộ gia đình và công ty lâm nghiệp thiếu vốn đầu tư.

Bà Tuyết kiến nghị Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho người trồng rừng, có cơ chế cho vay vốn cho các công ty lâm nghiệp và hộ gia đình để trồng rừng gỗ lớn; quản lý chặt chẽ hành trình, nguồn gốc giống cây lâm nghiệp trước khi đưa vào ươm giống xuất bán ngoài thị trường; chính quyền địa phương cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới người trồng rừng về lợi ích của việc trồng rừng gỗ lớn...

Để đạt được mục tiêu trồng rừng đảm bảo nguyên liệu gỗ cho sản xuất đồ gỗ, đại diện các doanh nghiệp đã thống nhất nhiều giải pháp cần phải thực hiện trong 5 năm tới. Đó là, đẩy mạnh việc áp dụng kỹ thuật trồng rừng thâm canh, nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, ưu tiên phát triển giống được sản xuất từ cây mô, hom để trồng rừng sản xuất.

Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 90% diện tích rừng được trồng từ giống cây lâm nghiệp đã được công nhận; năng suất rừng trồng thâm canh giống mới trung bình 20 m3/ha/năm vào năm 2025 và 22 m3/ha/năm vào 2030.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, ngành sản xuất chế biến gỗ và lâm sản của Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới. Vì thế, theo ông Lê Quốc Doanh, nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng ngày một tăng về số lượng cũng như chất lượng, đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ càng cũng như đề ra các giải pháp phù hợp để xây dựng vùng nguyên liệu ngay từ bây giờ nhằm đáp ứng cho sản xuất, chế biến.

Một khi giải quyết được bài toán nguyên liệu, ngành gỗ mới tự tin chinh phục mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025 theo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 27/QĐ-TTg ngày 10/3/2022.

Nguồn: https://congly.vn/doanh-nghiep-go-giai-bai-toan-nguyen-lieu-206592.html