Có một Hà Nội lem nhem như hôm nay…
Cập nhật lúc: 30/10/2018, 12:01
Cập nhật lúc: 30/10/2018, 12:01
Bản sắc đô thị là gì, câu hỏi này không dễ tìm ra trong một câu trả lời ngắn gọn. Tuy nhiên có thể coi đó là tổng hoà của rất nhiều yếu tố, từ quy hoạch, kiến trúc, thiên nhiên đến phong tục tập quán và lối sống của người dân ở các đô thị đó. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, bản sắc của một đô thị chính là sự pha trộn hài hòa các yếu tố đó và tỷ lệ như thế nào là do nhà quản lý.
Hà Nội đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, đô thị này chính thức có “bàn tay quy hoạch” là tử cuối thế kỷ XIX. Chính xác hơn, vào năm 1884, công sứ Pháp đầu tiên là Bonnal đã đưa ra chủ trương và thực hiện cải tạo Hà Nội. Đầu tiên, ông ta cho làm đường xung quanh hồ Gươm và lên kế hoạch xây toà đốc lý (ngày nay UBND TP. Hà Nội), Bưu điện, phố Tràng Tiền, Bắc Bộ Phủ ở phía đông hồ Gươm. Mở rộng phố Tràng Tiền, làm vỉa hè và trồng cây theo mô hình phố của phương Tây. Năm 1888, Hà Nội trở thành thành phố nhượng địa thì chính phủ bảo hộ đã đưa KTS người Pháp sang quy hoạch tổng thể và chi tiết với chủ trương chia Hà Nội thành hai khu vực riêng biệt. Với khu vực “36 phố phường”, họ cho nắn thẳng các phố tên Hàng, nhà dân trong khu vực này sửa sang hay xây mới phải theo đúng chỉ giới do thành phố cắm mốc. Làm vỉa hè, cống thoát nước thải...
Nhìn nhận một cách khách quan, kiến trúc xây dựng của những ngôi nhà cổ trong 36 phố phường là kiến trúc dân gian truyền thống có nhiều ưu điểm và cũng có những nhược điểm. Nó chính là những ngôi nhà 3 gian, 5 gian ở quê nhưng đầu hồi lại là mặt tiền. Nhà thấp tiết kiệm được nguyên liệu, có thể tránh gió bão nhưng nóng bức vào mùa hè dù có lợp bằng ngói âm dương. Thời nhà Nguyễn, phố cổ cơ bản khá giống nhau về cấu trúc, gian ngoài bán hàng, gian trong phòng khách, tiếp đó là khoảng trống để trồng cây và bắt buộc phải có chum nước phòng hỏa, tiếp theo là phòng ngủ và bên trong có một khoảng sân rồi mới đến bếp và nhà vệ sinh. Cấu trúc này cũng đảm bảo được phong thủy cho một ngôi nhà dù diện tích chật hẹp. Chum nước để phòng hỏa nhưng cũng là để tụ khí. Chiều cao ngôi nhà, cánh cửa cũng phải theo những qui tắc để ngăn tà khí xâm nhập vào bên trong.
Có thể không có nhiều tính thẩm mỹ nhưng khu vực “36 phố phường” là hồn cốt của đô thị Hà Nội. Ở đó, tầng lớp thị dân xưa sản xuất hàng hóa, bán hàng, giao lưu và sinh sống. Nhưng hồn cốt ấy không cụ thể là ngôi nhà nào, xây năm nào, phố này có từ bao giờ mà nó là mạng liên kết nhà với nhà, phố với phố, xen vào đó là nơi tờ tự tôn giáo, tín ngưỡng và tổng hòa các yếu tố ấy được gọi là “không gian phố cổ”.
Cuộc sống thay đổi, nếp làm ăn, buôn bán nơi những con phố đó cũng đổi thay. Ngày nay, phố cổ vẫn hiện diện ở đó nhưng dường như không còn hồn cốt xưa. Người ta chỉ còn thấy đâu đó, bóng dáng những khu phố nhỏ, những con ngõ sâu hun hút hay những ngôi đền, chùa để chứng minh dấu tích còn đọng lại. Phố cổ của ngày hôm nay chất lên mình đủ mọi loại vật liệu mới, cơi nới trước – sau, nhếch nhác và sập sệ. Những con người sống trong đó chen chúc trong không gian thiếu khí trời và ánh sáng. Họ nặng gánh mưu sinh, bám trụ từng mét vuông để tồn tại. Cái hồn cốt xưa chỉ còn phảng phất trong những bức tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái… Một di sản của đô thị Hà Nội đã và đang nhạt phai…
Cùng với phố cổ, các biệt thự Tây trở thành một đặc sản của đô thị Hà Nội, được giới kiến trúc châu Á đánh giá độc nhất vô nhị vì không có một thủ đô châu Á nào lại có nhiều “vườn trong phố” như vậy. Hơn một nghìn biệt thự đã biến Hà Nội từ một cô gái xộc xệch cuối thế kỷ XIX thành tiểu thư nền nã duyên dáng của thế kỷ XX.
Theo báo cáo tổng kết của đốc lý Baille trong nhiệm kỳ Toàn quyền Paul Doumer thì năm 1897 Hà Nội có 27 biệt thự, năm 1989 là 42, đến 1900 là 55 và 1901 là 57. Cho đến hết nhiệm kỳ của Paul Doumer (1897 - 1902), khu phố Pháp đã hình thành rõ nét, trong đó có nhiều biệt thự cỡ lớn rộng hơn 1.000m2. Để hạn chế nhà ống và buộc chủ đất phải xây biệt thự, tháng 7/1921, một ủy ban bao gồm các quan chức tòa thị chính đã thông qua văn bản quy định nhà xây trong khu phố mới phải có các phòng với khối tích từ 100m3 trở lên, chỉ tiêu là 25m2/ một người, trong đó sân vườn với diện tích tối thiểu là 50m2. Nhà phải xây cách hàng rào nhà kế bên ít nhất 2m. Một năm sau, tòa thị chính ra tiếp văn bản cấm xây nhà ống trên 22 tuyến phố, nơi chỉ được phép xây nhà kiểu phương Tây.
Biệt thự ở Hà Nội từng có thời làm ngay chính người Pháp phải “phát ghen”. Paul Boudet, thành viên Hội địa lý Pháp, Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương từ năm 1917 đã viết: “Những đại lộ rợp bóng cây, thấp thoáng những ngôi biệt thự không phải chuyển ra ngoại thành như ở Paris, nó được đặt đúng chỗ làm Hà Nội lãng mạn vô cùng”. Nhưng đấy là quá khứ huy hoàng. Bao biến thiên, thăng trầm, chiến tranh và cả quan niệm ấu trĩ làm cho những di sản ấy đã không còn giữ được dáng hình xưa, nhiều cái chắp vá, sập sệ, nhếch nhác và trở thành bài toán đau đầu cho cấp quản lý.
Phá bỏ những chiếc cổng làng, đô thị hoá ùa vào, lan dần khắp Thủ đô. Chỉ sau một quyết định hành chính, hàng trăm, hàng nghìn dân làng trở thành thị dân của phường, quận. Những làng Kim Liên, Yên Hoà, Dịch Vọng, Phú Đô… bị xáo trộn. Ngoài văn bản với chữ ký và dấu đỏ, hỏi có mấy ai chuẩn bị cho một bước chuyển đổi để làng xã mang thân phận mới. Đường làng, ngõ xóm hôm trước, hôm sau thành đường phố, vẫn chưa có vỉa hè đạt chuẩn, chưa có cây xanh, hệ thống thoát nước thì tồi tàn. Nhà ống, cao ốc đua nhau mọc lên. Vậy là sau một đêm mưa trắng trời, cả phố biến thành sông. Tất cảnh lem nhem như một nốt ruồi đen của đô thị.
Hà Nội thu nạp vào mình tất cả những kiến trúc hiện đại của thế giới, nhưng lại quên đi hình ảnh của chính mình. Những hạ tầng ngổn ngang, những công trình tự phát lổn nhổn như một vết loét cứ ngày một rộng ra tựa hồ không thể cứu vãn.
Cấu trúc đô thị tạo nên lối sống, giống như việc hiểu các con ngõ là hiểu Hà Nội, ở đó con người ta biết sống khiêm nhường, biết nhìn nhau để thể hiện sự ý tứ, dung hòa để cùng tồn tại. Con người đô thị bắt buộc phải dựa trên sự tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật và các quy định. Cứ thế, cái chất ấy lại ngấm dần tạo nên một đô thị trật tự và văn minh. Hà Nội của ngày hôm nay ngổn ngang, không phải vì Hà Nội không có bản sắc mà bởi, như một cơ thể không khoẻ mạnh, gặp các virut khác xâm nhập, sẽ rất dễ dàng suy yếu. Khi Hà Nội không gìn giữ và xác định được bản sắc của chính mình, các quy định không rõ ràng, sự quản lý không được nghiêm minh, tất yếu sẽ không còn sức đề kháng.
Xưa, khi xây dựng Hoàng thành Thăng Long, dù không quá bề thế nhưng ông cha ta đã có quy hoạch rất chuẩn theo những nguyên tắc truyền thống. Ví dụ như trong Thành, bao giờ cũng có toà nhà cao, nhà thấp, có chắn đằng trước gọi là tiền án, hai bên phải có đỡ, đằng sau có che chắn gọi là hậu chẩm. Có long mạch chính là sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và xa nữa là sông Đáy. Long mạch luôn luôn được khơi thông thì kinh đô ấy, đô thị ấy đô thị ấy mới phát triển và hưng thịnh.
Ngày nay, long mạch Tô Lịch xưa đã thành dòng sông “chết”, Hà Nội từng được mệnh danh là Thủ đô quyến rũ bởi hệ thống sông, hồ phong phú và duyên dáng, nay nhiều hồ cũng bị san lấp, bức tử.
Một thành phố đã trải qua nhiều khúc quanh của thời cuộc thì đương nhiên chuyện được – mất rất nhiều. Hà Nội là một thực thể sống, vì thế thành phố này buộc phải thay đổi. Không thể núi chặt, nương mãi vào quá khứ mà sống được, nhưng cũng không được quyền quên đi quá khứ bởi nó chính là dòng chảy để lớp trước nương vào lớp sau mà tiếp tục lớn. Có quá khứ mới có lịch sử, có lịch sử mới có bài học lịch sử và bài học lịch sử giúp cho thế hệ tương lai không mắc sai lầm và biết cách giải quyết các vấn đề của xã hội, quốc gia. Nghiên cứu về đô thị ngày xưa có thể giúp cho quản lý đô thị ngày hôm nay. Những gì được hình thành trong quá khứ, được kết nối đến hiện tại sẽ hình thành nên một triết lý để phát triển. Vậy ngày hôm nay, Hà Nội đang xác định bản sắc đô thị của mình là gì?
16:11, 29/10/2018
07:20, 19/10/2018
21:01, 12/10/2018