19/01/2025 | 02:36 GMT+7, Hà Nội

Panorama “mọc” trên đỉnh Mã Pì Lèng: Đừng tạo áp lực để đi ngược với luật pháp

Cập nhật lúc: 09/10/2019, 14:00

Đáng chú ý, vào hồi tháng 2/2018, GS. Guy Martini - Tổng thư ký Ban điều phối Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO từng khuyến nghị tỉnh Hà Giang chỉ nên xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách...

Khuyến nghị của UNESCO

UBND tỉnh Hà Giang vừa báo cáo Chính phủ về công trình Panorama được xây dựng không phép trên đèo Mã Pì Lèng (hay còn gọi là Mã Pí Lèng, ở huyện Mèo Vạc). Theo đó, danh thắng đèo Mã Pì Lèng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng danh thắng cấp Quốc gia năm 2009.

Nơi này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm trong các quy hoạch, gồm: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn 2030; quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch Quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Giang cho biết đang xem xét tháo dỡ các phần ảnh hưởng đến di sản và môi trường của tòa nhà Panorama tại đỉnh đèo Mã Pì Lèng.

Năm 2017, UBND tỉnh Hà Giang ban hành quyết định về quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được nhà nước xếp hạng trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Tiếp đến, UBND tỉnh giao cho các huyện, thành phố chịu trách nhiệm bảo đảm nguồn lực để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã được xếp hạng trên địa bàn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động quản lý, bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

Khu vực này từng được UNESCO khuyến nghị chỉ nên xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách.

Đối với danh thắng đèo Mã Pì Lèng, trong những năm qua đã được khách du lịch đánh giá là điểm đến hấp dẫn của tỉnh Hà Giang. Nơi đây có phong cảnh đẹp. Tuy nhiên, cung đường đèo này chưa có điểm dừng chân ngắm toàn cảnh hẻm vực Tu Sản, Mã Pì Lèng.

Đáng chú ý, theo báo cáo của địa phương này, trước đó, hồi tháng 2/2018, GS. Guy Martini - Tổng thư ký Ban điều phối Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) - UNESCO từng khuyến nghị tỉnh Hà Giang xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách tại khu vực Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc).

Căn cứ báo cáo khuyến nghị của chuyên gia GGN, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức 2 đoàn đi kiểm tra và có văn bản chỉ đạo, giao cho huyện Mèo Vạc triển khai thực hiện.

Điểm nhấn của công trình là điểm ngắm hẻm vực sông Nho Quế.

"Yêu cầu hoàn thành trước tháng 7/2018 để phục vụ cho kỳ tái đánh giá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 2 năm 2018 (tháng 9/2018)", báo cáo thông tin.

Đã sai thì phải khắc phục

Liên quan đến công trình trên, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang cho biết, theo quy định, công trình xây dựng ở nông thôn (thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt) được miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, đây là công trình phục vụ công cộng nên cần kiểm soát những thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản như: thẩm tra thiết kế, thẩm định sự phù hợp của công trình...

Tòa nhà Mã Pì Lèng Panorama vẫn thu hút đông du khách bất chấp thông tin xây dựng trái phép.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Giang, công trình này chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý mà đã xây dựng nên trách nhiệm đầu tiên thuộc về cấp quản lý địa bàn, cụ thể là huyện Mèo Vạc. Công trình chưa đủ thủ tục phải yêu cầu đình chỉ, còn nếu hoàn thành thì phải xem xét hướng xử lý, có thể phải tháo dỡ. Nếu ảnh hưởng đến di sản, môi trường, phải tháo dỡ những phần ảnh hưởng.

Đối với những điểm không ảnh hưởng, chỉ là nơi du khách nghỉ chân, chụp ảnh thì có thể chỉnh trang cho phù hợp với kiến trúc khu vực này và có thể xem xét cho tồn tại một số diện tích nhất định.


Trong đó có nhiều khách nước ngoài ghé thăm...

Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngày 8/10, đoàn công tác của Cục Di sản Văn hóa đã lên Hà Giang kiểm tra công trình.

Theo ông Bình, Bộ vẫn giữ quan điểm là công trình nói trên không nằm trong khu vực bảo vệ danh thắng Mã Pì Lèng nhưng theo quy định pháp luật vẫn phải có ý kiến, sự thẩm định của cơ quan quản lý văn hóa. Đến nay, Bộ vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào về thẩm định công trình này.

Theo quy định, việc xây dựng công trình chịu sự điều chỉnh về Luật Xây dựng và tỉnh Hà Giang quản lý. Nhưng, quan điểm của Bộ là phải làm sao để có biện pháp, hình thức bảo vệ tốt hơn danh lam thắng cảnh di tích Quốc gia trong thời gian tới. Đại diện Bộ cũng nhấn mạnh, bất kỳ công trình nào cũng phải tuân thủ các quy định về trình tự thủ tục xây dựng… Công trình ở Mã Pì Lèng xây dựng, đi vào hoạt động đều phải thực hiện các quy định pháp luật chung cũng như ở địa phương.


Công trình mọc giữa danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng đã được Bộ VHTTDL xếp hạng cấp Quốc gia.

Xung quanh ý kiến trả lời báo chí của bà chủ tòa nhà trên Mã Pì Lèng, nói việc xây dựng giúp công trình để người dân đỡ đói nghèo và có clip bà nói nếu tháo dỡ công trình thì chỉ còn cách nhảy xuống sông Nho Quế tự tử, ông Bình cho là không được lôi sinh mệnh của mình ra để tạo áp lực ngược trở lại với luật pháp. 

Bởi vì khi sai, nhận thức cái sai của mình phải tìm cách khắc phục, sửa chữa. Còn đã là doanh nghiệp, trong cơ chế thị trường được ăn, thua chịu, đừng để khi vi phạm pháp luật, thua lại bắt xã hội, pháp luật cùng gánh chịu.

Pháp luật không thể xen lẫn sự cảm tính

Không chỉ phê phán về sự thiếu hài hòa của công trình với cảnh quan thiên nhiên, giới chuyên gia còn đặt ra mối lo, bây giờ là một Panorama nhưng thêm vài tháng nữa sẽ có bao nhiêu Panorama như thế mọc lên ở danh thắng này đây?

Mối lo này được dẫn ra từ thực tế vì đấy là câu chuyện phổ biến ở nước ta mà ai cũng có thể bắt gặp ở nhiều danh thắng những "rác" bê tông tràn lan, xâm hại không gian thiên nhiên như ở Đà Lạt, Tràng An, Phong Nha...

"Một ví dụ tiêu biểu là sai phạm về đất đai tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trong việc xẻ đất rừng phòng hộ xây biệt phủ, nhưng khi muốn phá lại thấy "tiếc". Tuy nhiên việc cho tồn tại hay phá đi cần phải áp dụng đúng căn cứ pháp luật. Nếu luật quy định phải cưỡng chế, phá dỡ thì phải phá dỡ… Pháp luật là pháp luật, không thể xen lẫn sự cảm tính", một chuyên gia bày tỏ.