19/01/2025 | 22:23 GMT+7, Hà Nội

Đề xuất chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn

Cập nhật lúc: 08/05/2022, 06:28

Doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu trong vài năm tới và nên thay cách tính thuế tương đối hiện nay.

Tại kỳ họp bất thường hồi tháng 1, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo một luật sửa 8 luật, trong đó có Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, cơ quan quản lý sẽ xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, bia, rượu.

Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ.

Nêu ý kiến tại hội thảo "Ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong thời kỳ mới", ngày 6/5, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, tăng thu thuế trong bối cảnh doanh nghiệp đang kiệt sức vì những tác động từ dịch bệnh, xung đột Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, giá nguyên liệu sản xuất tăng cao... là chưa phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết hai năm đại dịch khiến các doanh nghiệp trong ngành đồ uống sụt giảm tới 20% sản lượng, tương đương 1 tỷ lít bia.

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Kinh tế trung ương (CIEM), cho thấy khoảng một nửa doanh nghiệp ngành đồ uống giảm doanh thu, lợi nhuận trong năm 2020, 2021 vì dịch. Hơn 79% doanh nghiệp đã phải áp dụng các biện pháp để giảm chi phí, trên 58% dừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và giảm lao động vì dịch bệnh.

Tác động từ dịch bệnh cũng khiến các doanh nghiệp ngành này cắt giảm 4-7% lao động. Thu nhập trung bình của lao động giảm 7-10% so với trước dịch.

Năm nay tình hình khởi sắc hơn khi các biện pháp phòng, chống dịch được nới bỏ, du lịch, dịch vụ ăn uống được mở trở lại, nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này được dự báo vẫn chưa cải thiện do giá của các nguyên vật liệu đầu vào đều đang ở mức cao lịch sử, trong đó xăng dầu, malt... tăng tới 50%; vỏ lon tăng 30-40%. Chi phí vận chuyển cũng "đội thêm" và giá các vật tư nguyên liệu khác tăng 15-20%...

Các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo ngành đồ uống, ngày 6/5. Ảnh: Minh Anh
Các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo ngành đồ uống, ngày 6/5. Ảnh: Minh Anh

Ở khía cạnh doanh nghiệp, bà Holly Bostock, Giám đốc ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam, nói việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tạo thêm nhiều gánh nặng, khó khăn hơn cho ngành đồ uống, du lịch. Điều họ cần nhất lúc này là sự ổn định và các hỗ trợ nhằm giảm bớt tác động từ dịch bệnh lên hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, chuyên gia Ngô Trí Long nhận xét, nếu nhà nước tăng tiền thuế với những doanh nghiệp làm ăn chân chính thì họ càng bị kiệt sức. "Tăng thuế tức sản phẩm phải tăng giá, song song với việc này người tiêu dùng lại chọn mua sản phẩm giá rẻ trên thị trường. Đây là tác dụng ngược của việc đánh thuế", ông nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần tăng cường hiệu quả quản lý với khu vực đồ uống có cồn phi chính thức và kết hợp nhiều giải pháp chính sách khác ngoài thuế để hạn chế lạm dụng đồ uống có cồn một cách hiệu quả.

Về lâu dài, thay vì tăng ngay thuế để thu được nhiều hơn, theo luật sư Phạm Tuấn Khải, chuyên gia thuộc nhóm Nghiên cứu đồ uống Việt Nam (thuộc VBA), cơ quan quản lý cần có đánh giá tác động sự ảnh hưởng của việc tăng thuế, các biện pháp hạn chế tiêu thụ rượu, bia và tác động từ dịch bệnh Covid-19 tới tình hình sản xuất kinh doanh của ngành đồ uống có cồn trong ngắn hạn và dài hạn; cũng như việc nghiên cứu cải cách thuế toàn diện.

"Cải cách thuế để doanh nghiệp phát triển chứ không phải thu được nhiều thuế cho ngân sách. Khi doanh nghiệp tăng trưởng, có doanh thu và lợi nhuận, họ sẽ tăng đóng góp và ngược lại", ông lưu ý.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia đã qua 4 lần điều chỉnh trong 7 năm qua, song chuyên gia Ngô Trí Long cho hay, các thay đổi trước đây đều theo cách tính thuế tương đối, tức là tăng phần trăm thuế suất theo lộ trình. Điểm hạn chế của cách tính này là không theo chất lượng, độ cồn sản phẩm.

Theo ông Ngô Trí Long, việc phân loại mức thuế khác nhau theo nồng độ cồn phản ánh đúng vai trò khác nhau của từng chủng loại sản phẩm về kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm.

"Cơ chế tính thuế theo nồng độ cồn là cơ chế công bằng, minh bạch hơn và giúp ngân sách tăng bền vững hơn so với cách tính theo giá trị. Tính thuế theo nồng độ cồn vừa tăng khả năng cạnh tranh kinh tế, vừa điều chỉnh hành vi lạm dụng rượu, bia", ông Long nói.

Bà Holly Bostock cũng cho rằng, cơ chế tính thuế trên giá xuất xưởng đã tồn tại từ lâu trong khung pháp lý thuế tiêu thụ đặc biệt, khiến chi phí gánh nặng xã hội tăng cao khi chỉ khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm giá rẻ mà quên đi yếu tố về nồng độ cồn – yếu tố chính gây hại.

Việc tính thuế theo nồng độ cồn đang được nhiều quốc gia áp dụng, như Singapore, liên minh châu Âu (EC). Gần đây nhất, năm 2017, Sri Lanka cũng chuyển đổi cách tính thuế theo giá trị sang nồng độ cồn. Việc chuyển đổi này giúp cải thiện môi trường kinh doanh ngành bia tại quốc gia ở Nam Á và ngân sách tăng, đồng thời người dân giảm đáng kể tiêu dùng bia rượu bất hợp pháp.

Nguồn: https://congly.vn/de-xuat-chua-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-con-207108.html