03/12/2024 | 23:51 GMT+7, Hà Nội

Nợ vay gia tăng tại doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xây dựng và thực phẩm đồ uống

Cập nhật lúc: 13/06/2021, 16:30

Khối nợ vay của nhóm doanh nghiệp niêm yết đang gia tăng đáng kể, đặc biệt là trong ngành bất động sản, xây dựng và thực phẩm đồ uống...

Trong bối cảnh khó khăn do cơn đại dịch Covid-19 hoành hành, việc các doanh nghiệp đi vay là điều dễ hiểu. Có những doanh nghiệp vay để đảm bảo ổn định kinh doanh khi mà doanh thu liên tục “bay hơi”, các chi phí lại tăng một cách chóng mặt. Bên cạnh đó, cũng có một số doanh nghiệp huy động vốn vay để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Theo thống kê của FiinGroup, năng lực trả nợ vay của khối doanh nghiệp cải thiện nhưng gánh nặng nợ vay gia tăng. Cụ thể, Ebit hồi phục giúp cải thiện khả năng chi trả lãi vay của doanh nghiệp nhưng vẫn chưa về mức trước khi dịch Covid-19 khởi phát.

Biểu đồ hệ số khả năng thanh toán vay nợ theo quý

Cụ thể, hệ số chi trả lãi vay (ICR) tăng đều từ 2,0x trong quý 1/2020 lên 3,4x trong quý I/2021 và gần chạm mức cùng kỳ năm 2019.

Quý I/2021, hệ số đánh giá khả năng thanh toán nợ vay của doanh nghiệp (Nợ vay/Ebita) tăng mạnh lên mức 15,7x từ mức thấp 11,7x trong quý liền kề trước đó.

Mặc dù xu hướng tăng trong quý I hàng năm do yếu tố thời vụ nhưng hệ số này đã chạm mức rất cao nếu so với mức trung bình của giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Điều này cho thấy gánh nặng nợ vay của khối doanh nghiệp đang gia tăng đáng kể đặc biệt là trong nhóm Bất động sản, Xây dựng và Thực phẩm đồ uống.

Chẳng hạn, tính đến hết quý I/2021, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) có gần 14.000 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 6% so với đầu năm, chiếm 55% tổng tài sản.

Tương tự, nợ phải trả tại Vinaconex cũng tăng 11%, lên hơn 13.804 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ ngắn hạn hơn 10.210 tỷ đồng (tăng 14%) và dư nợ dài hạn gần 3.594 tỷ đồng (tăng 4%). Hay nợ phải trả của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) ghi nhận hơn 10.000 tỷ đồng, chiếm 66% tổng tài sản;...

Thực tế, nguồn vốn đầu tư dự án của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản đều chiếm đa số từ vốn vay ngân hàng.

Tại nhóm doanh nghiệp thực phẩm đồ uống, chẳng hạn tại Tập đoàn Masan (Masan Group, HOSE: MSN), tính đến 31/3/2021 ghi nhận số dư nợ phải trả là 90.861 tỷ đồng, tương ứng 78% tổng tài sản và gấp 3,5 lần con số 25.405 tỷ đồng của vốn chủ sở hữu.

Tương tự, nợ phải trả tại CTCP Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi (UPCoM: BSQ) tăng 26% so với đầu năm; nợ phải trả tại CTCP Tập đoàn KIDO (mã: KDC) tăng 10% lên gần 5.105;...

Cũng theo thống kê của FiinGroup, so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế quý I/2021 của khối doanh nghiệp niêm yết đã tăng tới 140,6%, đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ tăng trưởng mới. Lợi nhuận tăng mạnh 140% nhờ biên lợi nhuận cải thiện ở một số ngành mang tính chu kỳ như Bất động sẩn và Thép; nền so sánh cùng kỳ thấp.

Tăng trưởng hàng quý so với quý liền kề

Tuy nhiên, mức tăng trưởng này sẽ khó lặp lại trong quý II do nền so sánh cùng kỳ đã không còn ở mức thấp; giá nguyên vật liệu tăng cao trong thời gian dài sẽ thu hẹp biên lợi nhuận của một số ngành lớn gồm Phân bón, Sản xuất sữa, Xây dựng và Dược phẩm. Covid bùng phát nhanh cũng khiến ngành Du lịch và Giải trí càng khó khăn.

Đáng lưu ý, nếu so với quý liền kề trước đó quý IV/2020 thì doanh thu và lợi nhuận khối doanh nghiệp trong quý đầu tiên của năm 2021 lần lượt giảm 9,8% và 23,5%. Sự giảm tốc này chủ yếu do nhóm Bất động sản dân cư, Xây dựng, Điện, Thực phẩm, Hàng không. Trong khi đó, nhóm Sản xuất Sữa với đại diện lớn nhất là VNM có doanh thu giảm 8,5% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 28,5% nhờ cắt giảm chi phí bán hàng, quảng cao, khuyến mại và chi phí quản lý.

Nguồn: https://congluan.vn/no-vay-gia-tang-tai-doanh-nghiep-kinh-doanh-bat-dong-san-xay-dung-va-thuc-pham-do-uong-post138628.html