22/11/2024 | 13:14 GMT+7, Hà Nội

Mừng - lo ngành gỗ Việt

Cập nhật lúc: 14/12/2019, 09:00

Vốn FDI vào ngành gỗ Việt sau 11 tháng năm tăng về số lượng nhưng chất lượng, hiệu quả không cao. Các quốc gia phát triển mà Việt Nam rất cần như Mỹ, EU không đầu tư vào ngành gỗ.

Nhật Bản, Hàn Quốc dù đã kêu gọi nhưng FDI vào ngành gỗ cũng không đáng kể...

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 11 tháng năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,64 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam với khoảng 81% tổng giá trị xuất khẩu. Tính riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 4,2 tỷ USD, tăng tới 34,5%.

Cả năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ dự kiến nắm chắc con số 11 tỷ USD

Việt Nam được đánh giá là đã tận dụng tốt được cơ hội xuất khẩu so với các nhà xuất khẩu gỗ nhiệt đới như Indonesia, Malaysia hay một số nhà xuất khẩu khác. Việc tận dụng tốt các cơ hội là động lực thúc đẩu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phân tích: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng với việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA) đã góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt.

Theo báo cáo "Đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam" của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chế biến gỗ tăng rất nhanh, đặc biệt kể từ năm 2018 trở lại đây. Trong số các quốc gia đầu tư, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia có số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư lớn.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương (BIFA) đánh giá: Việc Mỹ áp thuế từ 10 - 25% với sản phẩm gỗ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ khiến các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc hầu như không thể chịu nổi. Để tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ, họ buộc phải chuyển dịch đầu tư sang các nước khác, trong đó điển hình là Việt Nam.

Nhận định FDI là một trong những động lực thúc đẩy ngành gỗ phát triển, tuy nhiên Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho rằng điều này đem lại nhiều thách thức như khó khăn trong kiểm soát chất lượng của các dự án, tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường.

Đáng chú ý, FDI vào ngành gỗ tăng lên còn tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để lợi dụng thuế nhập khẩu thấp hơn từ Việt Nam so với từ Trung Quốc sang Mỹ.

Ông Điền Quang Hiệp nhấn mạnh: Sự chuyển dịch vốn đầu tư vào ngành gỗ từ Trung Quốc sang Việt Nam đã bắt đầu gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam, điển hình là trong câu chuyện tuyển dụng lao động, nỗi lo về nguy cơ gian lận xuất xứ.

Tính đến hết tháng 9/2019, ngành gỗ Việt Nam nhận được 67 dự án đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD, cao hơn 2,3 lần so với tổng vốn đăng ký cả năm 2018 nhưng chủ yếu là tăng vốn để chiếm lĩnh mặt bằng chứ không phải đầu tư mới. Tính số lượng thì tăng thêm thật, song không có nhiều ý nghĩa.

Để mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp FDI đã quyết định tăng vốn đầu tư trong đó Hồng Kông (Trung Quốc) là vùng lãnh thổ có số lượt tăng vốn nhiều nhất với 10 lượt tăng vốn, tăng gấp 3 lần so với năm 2018; tiếp đến là Trung Quốc, Hoa Kỳ và British Virgin Island. Tổng số vốn tăng trong 9 tháng năm 2019 đạt 200,4 triệu USD, cao hơn gần 1,8 lần số vốn tăng của năm 2018.

Bên cạnh đó, FDI vào Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc)… Các quốc gia phát triển mà Việt Nam rất cần như Mỹ, EU không đầu tư vào ngành gỗ. Nhật Bản, Hàn Quốc dù đã kêu gọi nhưng FDI vào ngành gỗ cũng không đáng kể. Như vậy, nhìn chung FDI tăng về số lượng nhưng chất lượng, hiệu quả không cao. Tôi không kỳ vọng nhiều vào FDI này.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - Nguyễn Tôn Quyền đánh giá, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) là điều rất cần thiết với ngành gỗ Việt, song mấu chốt là phải “thay máu” cho FDI, thúc đẩy thu hút từ các quốc gia phát triển như Mỹ, EU, thay vì các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

Hiện nay, công suất của ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam thừa sức sản xuất đạt con số XK 20 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, công nghiệp phụ trợ phải đi theo. Chúng ta hiện muốn kêu gọi FDI vào các lĩnh vực như sản xuất máy chế biến gỗ, sản xuất đồ cơ khí, keo, sơn, … Nếu thu hút được thì giá thành giảm đi rất mạnh, chi phí... sẽ giảm mạnh.

Theo đó, ông Quyền đưa đề xuất Nhà nước cần tiếp tục kêu gọi và tạo thuận lợi thu hút FDI đầu tư vào phát triển công nghiệp phụ trợ nói chung và cho ngành gỗ nói riêng. Ví dụ gần dây, Chính phủ rất quan tâm tới phát triển ngành cơ khí. Thu hút vốn đầu tư FDI cần đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác.

Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 50/NQ-TW về "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến hết 2030". Nếu Nghị quyết này có thể thực sự đi vào cuộc sống thì sẽ thay đổi chất lượng của các dự án FDI, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia phát triển, có thị trường, có tiềm lực lớn mạnh, có trình độ quản trị chuyên nghiệp, có công nghệ hiện đại, tiên tiến… Các quốc gia như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… vào đầu tư mới mang công nghệ tốt vào. Nghị quyết 50/NQ-TW nếu làm quyết liệt thì có thể thay đổi "bộ mặt" của FDI vào Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng.

3 vấn đề cần kiểm soát

Thứ nhất, cần bắt đầu bằng việc rà soát cả 3 loại hình đầu tư, bao gồm: Đầu tư mới, các dự án tăng vốn và dự án mua cổ phần. Trong số đó, nên ưu tiên rà soát các dự án đầu tư mới, có quy mô nhỏ, đặc biệt là các dự án đầu tư mới có vốn đăng ký nhỏ trong năm 2019.

Thứ hai, cơ quan quản lý cấp Trung ương cần phối hợp chặt ché với các hiệp hội gỗ địa phương để theo dõi, nắm bắt tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng, từ đó hình thành các cửa chốt quan trọng trong kiểm soát đầu tư FDI.

Thứ ba, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra và xử lý vấn đề gian lận thương mại trong đó, các cơ quan quản lý trực tiếp có liên quan như cơ quan phụ trách xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại, hải quan, đầu tư.