19/01/2025 | 13:11 GMT+7, Hà Nội

Nhôm ngoại tăng tốc, nhôm nội vẫn “bóc ngắn cắn dài”

Cập nhật lúc: 17/04/2019, 19:01

Với ưu thế về giá thành và tiêu chuẩn chất lượng, nhôm ngoại đang tạo ra thế chủ động chiếm lĩnh thị phần. Trong khi đó, nhôm nội vẫn đang loay hoay trong tư duy “bóc ngắn cắn dài”.

Nhôm ngoại chiếm lĩnh thị phần

Theo thống kê, trong năm 2018, thị phần nhôm ngoại đang chiếm tới gần 50%, trong đó, nhôm Trung Quốc đang giữ vị trí dẫn đầu với hơn 30%; nhôm Đức, Úc, Đài Loan… đang chiếm 2% thị phần.

Cũng kể từ thời điểm năm 2018 đến nay, diễn biến thị trường nhôm Việt đang ngày càng trở nên phức tạp, bởi cuộc cạnh tranh gay gắt giữa nhóm nhôm ngoại và nhôm nội. Theo dự báo của giới quan sát, năm 2019, thị trường nhôm Việt sẽ còn chứng kiến cuộc chạy đua mạnh mẽ trong việc chiếm lĩnh thị phần của 2 nhóm nhôm này mà trong đó, nhôm ngoại đang có xu hướng chiếm lĩnh thị phần lớn.

Khách quan nhìn nhận rằng, trong cuộc chơi này, các doanh nghiệp nhôm nội đang phải loay hoay tìm kiếm giải pháp mới trong việc tạo ra thị phần riêng biệt trên sân nhà. Nhiều ghi nhận cho thấy, trước ưu thế về giá rẻ, chất lượng tốt của nhôm ngoại, các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp đã phải hạ sản lượng nhôm ra thị trường tới 50%, công suất thiết kế giảm tới 30 – 40%.

Trước nguy cơ “thất thế”, các doanh nghiệp nhôm nội đã có động thái cùng kêu gọi sự bảo trợ từ các tổ chức, hiệp hội trong nước cũng như từ phía Nhà nước. Theo đó, phía doanh nghiệp nhôm nội đang đề xuất các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để ngăn chặn hàng nhôm nhập khẩu từ nước ngoài như áp thuế, điều tra chống bán phá giá hoặc có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nhằm bảo vệ thị phần của nhôm nội.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Gần đây nhất, vào tháng 1/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình xuất xứ từ Trung Quốc mức thuế chống bán phá giá với nhôm nhập từ Trung Quốc được đề nghị áp dụng là 35,58%.

Giới chuyên gia nhận định, động thái trên của cơ quan Nhà nước trong việc hỗ trợ nhôm nội đang tạo ra những biến động trên thị trường nhôm Việt, nhất là khi, thị phần của nhôm ngoại đang chiếm ưu thế. Vậy đâu là nguyên nhân khiến khiến cuộc chiến nhôm nội - ngoại ngày càng trở nên căng thẳng, trong khi miếng bánh thị phần tại Việt Nam có nhiều thời điểm không ổn định?

Tư duy “bóc ngắn cắn dài” của doanh nghiệp nhôm nội

Cũng theo giới chuyên gia, với ưu thế giá rẻ, chất lượng tốt, nhóm nhôm ngoại đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Ngược lại, các nhà sản xuất trong nước và các nhà phân phối nhôm đang lao đao do nguồn cung thiếu hụt, giá nhôm tăng cao, cũng như chất lượng chưa đạt tiêu chuẩn đồng đều. Điều này đang càng chứng tỏ, nhôm hệ Việt vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc trên chính sân nhà.

Thẳng thắn nhìn nhận rằng, thực tế, đây không phải là lần đầu tiên phía doanh nghiệp nhôm nội kêu gọi sự bảo trợ từ phía các cơ quan chức năng vào cuộc. Nhưng rõ ràng, khi Việt Nam trải rộng cánh cửa hợp tác với các nước ngoài thì xu hướng gia nhập của nhôm ngoại là điều tất yếu và thị trường buộc phải vận động theo quy luật cung cầu và cạnh tranh.

Trong khi đó, nhóm nhôm hệ sản xuất trong nước vẫn còn chưa được đánh giá cao khi thiếu đi chuẩn mực chất lượng trong thành phẩm. Một số đại lý nhôm tự phát, mày mò sản xuất trong khi chất lượng thành phẩm cuối cùng lại phụ thuộc không nhỏ vào tay thợ. Điều đáng nói, đó là đến hiện tại, nhôm hệ sản xuất trong nước vẫn chưa đặt ra một tiêu chuẩn nhất định của một bộ cửa nhôm tốt, khiến niềm tin của khách hàng vẫn còn dễ lung lay.

Khi chất lượng thiếu đồng đều, lại kèm theo hệ thống phân phối vẫn còn thiếu sự quản lý chặt chẽ, các dịch vụ chăm sóc khách hàng còn bỏ ngỏ, nhôm hệ sản xuất trong nước đang “lép vế” trước cuộc tham gia vào thị phần Việt của nhôm ngoại.

Theo các chuyên gia, việc kêu gọi chống bán phá giá đối với nhôm ngoại của doanh nghiệp sản xuất nhôm nội chỉ mang tính tạm thời và về lâu dài, sẽ thiếu công bằng với nhóm nhôm nhập. Bởi rõ ràng rằng, khi Việt Nam nới cánh cửa hợp tác đặc biệt là việc tham gia ký kết hợp tác CPTPP thì sân chơi trên thị trường buộc phải công bằng.

Nếu doanh nghiệp nào tạo ra ưu thế về chất lượng, giá thành thì khả năng chiếm lĩnh thị phần là tất yếu. Thế nên, thay vì tư duy “bóc ngắn cắn dài”, kêu gọi chống bán phá giá, các nhà sản xuất nhôm Việt buộc cần tìm ra giải pháp nội tại cho chính mình với hướng phát triển bền vững.

Bởi nếu không, khi người tiêu dùng Việt đón nhận những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, giá thành không tương xứng với khoản tiền bỏ ra về lâu dài, thì hệ lụy sẽ là những công trình xây dựng kém chất lượng. Lâu dài, đó còn là sự xa rời của người tiêu dùng với ngành nhôm Việt khi cứ tiếp tục bám theo tư duy “bóc ngắn cắn dài”.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), với những chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài sẽ có cơ hội lấn sân vào thị trường Việt Nam, cùng tạo ra một sân chơi cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề lớn về chất lượng sản phẩm cũng như tạo ra một thị trường phát triển ổn định, xây dựng được các sản phẩm có thương hiệu Việt, thì các nhà sản xuất trong nước sẽ tự đánh mất thị trường vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Còn nữa...

Nhật Minh