19/01/2025 | 01:24 GMT+7, Hà Nội

Chứng khoán "hoảng loạn" vì Covid-19, nhóm bất động sản "lao dốc"

Cập nhật lúc: 10/03/2020, 16:00

Nhà đầu tư tỏ ra hoảng loạn trước sự ảnh hưởng bởi dịch bệnh và điều này khiến thị trường chứng khoán rơi vào cảnh bị bán tháo.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một ngày “đen tối” khi tâm lý nhà đầu tư tỏ ra hoảng loạn trước sự phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 sau khi cuối tuần trước, nước ta ghi nhận một số ca dương tính với virus này. Cùng với đó, thị trường chứng khoán thế giới hay giá dầu lao dốc cũng tác động lớn đến hành động của nhà đầu tư.

Ngay từ đầu phiên giao dịch, áp lực bán đã dâng cao và đẩy hàng loạt cổ phiếu trụ cột lao dốc, trong đó có nhiều mã giảm sàn, lực cầm cự của bên mua không thể duy trì trước áp lực bán quá mạnh và liên tục khiến các chỉ số lao dốc.

Đỉnh điểm của sự hoảng loạn xảy ra ngay trước phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa (ATC), lực bán ồ ạt đưa ra và nới rộng đà giảm của các chỉ số. Trong đó, VN-Index chốt phiên giảm đến 55,95 điểm (-6,28%) xuống 835,49 điểm – theo ghi nhận thì đây là mức giảm lớn nhất trong vòng 18,5 năm qua kể từ tháng 10/2001. HNX-Index cũng giảm 7,32 điểm (-6,44%) xuống 106,34 điểm. UPCoM-Index cũng không nằm ngoài xu thế chung khi giảm 2,98 điểm (-5,38%) xuống 52,44 điểm.

Vốn hóa riêng sàn HoSE giảm 191,3 nghìn tỷ đồng xuống còn hơn 2,8 triệu tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bất động sản không nằm ngoài xu thế của thị trường chung khi đều lao dốc. Các ông lớn trong ngành như VIC, VHM, VRE, HDG, DXG... đều bị kéo xuống mức giá sàn. Trong đó, VIC là cổ phiếu lấy đi của VN-Index nhiều nhất với gần 7,2 điểm. VHM cũng lấy đi của chỉ số này gần 5,5 điểm.

Dù vậy, bất chấp thị trường lao dốc, một số cổ phiếu bất động sản vẫn đi ngược lại như QCG, VRC hay TNT. Trong đó, QCG tiếp tục gây ấn tượng khi có phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp và đạt mức 6.380 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh hơn 2 triệu cổ phiếu, đây cũng là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,033 điểm. Động lực tăng của QCG được cho là đến từ những kỳ vọng công ty này có thể tháo gỡ được vướng mắc cho các dự án bất động sản đang bế tắc sau cuộc gặp UBND TP.HCM và các doanh nghiệp bất động sản của Thành phố vào cuối tháng 2 vừa qua.

Nguồn: VDSC

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên cuối tuần trước. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 411 triệu cổ phiếu, trị giá gần 6.900 tỷ đồng.

Các cổ phiếu bất động sản có thanh khoản cao nhất thuộc về FLC, ITA, HQC hay DXG. Trong đó, FLC giao dịch mạnh nhất với 15 triệu cổ phiếu được sang tên. Phiên hôm nay, FLC cũng không tránh khỏi việc bị bán về mức giá sàn 3.780 đồng/cổ phiếu. ITA và HQC đứng sau với khối lượng giao dịch lần lượt 8 triệu cổ phiếu và 7,7 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng với 227 tỷ đồng ở 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM, trong đó, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trên sàn HoSE với giá trị hơn 229 tỷ đồng. Tính tổng cộng, khối ngoại trên HoSE bán ròng 20 phiên liên tiếp với hơn 3.900 tỷ đồng.

Trong danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HoSE, 3 cổ phiếu bất động sản bị bán mạnh bao gồm VIC, VHM và NVL, trong đó, VIC bị bán ròng 57 tỷ đồng, VHM bị bán ròng 19 tỷ đồng, còn NVL là 11,8 tỷ đồng. Chiều ngược lại, 3 cổ phiếu bất động sản KBC, DIG và ITA lọt vào top 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh phiên 9/3, trong đó, KBC được mua ròng 14 tỷ đồng.

Theo nhận định của Chứng khoán BIDV (BSC), trong bối cảnh rủi ro của thị trường còn hiện diện, nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng cổ phiếu xuống mức an toàn và theo dõi diễn biến của dịch bệnh để có thể có phương án đầu tư phù hợp.