Doanh nghiệp đang mong chờ tháo gỡ các điểm nghẽn cụ thể
Cập nhật lúc: 11/04/2025, 08:18
Cập nhật lúc: 11/04/2025, 08:18
Mới đây, tại Tọa đàm "Hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân", do Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế tư nhân ở nước ta vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng vốn có. Một trong những nguyên nhân chính là hệ thống pháp luật và chính sách hiện nay còn bất cập, có điểm thiếu rõ ràng, chồng chéo, khiến doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn lực.
Để sớm gỡ khó cho doanh nghiệp tư nhân, tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần sớm chuyển đổi hệ thống pháp luật theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tự do kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, mở rộng cơ hội và tạo nền tảng phát triển cho khu vực tư nhân. Để làm được điều đó, cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và ưu đãi vượt trội dành cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung cũng đề xuất xây dựng khung pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp tư nhân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn ngoài hệ thống tín dụng, đồng thời thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai, nghiên cứu phát triển và công nghệ.
Ngoài ra, cải cách tư pháp đóng vai trò rất quan trọng. Cần rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, giảm chi phí, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong xử lý hợp đồng. Đặc biệt, cần giảm thiểu rủi ro pháp lý, nhất là rủi ro hình sự, để người dân và doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư và phát triển.
Còn theo TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, để kinh tế tư nhân phát huy tối đa tiềm năng, cần tiếp tục thực hiện các cải cách mang tính đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh. Một trong những yêu cầu cấp thiết là sửa đổi và ban hành các hướng dẫn pháp luật thật cụ thể, rõ ràng, giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định mà không cần phải xin phép hay chờ phê duyệt từ nhiều cơ quan, qua đó loại bỏ cơ chế "xin - cho" còn tồn tại.
Ông Tùng nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo diễn ra mạnh mẽ, việc xây dựng khung pháp lý và chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp và mô hình kinh doanh mới là điều đặc biệt quan trọng.
Đồng thời, cần thúc đẩy tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Việc quản lý hiệu quả vai trò và ảnh hưởng của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước và doanh nghiệp FDI cũng là yếu tố cần được quan tâm.
Cùng với đó, cần tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tháo gỡ rào cản gia nhập thị trường cho doanh nghiệp mới, biến khu vực này thành lực lượng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới, theo ông Tùng.
Hiện nay, kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang được thúc đẩy mạnh mẽ, thông qua nhiều chủ trương và chính sách quan trọng. Chính phủ đặt mục tiêu, đến năm 2025, khu vực này sẽ đóng góp 55% vào GDP và đến năm 2030 có ít nhất hai triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả. Để đạt được mục tiêu này, nhiều biện pháp đã được triển khai, bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai và công nghệ. Việc khuyến khích đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang được chú trọng.
Có thể nói, về mặt quan điểm và chủ trương, chính sách, thời gian gần đây đã có nhiều tín hiệu tích cực, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ từ Chính phủ trong việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi và đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, ngoài việc ban hành chủ trương đúng đắn, doanh nghiệp rất mong chờ việc hiện thực hóa các chủ trương ấy thành hành động cụ thể, thiết thực và được triển khai đồng bộ, nhất quán trong thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM cho hay, khi mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 8% và tăng trưởng hai con số được đặt ra, doanh nghiệp rất mong đợi việc tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại lâu nay. Nguồn lực cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ các điểm nghẽn được tháo gỡ.
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp phản ánh là điểm nghẽn về đất đai, ông Hòa cho biết và đặt ra vấn đề, liệu có thể thay đổi tư duy, chuyển từ tư duy đấu giá đất sang đấu dự án trên đất.
"Thay vì đấu giá để thu được số tiền cao nhất từ miếng đất, chúng ta nên cân nhắc việc làm sao để miếng đất đó mang lại hiệu quả cao. Nếu doanh nghiệp có phương án khả thi và hiệu quả, đặc biệt là có thể triển khai dự án ngay, có nguồn thu liền, thì hiệu quả cao hơn việc đấu giá đất rồi bỏ hoang 5,7 năm", ông Hòa phân tích và đề xuất, nếu không thể triển khai đại trà thì có thể từng bước thí điểm trong một số lĩnh vực và ngành nghề.
Thủ tục hành chính cũng là điểm nghẽn nhiều doanh nghiệp lo lắng và trăn trở, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa. Thực tế, khi một vấn đề được đưa ra, phải lấy ý kiến của các sở, ngành, có khi lên đến mười mấy sở, ngành. Sau đó, phải chờ phản hồi từ mười mấy sở, ngành này. Trong khi, nhiều văn bản trả lời của sở, ngành ghi rõ, vấn đề này không liên quan đến sở, nên họ không có ý kiến. Ngoài ra, khi trình lên UBND thành phố, lại tiếp tục lấy ý kiến các thành viên trong ủy ban, quy trình kéo dài rất lâu.
Vì vậy, ông Hòa đề xuất, chỉ nên lấy ý kiến của những sở, ngành hoặc cơ quan thực sự có liên quan, lược bỏ ngay từ đầu những đơn vị không liên quan khỏi quy trình lấy ý kiến. Ví dụ, những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp có thể chỉ cần lấy ý kiến của Sở Tài chính, thuế...để rút ngắn quy trình.
Ngoài ra, theo ông Hòa, trong cách làm việc của chính quyền, khi lấy ý kiến các sở, ngành, luôn có một đơn vị chủ trì và chờ tất cả các sở, ngành phản hồi xong rồi mới có văn bản đề xuất lên Ủy ban Nhân dân. Như vậy, quy trình lấy ý kiến lại kéo dài thêm. Vì vậy, ông Hòa đề xuất, quy định sở, ngành được hỏi ý kiến chỉ có 5 ngày, 7 ngày, 10 ngày để phản hồi. Hết thời hạn này mà không có phản hồi, thì xem như đồng ý. Lúc đó, sở, ngành chủ trì có quyền tổng hợp, đề xuất theo quan điểm của mình mà không cần chờ đợi đủ ý kiến. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ không còn tình trạng sở ngành cứ hết thời hạn lại gửi công văn mới cho doanh nghiệp, thông báo chờ thêm phản hồi của sở ngành…
"Chúng ta cần thống nhất quy trình này trong nội bộ để tạo ra những cải tiến, dù nhỏ nhưng rất có ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp. Quan trọng nhất là cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có một thời hạn cụ thể, một "deadline" rõ ràng cho việc này. Nếu sau một khoảng thời gian nhất định mà không có phản hồi, thì chúng tôi được phép tiến hành công việc", ông Hòa nêu quan điểm.
Nguồn: https://reatimes.vn/doanh-nghiep-dang-mong-cho-thao-go-cac-diem-nghen-cu-the-202250409125533863.htm