Đề xuất tháo dỡ một phần công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng
Cập nhật lúc: 10/10/2019, 08:00
Cập nhật lúc: 10/10/2019, 08:00
Theo đó, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang cho biết, các Sở, ngành đồng ý đề xuất giữ lại, cải tạo phần nhà (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) nằm sát đường quốc lộ để đảm bảo thân thiện với môi trường, còn toàn bộ phần công trình phía sau sẽ bỏ hết.
Cụ thể, toàn bộ 7 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh. Thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11.
Đồng thời, chủ đầu tư được yêu cầu hoàn thiện các thủ tục pháp lý phần công trình còn lại trong thời hạn 60 ngày; các vi phạm khác xử lý theo quy định. Tỉnh Hà Giang sẽ tham khảo ý kiến Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trước khi ra quyết định.
Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng, tỉnh sẽ thực hiện đúng khuyến nghị của chuyên gia UNESCO là xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách. Các phần còn lại của nhà hàng Panorama không phục vụ mục đích này đều bị phá dỡ.
Công trình vi phạm trên đỉnh Mã Pì Lèng. Ảnh: Giang Huy
Về quyền sở hữu công trình này, ông Hưng nói rằng đây là đất của bà Vũ Thị Ánh (chủ đầu tư), nếu tỉnh đồng ý thì các cơ quan sẽ thẩm định lại để hoàn thiện thủ tục cho phù hợp.
Đề xuất trên được đưa ra sau cuộc họp của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Hà Giang ngày 8/10 (gồm các sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Giao thông Vận tải; Kế hoạch Đầu tư; Tài nguyên Môi trường và UBND huyện Mèo Vạc).
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2019, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VHTT&DL cho biết, sau khi báo chí phản ánh sai phạm của tòa nhà Panorama tại hẻm vực Tu Sản Mã Pì Lèng, chiều 6/10, Bộ đã có thông tin ban đầu gửi tới các cơ quan báo chí.
Ông Nguyễn Thái Bình nhận định, chủ đầu tư công trình trên đỉnh Mã Pì Lèng cố tình vi phạm pháp luật bởi Hà Giang có văn bản khuyến cáo về nguyên liệu, thiết kế công trình phù hợp với cảnh quan.
"Theo tìm hiểu của Bộ, ban đầu quan điểm của tỉnh Hà Giang chỉ xây trạm dừng chân cho du khách, không phải công trình bê tông kiên cố, có quy định cả chất liệu làm công trình, nhưng trong quá trình làm, chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật", ông Nguyễn Thái Bình chia sẻ.
Cũng tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL thông tin, trong ngày 8/10, Cục Di sản Văn hóa đã cử đoàn công tác tới kiểm tra thực tế công trình tại đỉnh Mã Pì Lèng. Sau khi đoàn khảo sát thực tế sẽ có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ VHTT&DL.
Đại diện của Bộ nêu quan điểm dù là công trình có tính chất khuyến khích, thúc đẩy du lịch phát triển nhưng không tuân thủ quy định pháp luật, Bộ VHTT&DL không ủng hộ.
Nhà hàng Panorama được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có 7 sàn giật cấp theo địa hình sườn núi, nằm ngoài mốc giới danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng; diện tích xây dựng 226 m2, diện tích sàn gần 500 m2 và gần 80 m2 sàn ngắm cảnh khung thép.
Mặt trước công trình gồm hai phần là tầng âm, tầng nổi sát mặt đất và 6 cấp xây thấp dần theo sườn núi. Hiện công trình đã hoàn thiện được 5 cấp; phần sàn thép phục vụ ngắm cảnh của cấp thứ 6 và cấp thứ 7 đang hoàn thiện.
Toà nhà nằm ngay trên hẻm vực Tu Sản, ở đèo Mã Pì Lèng xây dựng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu 2019. Nhà chức trách địa phương cho hay công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ đầu tư chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng. Công trình cũng chưa có giấy phép xây dựng.
14:00, 09/10/2019
09:35, 09/10/2019
11:01, 17/08/2019