19/01/2025 | 06:58 GMT+7, Hà Nội

Đâu là tin tích cực cho bất động sản TP.HCM trong cơn sóng gió Covid-19?

Cập nhật lúc: 19/03/2020, 08:00

Một số chính sách được ban hành gần đây cũng như những động thái tích cực của cơ quan quản lý được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản TP.HCM phần nào khơi thông điểm nghẽn, "cởi trói" cho một số doanh nghiệp BĐS.

Vốn đã có những chao đảo từ giữa năm 2019 do thiếu hụt nguồn cung, thị trường bất động sản TP.HCM lại càng phải gồng mình để đối mặt với sóng gió đến từ dịch bệnh Covid-19 kể từ đầu 2020 tới nay.

Dù đánh giá rằng tác động lên ngành bất động sản dân dụng chưa rõ ràng trong ngắn hạn, khi nhu cầu sử dụng và sinh sống phụ thuộc vào kế hoạch trong dài hạn của người mua nhà nhưng tại báo cáo công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vẫn lo ngại tác động có thể sẽ trở lên lớn hơn, trong trường hợp cả nền kinh tế bị ảnh hưởng, do tính chu kỳ cao của ngành bất động sản. Hơn nữa, tỷ lệ người mua đầu tư và đầu cơ trong một dự án tại Việt Nam là tương đối cao, có thể dẫn đến tâm lý mua bán bị tác động.

Không thể chối bỏ một sự thật rằng bức tranh chung của nền kinh tế thế giới và cả Việt Nam đang ít màu tươi sáng, khi mà dịch bệnh đang gây nên những hệ quả khôn lường, hàng loạt quốc gia dừng cấp visa, những bức tường vô hình dần phải dựng lên để bảo vệ mỗi quốc gia qua "cơn bạo bệnh". Tất cả đều nằm ngoài ý muốn, nhưng để phát triển thì trước hết phải bảo vệ sinh mạng.

Nhưng, có lẽ vẫn nên tìm ra những điểm sáng, để tin vào một tương lai tốt đẹp khi dịch bệnh qua đi. Bởi như ý kiến của một số chuyên gia, thì dịch bệnh khiến chúng ta phải sống "chậm", nhìn lại quãng đường dài đã đi để rút kinh nghiệm, và đối với thị trường nói chung, đó sẽ là một đợt "sàng lọc" khá khắt khe. Sẽ là cơ hội để những doanh nghiệp quản trị tốt và có dòng tiền khỏe mạnh bứt phá.

Đánh giá về điểm sáng của thị trường bất động sản, nhóm nghiên cứu VDSC cho rằng một số chính sách được ban hành gần đây, sẽ giúp thị trường phần nào khơi thông điểm nghẽn pháp lý. Qua đó, sẽ giúp tăng nguồn cung cho thị trường và cởi trói cho một số công ty bất động sản.

"Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng kỳ vọng về các đợt kích cầu trong năm 2020, đặc biệt là việc triển khai các dự án đầu tư công, được coi như động lực hỗ trợ mạnh mẽ cho nhu cầu bất động sản. Các công ty bất động sản nhìn chung sẽ đều được hưởng lợi từ xu thế này", báo cáo của VDSC nêu.

Thị trường bất động sản TP.HCM ngóng chờ dự án mới

Một số yếu tố tích cực được kỳ vọng sẽ mang tới gam màu sáng cho thị trường bất động sản trong 2020 có thể kể tới như: Nghị định số 25/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/4/2020 quy định việc giao đất cho nhà đầu tư trúng đầu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường. Đặc biệt, đối với các dự án đã hoàn thành thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng chưa thể triển khai do chưa được Nhà nước giao đất/cho thuê đất trong thời gian qua nay sẽ được tái khởi động.

Tiếp đó là thông tin Văn phòng UBND TP.HCM vừa chấp thuận tiếp tục triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tín hiệu triển khai một số các dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự báo sẽ khiến thị trường thêm tăng nhiệt.

Vừa qua, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã hoàn chỉnh dự thảo để TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan về các nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn.

Theo đó, Sở Xây dựng đã đề xuất 8 nhóm vấn đề cần tháo gỡ, trọng tâm trong đó là cách hiểu và vận dụng quy định quyền sử dụng đất ở hợp pháp khi thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở.

Sở Xây dựng cho biết, từ tháng 12/2015 đến nay, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư 63 dự án nhà ở thương mại có nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng. Tất cả các dự án này đều được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt.

Để doanh nghiệp bất động sản có cơ sở hoàn tất các thủ tục đầu tư và triển khai dự án nói trên, Sở Xây dựng có văn bản trình, để UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án: “Diện tích đất có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng, nếu đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt hoặc đã có văn bản của cơ quan thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi giải phóng mặt bằng là để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì diện tích đất đó được coi là đất ở”.

Được biết, 63 dự án nằm trong kế hoạch gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản đều là những dự án có nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng.

Mới đây nhất, trong ngày 17/3, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP (Saigon Co.op) do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19.

Đáng chú ý, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu) của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực nêu trên và đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý III hoặc quý IV/2020.

Về tiền thuê đất, UBND TP đề xuất xem xét, hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 - 2021; hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2021.

Với những khác biệt về thói quen tiêu dùng, đầu tư, và cộng hưởng thêm những thay đổi về chính sách đã khiến cho thị trường bất động sản TP.HCM khép lại một năm 2019 với mức sụt giảm nặng nề về nguồn cung. Tuy nhiên, sức hấp thụ của thị trường này được đánh giá là vẫn còn cao và dự báo trong 2020, lực cầu vẫn rất lớn, song song với đó, nguồn cung được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ những nới lỏng về yếu tố pháp lý.

"Với những thông tin tích cực gần đây, cộng với nền tảng nhu cầu tốt hơn, thị trường bất động sản trong TP.HCM được đánh giá tiềm năng hơn", nhóm nghiên cứu VDSC nhận định.

Dù vậy, các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, cần nhiều hơn nữa giải pháp quyết liệt từ phía chính quyền để khơi thông cho các dự án, giải được "cơn khát" nguồn cung cho thị trường.