19/01/2025 | 19:40 GMT+7, Hà Nội

Đô thị Việt đánh mất bản sắc vì 4 cái "hóa"

Cập nhật lúc: 01/11/2018, 19:30

“Các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch, các nhà nghiên cứu hiện nay dường như chỉ quen giữ cái cũ, hoặc chỉ biết tạo ra cái mới mà quên mất cái cũ nên các đô thị dần bị mất bản sắc. Trong khi đáng lẽ việc quan trọng họ phải làm là cân bằng cả hai yếu tố bảo tồn và phát triển”, KTS. Nguyễn Thế Khải chia sẻ.

Đô thị Việt Nam đang trên đà phát triển nhưng có một thực tế là còn thiếu bản sắc riêng trong khi, mỗi đô thị trong lịch sử hình thành và phát triển đều chứa đựng bản sắc riêng về kiến trúc, văn hóa, xã hội, thiên nhiên... Ở Việt Nam, thời gian qua cũng đã có không ít các cảnh báo của chuyên gia quy hoạch về hiện tượng phát triển các đô thị “nhập ngoại” với mô hình quy hoạch và kiến trúc nhang nhác với các đô thị Âu - Mỹ, thiếu hẳn một bản sắc và tính nhận diện về bản địa, thậm chí mất nét văn hóa.

Với bề dày 50 năm trong nghề, nhiều năm làm giám đốc Trung tâm Quy hoạch vùng và đô thị (Bộ Xây dựng), KTS. Nguyễn Thế Khải được mệnh danh là “người tạc hồn dân tộc trên mỗi công trình”. Ông đã có những chia sẻ rất chân tình với Reatimes về vấn đề làm thế nào để nhận diện bản sắc đô thị Việt Nam và cách cân bằng giữa hai yếu tố truyền thống - hiện đại.

Mời quý độc giả cùng tham khảo:

Thiết kế: Hoàng Linh

Thiết kế: Hoàng Linh

Văn hoá là cội nguồn

Hiện nay kiến trúc Việt Nam có 4 cái “hóa”, thứ nhất là các đô thị đang bị quốc tế hóa, TP.HCM bắt chước Bangkok, Hà Nội bắt chước TP.HCM. Các tỉnh lại bắt chước Hà Nội và TP.HCM chia lô bán nền, xây dựng đủ thứ. Thứ hai là các làng xóm đang đô thị hóa một cách cứng nhắc, các khu Kim Liên, Trung Tự, Nhật Tân... mất dần. Thứ ba là các đô thị miền núi đang bị đồng bằng hóa, các khu Việt Trì, Sơn La... đang bị "san bằng". Thứ tư là kiến trúc của các dân tộc ít người đang bị "Kinh hóa", điều đó làm cho đâu cũng giống nhau, mất đi các bản sắc.

Vậy làm thế nào để có thể tìm hay giữ lại các bản sắc? Nói chung, các công trình, hay các đô thị ngay từ khâu quy hoạch, kiến trúc nếu không có sự độc đáo thì chắc chắn không tạo ra được bản sắc. Muốn có bản sắc thì phải nghiên cứu. Đầu tiên là nghiên cứu tiềm năng về thiên nhiên, đây là yếu tố tạo nên sắc thái và bản chất của các đô thị, thành phố, trong đó có khí hậu, thực vật, động vật, hoặc các hiện tượng khác của thiên nhiên tác động lại, ví như ở Sapa là thị trấn mù sương, Đà Lạt là thành phố ngàn hoa.

Thứ hai là phải nghiên cứu các yếu tố về xã hội nhân văn, trong đó có lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, thậm chí là những nội dung hết sức cụ thể như âm nhạc, múa, kiến trúc, lễ hội, trang phục... Ví như nhắc đến Việt Trì là phải nghĩ ngay đến kinh đô Văn Lang, Thủ đô Hà Nội là kinh đô Thăng Long, Huế là cố đô thời Nguyễn… Về âm nhạc thì có thể kể đến Bắc Ninh là làng quan họ, Tây Nguyên gắn liền cồng chiêng; kiến trúc là yếu tố thể hiện rõ nhất bản sắc của một đô thị như nhắc đến Hà Nội là phải nói về phố cổ, Hồ Gươm, Nhà Hát Lớn…Ngoài ra, có nhiều kiến trúc cũng tạo ra bản sắc, ví như ở Nga có Quảng trường Đỏ, Trung Quốc có các mái cong vót, Paris có thápEiffel... Cuối cùng cũng phải kể đến rằng sản xuất cũng có thể tạo ra bản sắc cho đô thị; ví như nói đến Thái Nguyên là nghĩ ngay đến khu gang thép, hay trước đây nói đến thành phố Nam Định là người ta liên tưởng đến công nghiệp dệt…

Tóm tại, phải căn cứ vào các yếu tố tự nhiên, văn hóa, xã hội và sản xuất để tìm ra bản sắc cho các đô thị Việt Nam. Tuy nhiên, các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch, các nhà nghiên cứu hiện nay dường như chỉ quen giữ cái cũ, hoặc chỉ biết tạo ra cái mới mà quên mất cái cũ nên các đô thị dần bị mất bản sắc. Trong khi việc quan trọng mà họ phải làm là cân bằng cả hai yếu tố bảo tồn và phát triển. Trước khi bắt tay vào xây dựng một công trình hay quy hoạch một đô thị, kiến trúc sư phải dành thời gian tìm hiểu văn hóa ở địa phương. Vì văn hóa là cội nguồn của dân tộc, là linh hồn của các công trình, đánh mất linh hồn thì công trình hoành tráng mấy cũng thiếu sức sống và mất đi phần nào giá trị.

Thiết kế: Hoàng Linh

Thiết kế: Hoàng Linh

Thường ở mỗi vùng đất đều sẽ có những tập quán sinh hoạt khác nhau. Ngày xưa, ở mỗi làng xóm đều có ngôi chùa và miếu thờ thần thành hoàng. Ngày nay, ở các đô thị hiện đại, thường là các tổ dân phố đều có các nhà văn hóa để sinh hoạt chung chứ không phải sinh hoạt ở đình làng như trước đây, còn các làng cũ mà nay đã lên phố người dân cũng ít thờ thần thành hoàng mà chủ yếu đi lễ chùa. Đó là sự thay đổi lối sống văn hóa giữa hai thời đại. Nhưng riêng ở thành phố Việt Trì lại có điểm khác, ở trung tâm của phường, tổ dân phố lại có một đình thờ ông thần thành hoàng, gắn với đó là một sân vận động để tổ chức các lễ hội. Từ đó mà giữ được hồn cốt, “cây đa bến nước” của mỗi địa phương. Do vậy, ở các đô thị dù cũ hay mới cũng phải giữ gìn được những nét đẹp trong phong tục tập quán và truyền thống địa phương.

Tại sao cứ phải Tây hoá?

Có một điều rất lạ là hiện nay chúng ta đang nghe rất nhiều những quảng cáo đại loại như “Không khí châu Âu giữa lòng Hà Nội”, “Paris trong lòng thành phố”… Tôi cho rằng, đây là những slogan khá phản cảm và có thể nói là “ngu ngốc”.

Thứ nhất, nếu nói để hút du lịch thì không phải, người châu Âu họ đã quá quen với cuộc sống đời thường của họ, tại sao lai phải sang Việt Nam để nhìn nhà kiểu Âu, ăn mỳ Ý, uống rượu Tây? Cái họ cần, họ mong muốn đương nhiên phải là khám phá văn hóa bản địa, ngắm nhìn những kiến trúc văn hóa nhà Việt, thưởng thức ẩm thực Việt với cơm lam ống tre, phở, hủ tiếu, rượu ngô, rượu nếp của Việt Nam… Thế nhưng, chúng ta lại không chú ý đến điều đó.

Thị trấn Sapa (Lào Cai) đang dần mất đi nét đẹp trước đây, phải đi cách trung tâm thị trấn 15km mới thấy được nét đẹp của 5 - 10 năm trước. Mai Châu (Hòa Bình) hiện nay cũng vậy, các nhà sàn xây san sát nhau đáp ứng mục tiêu kinh doanh, trong khi nhà sàn phải cách nhau một mảnh vườn mới đẹp. Thậm chí trước khi vào làng lại thấy lác đác vài ngôi nhà kiểu Tây mọc lên “chót vót”. Lại còn có ngôi nhà kỳ quái là “đầu Thái, mái Mường, tường Kinh, các bộ phận khác là của các dân tộc khác” chẳng lẽ là để thu hút khách lạ?

Thiết kế: Hoàng Linh

Thiết kế: Hoàng Linh

Thứ hai, tất nhiên con người ở mỗi địa phương đều muốn hướng đến, vươn tới những điều mới lạ hiện đại của nước ngoài, người đi Nga về thích nước Nga, người thích Nhật, người thích Pháp… thành ra ở những đô thị mới đang bị loạn kiến trúc. Bởi vậy, người làm kiến trúc phải là người định hướng hoặc tạo ra những kiến trúc đề cao yếu tố văn hóa, con người Việt Nam. Muốn có bản sắc thì phải giữ nét văn hóa đầu tiên. Ví như ở nước ngoài, khi con 18 tuổi là bố mẹ hết nghĩa vụ và trách nhiệm nuôi dạy nhưng ở Việt Nam thì không vậy, vẫn coi trọng truyền thống gia đình nhiều thế hệ quây quần ấm cúng. Bên cạnh đó, sinh hoạt văn hóa của Việt Nam với các nước cũng khác nhau. Thứ nữa, phải căn cứ vào khí hậu nhiệt đới của Việt Nam để thực hiện các kiến trúc, ví dụ như cần nhiều cây xanh, phải quay hướng Nam để ngôi nhà được đón gió mát mẻ…, chứ không phải cái gì cũng có thể làm theo kiến trúc Tây, cứ kiến trúc Tây là tốt, là đẹp.

Đó là những ví dụ điển hình về công trình riêng lẻ mà chúng ta đều dễ nhận thấy trong thực tế. Còn đối với những kiến trúc công trình công cộng, công trình có ý tưởng thì lại càng phải đề cao những yếu tố bản sắc hơn nữa. Tất nhiên, đối với kiến trúc đều phải đảm bảo công năng và thẩm mỹ, nhưng hiện vẫn có những công trình thực sự chưa làm được hai yếu tố này chứ nói gì đến bản sắc. Ví như công trình nhà triển lãm ở Hải Phòng, hình cánh diều bay, nhìn thì thấy đẹp nhưng khi hoạt động thì thấy không gian quá rộng, khách tham quan không nhiều, lắp điều hòa thì tốn tiền, nói to trong không gian đó lại vang, không có hiệu quả một chút nào. Trong khi nhìn lại các công trình công cộng được xây từ thời Pháp như Nhà hát Lớn cũng ở thành phố này, thời xưa đâu có loa nhưng âm thanh trong khán phòng vẫn vang và to, cách âm cách nhiệt với bên ngoài rất tốt.

Còn riêng tại Hà Nội, từng có những nhận định là Thủ đô đang bị “băm nát”, quy hoạch bị “xé nát” nhưng đố ai có thể tìm được bản vẽ xấu xí đó của kiến trúc sư. Bởi vì, những ông thợ nề, thợ mộc, các nhà quản lý quận huyện, và có cả các doanh nghiệp tự tiện làm xấu bản vẽ đầu tiên của kiến trúc sư. Bên cạnh đó cũng phải nói rằng, đội ngũ kiến trúc sư hiện nay có thể ví như nhiều đội bóng nhưng trình độ và đẳng cấp khác nhau. Hiện nay, có tình trạng nhiều người gần như không chịu nghiên cứu mà thường chạy theo dự án, vẽ cho nhanh để lấy được tiền. Thành ra tiêu chí đầu tiên của họ là làm sao hài lòng chủ đầu tư là được, còn định hướng để hợp lý, đồng bộ với khu vực, hợp với văn hóa bản địa hay không thì không cần tính đến.

Điều cuối cùng, để giữ bản sắc đô thị Việt, thực sự cần một nền giáo dục tốt, trong đó người làm kiến trúc và quy hoạch thực sự phải được đào tạo đầu tiên.

Các công trình thiết kế quy hoạch của KTS. Nguyễn Thế Khải đều toát lên tính đặc thù và giá trị văn hóa vùng miền. Điển hình phải kể đến quy hoạch Khu du lịch sinh thái văn hóa Núi Quyết (TP. Vinh) có Phượng Hoàng Trung Đô, có La Sơn Phu Tử, có Đài quan sát biển trời xứ Nghệ. Công trình Công viên Văn Lang ở Việt Trì gắn với nhiều truyền thuyết thời Hùng Vương. Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng (Thanh Hóa) gắn với “tiếng chuông Hạc thành, tiếng trống đồng Đông Sơn..”. Khu di tích danh thắng Tây Thiên (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) được xây dựng theo ý tưởng: “Đến với Phật, về với Mẫu”. Đặc biệt, UBND TP. Cần Thơ đã thông qua đồ án thiết kế cây cầu đặc biệt mang tên Cầm Thi - cây cầu âm nhạc đầu tiên trên thế giới. Cầu có kết cấu dây văng, mang hình chiếc đàn bầu lớn nhất thế giới, kết hợp thiết kế nhạc nước đờn ca tài tử, ánh sáng laser… tạo ra sức hấp dẫn về du lịch mà vẫn đầy sắc thái văn hóa độc đáo của sông nước miền Tây...

Giới phân tích cho rằng, định nghĩa về bản sắc đô thị còn rất rộng với những cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, hiểu một cách đơn giản thì một thành phố bản sắc đồng nghĩa với việc thành phố đó còn lưu lại trong ký ức mỗi người những hình ảnh đặc trưng để có thể kể lại, hay nhắc đến, hay níu kéo để quay về. Cái lưu lại ấy càng rõ nét, càng không lẫn vào đâu, càng bền chặt qua thời gian thì thành phố đó càng đậm đà về bản sắc.