21/01/2025 | 21:05 GMT+7, Hà Nội

Đi vay có trách nhiệm: Để vốn tiêu dùng phát huy hiệu quả

Cập nhật lúc: 16/01/2020, 09:27

Vay tiêu dùng vốn được coi là “phao cứu sinh” của người dân khi có nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, khoản vay này chỉ có thể phát huy hiệu quả và thực sự mang lại ích lợi khi được sử dụng đúng mục đích đã đề ra.

“Liệu cơm gắp mắm”

Sau một tuần mua chiếc máy tính xách tay mới với giá hơn 40 triệu đồng, anh Minh V. ở Đống Đa, Hà Nội bắt đầu cảm thấy tiếc vì công việc của anh không thực sự cần một chiếc máy tính hiện đại và có cấu hình cao như thế.

“Do mua theo hình thức trả góp, nên giờ đây, mỗi tháng tôi phải trả cả gốc và lãi là 4 triệu đồng. Dù vẫn nằm trong khả năng nhưng tôi phải chi tiêu chắt bóp hơn”, anh V. chia sẻ và cho biết, nếu suy nghĩ thận trọng hơn, anh sẽ mua một chiếc máy tính phù hợp, có giá thành rẻ hơn.

Một trường hợp khác, chị Hoàn P. ở huyện ngoại thành Hà Nội quyết định vay trả góp để mua một chiếc xe máy để phục vụ nhu cầu đi lại. Tại thời điểm vay vốn để mua xe, chị P. đang làm việc cho một công ty tư nhân trên địa bàn, nhưng sau đó chị nghỉ việc, không có nguồn thu nhập ổn định, chị P. mất khả năng trả nợ. Sau 3 tháng không trả góp theo đúng hợp đồng đã trở thành nợ quá hạn nên phải chịu lãi suất khá cao.

Còn ở Nam Định thì ghi nhận trường hợp một khách hàng, sau khi vay tiêu dùng từ công ty tài chính đã không có khả năng trả nợ do chi tiêu quá mức. Trong quá trình nhân viên của công ty tài chính tới thu hồi nợ tại nhà đã bị đánh đến mức vỡ lá lách, chấn thương nghiêm trọng phải nhập viện cấp cứu. Vụ việc sau đó được chuyển cơ quan công an điều tra xử lý.

“Mặc dù mức độ khác nhau nhưng các trường hợp trên cho thấy, nhiều khách hàng còn khá xem nhẹ việc vay vốn tiêu dùng, không đánh giá thận trọng nhu cầu và khả năng trả nợ của bản thân, hay nói cách khác là thiếu trách nhiệm khi đi vay, nên mới dẫn đến tình trạng kể trên”, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Đồng quan điểm, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định: “Tài chính tiêu dùng là một kênh tiếp cận vốn phổ biến ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các nước có nền kinh tế phát triển, giúp người dân giải quyết nhu cầu vốn một cách nhanh chóng, dễ dàng. Ở Việt Nam, lĩnh vực này cũng đã giải quyết nhu cầu nguồn vốn cho hàng triệu khách hàng. Tuy nhiên, người đi vay cần lưu ý rằng, sự tiếp cận dễ dàng này không đồng nghĩa với việc họ được phép sử dụng vốn vay một cách thiếu thận trọng”.

Nhân viên công ty tài chính bị hành hung khi đi thu hồi nợ

Phân tích kỹ hơn, luật sư cho rằng, tuỳ theo điều kiện, khả năng cụ thể của mình mà lựa chọn các gói vay tiêu dùng phù hợp. “Vì việc vay vốn gắn liền với nghĩa vụ trả nợ nên khách hàng cần hiểu đúng về các sản phẩm cho vay tiêu dùng, cân nhắc nhu cầu vay và lên kế hoạch trả nợ một cách nghiêm túc, đúng hạn để được hưởng các lợi ích triệt để từ kênh phân phối vốn này thay vì mắc nợ một cách không cần thiết”, luật sư Phượng nhấn mạnh.

Để vốn tiêu dùng phát huy hiệu quả

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, bản thân người đi vay cũng có nhiều vấn đề cần chia sẻ, như họ có thể đã đánh giá quá thấp rủi ro khi đi vay hoặc đánh giá quá cao dòng tiền của bản thân trong tương lai. Tựu chung lại là thiếu kiến thức về tài chính cá nhân, dẫn đến việc đẩy bản thân mình vào rủi ro khi đi vay tiêu dùng.

“Người đi vay cần xác định mục tiêu đi vay, khả năng tài chính để trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Trước khi ký hợp đồng vay cũng cần đọc kỹ các điều khoản, đặc biệt là các điều khoản về lãi suất, thời hạn thanh toán, hiểu rõ rồi mới ký kết”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh. Để hỗ trợ khách hàng, nhiều công ty tài chính như FE Credit, Home Credit đã có những hành động cụ thể để nâng cao kiến thức tài chính cho người dân như phát hành sổ tay vay tiêu dùng, tổ chức các hội thảo chia sẻ kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, đồng hành cùng công nhân, tư vấn miễn phí cho hàng nghìn lượt khách hàng tại các trung tâm thương mại, siêu thị…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ nỗ lực của các công ty tài chính là không đủ, bởi các vấn đề tài chính không phải là kiến thức có thể tiếp thu trong ngắn hạn. Và để có thể làm được điều này thì sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết.

“Ở nhiều quốc gia phát triển, người ta coi tài chính cá nhân là một môn học bắt buộc từ cấp tiểu học. Nhờ đó mà khi bước chân ra cuộc sống thực tế, mỗi công dân nước họ đều đã được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý dòng tiền cá nhân. Ở Việt Nam mới chỉ có một số trường tư làm được điều này, ở mức độ đơn giản trong khi hệ thống trường công hầu như chưa đề cập tới. Tuy nhiên, với tiến trình cải cách giáo dục hiện nay, tôi hy vọng những môn học như tài chính cá nhân sẽ sớm được đưa vào giảng dạy trên diện rộng trong thời gian tới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.