19/01/2025 | 10:02 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp bất động sản “lãnh đủ”

Cập nhật lúc: 18/04/2019, 19:00

Trước sự lấn át của nhôm ngoại đối với nhôm hệ sản xuất trong nước, Bộ Công thương đã có chỉ đạo điều tra chống phá giá đối với nhôm giá rẻ.

Thị trường nhôm Việt “ấm” cùng thị trường bất động sản

Với ưu thế về khả năng chống nắng, nhẹ, thi công nhanh, thoáng về mặt thị giác, dễ bảo dưỡng, sửa chữa, đa dạng về hình thức… vật liệu nhôm đã nhanh chóng trở thành một nguyên liệu chủ yếu trong các công trình xây dựng, đặc biệt đối với các dự án chung cư.

Theo giới chuyên môn, khoảng 10 năm trở lại đây, vật liệu nhôm mới được ưu chuộng nhiều. Trước đó, các doanh nghiệp địa ốc thường sử dụng vật liệu xây dựng như thép. Tuy nhiên, khi nhu cầu xây dựng càng lớn, yêu cầu ngày càng khắt khe về tính thẩm mỹ cũng như độ bền với những tòa nhà cao tầng, vật liệu nhôm đã nhanh chóng leo lên trở thành sản phẩm “đắt” khách.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), lượng tiêu thụ trong nước đối với nhóm ngành vật liệu nhôm mỗi năm tăng trung bình từ 15% đến 20%. Đặc biệt, từ năm 2014, khi thị trường bất động sản “ấm” trở lại sau khoảng thời gian đóng băng, thị trường nhôm Việt bắt đầu sôi động. Với lượng cầu tiêu thụ lớn, thị trường nhôm Việt đã nhanh chóng trở thành điểm đến của các nhà đầu tư ngoại có tiềm lực về tài chính và bề dày về sản xuất nhôm. Theo đó, giới đầu tư ngoại đang chủ yếu tập trung “đánh” vào dòng phân khúc nhôm cao cấp. Đây cũng là phân khúc mà các doanh nghiệp nhôm Việt dường như vẫn đang bỏ ngỏ.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Bà Nguyễn Thị Dung – Chủ tịch HĐQT Nam Hải Group cho biết: “Các nhà đầu tư “ngoại” hầu như chiếm lĩnh ở thị phần nhôm cao cấp, do phân khúc này có tỷ suất đầu tư cao, chất lượng và các thông số kỹ thuật lại có yêu cầu rất khắt khe. Các doanh nghiệp Việt còn khá do dự, chưa dám mạnh dạn “nhắm” vào thị trường này".

Với sự đổ bộ mạnh mẽ của các nhà đầu tư ngoại, thị trường nhôm Việt đang diễn ra cuộc chạy đua gay gắt giữa nhôm hệ sản xuất trong nước và nhôm nhập. Đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước buộc phải giảm sản lượng sản xuất, khi thị phần đang có xu hướng bị nhôm nhập bao phủ.

Trước sự co hẹp của nhôm hệ sản xuất trong nước, cơ quan quản lý Nhà nước đã tiến hành các chính sách như áp thuế, điều tra chống bán phá giá và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nhằm bảo vệ thị phần của nhôm nội. Tháng 1/2019 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình xuất xứ từ Trung Quốc mức thuế chống bán phá giá với nhôm nhập từ Trung Quốc được đề nghị áp dụng là 35,58%.

Doanh nghiệp bất động sản, khách hàng “lãnh đủ”

Theo giới chuyên gia, động thái của cơ quan Nhà nước trong việc hỗ trợ nhôm nội đang tạo ra những biến động trên thị trường nhôm Việt, nhất là khi, thị phần của nhôm ngoại đang chiếm ưu thế.

Dù cho rằng, việc điều tra chống bán phá giá cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nhôm nội là chính sách đúng đắn nhằm tạo lực đẩy cho nhôm nội. Thế nhưng, quyết sách này sẽ có phần thu hẹp thị phần nhôm ngoại, khiến không ít doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp địa ốc có quy mô vừa và nhỏ.

Khi nhôm trở thành một vật liệu xây dựng chủ chốt trong các công trình (như chung cư, nhà ở,…) thì rõ ràng, đây sẽ là khoản chi phí lớn ảnh hưởng tới giá thành của dự án. Và khi đó, so với trước đây thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ phải bỏ ra một mức tiền cao hơn, để sở hữu một sản phẩm bất động sản có sử dụng nhôm ngoại. Điều này đương nhiên sẽ tỉ lệ thuận với việc chủ đầu tư sử dụng số lượng nhôm ngoại làm vật liệu xây dựng tại công trình, dự án đó.

Theo ông Nguyễn Văn H. (Tổng Giám đốc P.L) cho hay: “Hiện tại, xu hướng các doanh nghiệp thường sử dụng nhôm ngoại. Đối với các công trình trung hoặc thấp, thì chủ đầu tư dự án sẽ sử dụng nguồn vật liệu nhôm bình dân. Đây là mặt hàng mà trên thị trường Việt có rất nhiều lựa chọn. Các chủ đầu tư thông thường sẽ chọn một số nguồn hàng từ Trung Quốc có uy tín.

Tuy nhiên, với việc hỗ trợ nhôm nội, áp mức thuế cao với nhôm ngoại thì chủ đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn vì giá thành tăng cao, gia tăng chi phí. Trong khi đó, hệ nhôm sản xuất trong nước vẫn còn “phập phù” về hệ tiêu chuẩn chất lượng, dịch vụ phân phối còn nhiều bất cập”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh (Giám đốc H.V Land) cho rằng: “Ngoài tham gia vào việc kiến thiết công trình, nhôm còn được sử dụng trong nội thất. Khi giá nhôm tăng cao thì chính doanh nghiệp gặp khó khăn đầu tiên, sau đó là người tiêu dùng phải chịu. Muốn có lãi, nhà đầu tư phải tăng giá thành bán. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản cũng đang diễn ra tình trạng cạnh tranh gay gắt thì việc tăng giá căn hộ sẽ khiến doanh nghiệp địa ốc rơi vào tình trạng tồn hàng”.

Thị trường nhôm Việt đang được đánh giá là “mỏ vàng” đầy tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, trước sức ép của nhôm ngoại, nhôm hệ sản xuất trong nước vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn, chưa khẳng định được vị thế trên sân nhà. Các chính sách hỗ trợ của cơ quan Nhà nước là cần thiết song một nghịch lý lại xảy ra, đó là khi thị trường nhôm ngoại thu hẹp, giá thành tăng, các doanh nghiệp địa ốc và người tiêu dùng lại phải chật vật tìm hướng đi mới.

Nhật Minh