22/11/2024 | 21:19 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước ngày càng chú trọng thị trường ngách

Cập nhật lúc: 02/11/2018, 01:00

Các nhà phân tích cho rằng, việc vừa củng cố thị phần tại các tỉnh thành lớn, các doanh nghiệp bán lẻ nội đang khôn khéo khi nhắm đến các thị trường ngách. Đây được coi là hướng đi mới để các doanh nghiệp phát huy thêm thế mạnh của mình trong việc nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng cũng như thói quen mua sắm của người dân Việt Nam.

 Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2018 ước tính đạt 378,6 nghìn tỷ đồng. Ảnh Nguyễn Mạnh.

 Ngành bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ

 Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2018 ước tính đạt 378,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 286,9 nghìn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 44,3 nghìn tỷ đồng; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,3 nghìn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ khác đạt 44,1 nghìn tỷ đồng.

Tính chung 10 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,31% (cùng kỳ năm 2017 tăng 8,79%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm nay đã đạt con số 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm 75,3% tổng mức và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 13%; may mặc tăng 12,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 11,6%; phương tiện đi lại tăng 11,6%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng ước tính đạt 440,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% tổng mức và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng năm nay ước tính đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác 10 tháng ước tính đạt 420 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Hàng Việt trong cuộc đua để không bị "lép vế" trước hàng ngoại. Ảnh Nguyễn Mạnh 

Bán lẻ nội địa đã “khôn khéo hơn”

Mặc cho các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài liên tục đầu tư khai thác thị trường tại các thành phố lớn vốn đã gần như chen chúc và bão hòa, các nhà bán lẻ Việt Nam vừa củng cố thị phần tại các thành phố trung tâm, vừa âm thầm xây dựng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi bám sát khu dân cư, thị trường nông thôn, thị xã, thị trấn… vốn là thị trường hết sức tiềm năng.

Các nhà phân tích cho rằng, việc vừa củng cố thị phần tại các tỉnh thành lớn, các doanh nghiệp bán lẻ nội đang khôn khéo khi nhắm đến các thị trường ngách. Chúng ta có thể không bằng được doanh nghiệp ngoại về vốn, về quy mô nhưng điểm mạnh của các doanh nghiệp Việt là nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng cũng như thói quen mua sắm của người dân Việt Nam.

Tháng 10/2018, ngành bán lẻ chứng kiến vụ mua bán, sáp nhập quy mô lớn trên thị trường. Theo đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup đã hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart gồm 23 siêu thị từ Công ty Cổ phần Nhất Nam.

Mặc dù giá trị thương vụ không được tiết lộ, song động thái này của Vingroup cho thấy quyết tâm không nhỏ của ông lớn này trong cuộc đua giành thị phần với các nhà bán lẻ khác. Bởi theo ước tính của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam đang thuộc về doanh nghiệp nước ngoài.

Hay hệ thống bán lẻ của Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP.HCM - Saigon Co.op, dù áp lực thị trường rất lớn nhưng vẫn duy trì tốc độ phát triển đều đặn hàng mấy chục siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, siêu thị thực phẩm mini Co.op Food mỗi năm với quy mô mỗi siêu thị được đầu tư trung bình 100 tỉ đồng.

 Chưa tính đến mỗi địa phương, vùng miền đều đã bắt đầu xuất hiện hàng loạt mô hình bán lẻ vừa và nhỏ mang tính địa phương như Lan Chi, Bách hóa Xanh, Citimart, Hà Nội Thanh Hảo, Mê Linh... cũng là một cản lực lớn nếu bán lẻ ngoại muốn xâm nhập sâu.

 Một chuyên gia kinh tế có thâm niên quan sát thị trường bán lẻ Việt Nam cho rằng, thời gian qua chính là khoảng thời gian cần thiết để các nhà bán lẻ trong nước thận trọng quan sát, phân tích ưu nhược của các thương hiệu bán lẻ ngoại trước khi có chiến lược ứng phó phù hợp. Điều đó có nghĩa là bán lẻ nội  không chịu khuất phục, vẫn âm thầm mở rộng quy mô, mở rộng thị trường nhưng hết sức thận trọng.

Nguyễn Mạnh