19/01/2025 | 19:31 GMT+7, Hà Nội

Đề xuất Không bán nhà nội đô cho người ngoại tỉnh: Vòng luẩn quẩn “hành dân”

Cập nhật lúc: 31/10/2018, 00:11

Đề xuất không bán nhà nội đô Hà Nội cho người ngoại tỉnh đang nhận những ý kiến phản đối từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là đề xuất lạc hậu, trái quy định và đi ngược xu thế thời đại.

 Người dân Thủ đô đã quá quen thuộc với tình cảnh vào nội đô là tắc đường. Ảnh: Nhật Tân

Người dân Thủ đô đã quá quen thuộc với tình cảnh vào nội đô là tắc đường. Ảnh: Nhật Tân

Một đề xuất lạc lối, trái quy định

Đây là đề xuất của ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đưa ra tại Hội thảo về chủ đề quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng TP Hà Nội. Đề xuất này được ông Hùng giải thích là nhằm giải quyết tình trạng gia tăng dân số vào nội đô Hà Nội dẫn đến quá tải về hạ tầng ở khu vực trung tâm.

Theo đó, để hạn chế dân di cư vào nội đô, ông Hùng đưa ra 3 biện pháp: Thứ nhất, chỉ nên bán, cho thuê nhà cao tầng nội đô cho người có hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án. Những công trình nội đô chỉ nên phục vụ di dân phố cổ, không di dời họ sang Long Biên, Gia Lâm, trong khi những người ngoại tỉnh lại di dân vào trung tâm như hiện nay.

Thứ hai, phát triển các công trình tiện ích tại chỗ. Nghĩa là khi cải tạo, xây dựng khu chung cư cũ, các dự án tiểu khu đô thị phát triển luôn các tiện ích gồm cửa hàng, nhà văn phòng, các công trình trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, chợ... để hạn chế cư dân phải di chuyển nhiều gây ách tắc giao thông.

Thứ ba, tất cả khu đất khi di dời các cơ quan, nhà máy, các khu đất trống được dùng để phục vụ nhà tái định cư khi cải tạo chung cư cũ, xây thêm các công trình công cộng phục vụ xã hội nhà trẻ, mẫu giáo, cung thiếu nhi, vườn hoa, cây xanh. Không cấp phép xây thêm nhà cao tầng phục vụ nhà ở thương mại trong khu nội đô từ vành đai I trở vào.

Theo ông Hùng, việc xây nhà cao tầng có mâu thuẫn với mục tiêu giảm dân số nội đô từ 1,2 triệu người xuống còn 0,8 triệu người theo mục tiêu đề ra năm 2008. Thực tế đã chứng minh mẫu thuẫn trên bởi tình trạng ách tắc giao thông và ảnh hưởng đến môi trường sống kéo dài trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, đề xuất này của ông Hùng nhận nhiều phản ứng tiêu cực từ phía dư luận. Bởi nhiều ý kiến cho rằng đây là đề xuất đi ngược lại với xu thế thời đại bởi chúng ra đang tiến tới bỏ sổ hộ khẩu.

Anh Nguyễn Văn Hiến (ở phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bình luận: “Đề xuất này chỉ có thể xuất hiện cách đây 15 năm về trước còn bây giờ thì quá lạc hậu và trái với quy định và vi hiến. Giải pháp hiệu quả là sử dụng biện pháp kinh tế tức là tăng giá nhà, giá thuế, giá dịch vụ nội đô thật cao. Ví dụ: Giá trông giữ xe máy, ô tô cứ cao gấp 5 lần so với ngoại thành thì nhiều người sẽ có lựa chọn khác ngay. Nhưng điều quan trọng nhất là mức giá cao đó nhà nước phải thu được về ngân sách”.

Người dân một thời đã từng khốn khổ vì cái vòng luẩn quẩn "hộ khẩu đòi nhà, nhà đòi hộ khẩu". Muốn mua nhà Hà Nội, người dân bắt buộc phải có hộ khẩu, nhưng muốn có hộ khẩu thì lại phải chứng minh đã có nhà Hà Nội. Nay lại có đề xuất này thì có khác nào quay lại thời kỳ “hành dân”. Bởi kể cả khi có quy định thì người ngoại tỉnh bằng những cách vi diệu nào đó vẫn sẽ có hộ khẩu để mua nhà. Như vậy, mục tiêu giảm dân số không đạt được và người dân phải tốn thêm rất nhiều tiền một cách không chính thức.

Áp thuế cao sẽ giải quyết được vấn đề tồn đọng

Các chuyên gia lĩnh vực bất động sản khi được hỏi quan điểm về đề xuất này cũng đều cho rằng, đây là đề xuất ngược với xu hướng phát triển của thời đại. Bởi chúng ta đang tiến tới xóa bỏ hộ khẩu, bây giờ đề xuất như vậy trở nên quá lạc điệu và vô lý. Có chuyên gia còn đánh giá rằng, đề xuất này cũng sẽ giống như việc cấm xe máy di chuyển từ phường này sang phường khác, cấm ô tô di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác vậy. Quyền cư trú của người dân phải được tôn trọng, nhất là trong nền kinh tế thị trường, mỗi người có quyền lựa chọn chỗ ở, chỗ làm theo nhu cầu cá nhân.

Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đánh giá: “Đây là đề xuất trái với hai điều. Thứ nhất, trái với quy định của Hiến pháp. Trước đây, Hà Nội đã từng áp dụng việc mua đất phải có hộ khẩu nhưng sau đó đã bỏ vì những hạn chế của nó và từ lâu hộ khẩu không còn còn là căn cứ mua nhà. Thứ hai, mới đây tuyệt đại đa số dân cư đã đồng ý bỏ sổ hộ khẩu để quản lý bằng mã số định danh. Đây là bước đi đúng hướng với các nước phát triển nhưng đề xuất này lại quay lại lạc lối và rất cũ kỹ”.

Theo GS Đặng Hùng Võ, với việc hạn chế dân cư di dân cơ học vào nội đô, các khu độ thị lớn, chúng ta có thể học hỏi, áp dụng biện pháp rất hữu hiệu từ các nước phát triển. Đó là họ sử dụng công cụ đánh thuế cao ở các vùng nội đô. Trước đây, Bruxelles - Thủ đô của Bỉ cũng từng áp dụng biện pháp này và rất hiệu quả. Hiện nay, họ lại đang phải áp dụng biện pháp ngược lại, đó là hạ thuế ở Bruxelles để người dân quay lại nội đô. Bởi về đêm là nội đô vắng hoe, vấn đề an ninh phức tạp.

“Theo đó, ở Việt Nam hiện nay không cần sửa đổi luật mà chỉ cần thay đổi cách áp thuế. Chẳng hạn, với hạn mức thuế cho đất phi nông nghiệp hiện nay là 0,03% vẫn giữ nguyên nhưng áp thuế cho vùng nội đô bằng bảng giá phù hợp với thị trường. Chẳng hạn, 1 tỉ đồng/m2 đất nội đô sẽ được nhân với 0,03% là ra mức thuế mà người sống trong vùng nội đô phải đóng cho nhà nước”, GS Đặng Hùng Võ hiến kế.

Bằng cách đánh thuế cao, chúng ta sẽ không tước đi quyền tự do lựa chọn chỗ ở của người dân nhưng với biện pháp này người dân sẽ phải lựa chọn cho mình nơi ở phù hợp nhất với điều kiện hiện có. Nhiều nước đã áp dụng biện pháp thuế cho chính sách giãn dân thành công, nên chăng trong thời gian tới Việt Nam cũng nên nghiên cứu, đề xuất và thực hiện để tránh tình trạng ách tắc tìm hướng giải quyết kéo dài.

Bày tỏ ý kiến trong việc giảm sự nhồi nhét dân cư về nội đô, PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng cho rằng, nên chuyển các cơ quan công quyền, trường học ra ngoại đô, không mở rộng Hà Nội theo hình tia, hướng tâm mà mở rộng theo vòng tròn vệ tinh. Ví dụ như, Vĩnh Phúc sẽ là một tâm điểm, Việt Trì sẽ là một tâm điểm...

Chính sách hỗ trợ, trợ giá cho vùng ngoại ô

Nhiều chuyên gia lĩnh vực bất động sản được hỏi cũng cho rằng nên xây dựng các dự án khu văn phòng và khu nhà ở phải đặt ngoại ô, hạn chế xây mới nhà cao tầng ở nội đô; trợ giá trực tiếp cho người có nhu cầu sử dụng; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ở khu vực ngoại đô và trợ giá trực tiếp chi phí đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng ở những tuyến đường đến khu vực này; Đồng thời tạo cơ chế ưu đãi xây dựng bệnh viện chất lượng cao ở khu vực ngoại đô; dần di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp, trường đại học ra khỏi khu vực nội đô...

 

Đông An - Nhật Tân