19/01/2025 | 01:35 GMT+7, Hà Nội

Bất động sản du lịch "ngủ đông", doanh nghiệp làm gì để vực dậy sau mùa dịch?

Cập nhật lúc: 14/03/2020, 13:15

Trong hơn 2 tháng bùng phát dịch Covid-19, ngành bất động sản du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp nặng nề. Các chuyên gia cho rằng đây là giai đoạn “ngủ đông” nhưng cần tích trữ năng lượng để bung sức phục hồi.

Trong hơn 2 tháng bùng phát dịch Covid-19, ngành bất động sản du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp nặng nề. Các chuyên gia cho rằng đây là giai đoạn “ngủ đông” nhưng cần tích trữ năng lượng để bung sức phục hồi.

ÁM ẢNH NHỮNG CON SỐ THIỆT HẠI

Covid-19 lan rộng ra các nước trên thế giới đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch. Tổng cục Du lịch dự kiến, tổng thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam trong 3 tháng tới vào khoảng 5,9 tỷ USD.

Còn tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tức thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các hoạt động lưu chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách, dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, ăn uống, lưu trú bị ảnh hưởng nặng nề. Lượng lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm hai con số, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD. Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.

Thống kê từ Grant Thornton Việt Nam cũng ghi nhận, công suất phòng của các khách sạn ở Hà Nội, TP.HCM đã bị giảm từ 20% - 50%. Các điểm đến nghỉ dưỡng trọng điểm như Sapa, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nha Trang hay các công ty lữ hành tại TP.HCM, Vịnh Hạ Long cũng đều ghi nhận sụt giảm khoảng 50% công suất so với trước khi dịch xảy ra.

Loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE) cũng bị ảnh hưởng mạnh khi nhiều công ty đa quốc gia đã hủy bỏ các chuyến du lịch nước ngoài cho nhân viên của họ.

Các nhà điều hành khách sạn ở Cam Ranh (Nha Trang) cho biết, tỷ lệ lấp đầy của những khách sạn vẫn thường phục vụ khách Trung Quốc giảm tới 98%, trong khi khách sạn phục vụ khách nội địa và các quốc tịch khác có tỷ lệ hủy phòng trung bình là 50% và số lượng phòng đặt trong thời gian tới cũng giảm đến 70%.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh thông báo quyết định dừng đón khách tham quan vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, trên các đảo thuộc Cô Tô, Vân Đồn. Các hoạt động ở khu di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn tỉnh cũng được tạm ngừng. Thời gian thực hiện từ 0h ngày 12/3 đến 0h ngày 27/3. Báo cáo của Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh, thường ngày khoảng 12 nghìn khách tham quan vịnh Hạ Long, nay còn 3 nghìn và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Dự báo của ngành du lịch, sớm nhất tới đầu quý IV ngành mới có thể phục hồi. Đây là thách thức không nhỏ với ngành du lịch để đạt được mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách trong năm 2020.

Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhìn xa hơn đó là thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế cả nước vì hiện nay du lịch đóng góp tới 9,2% vào GDP, đóng góp gián tiếp và lan tỏa là 18%. Ngành du lịch Việt Nam đứng trước nguy cơ một năm sụt giảm mạnh về lượng khách và doanh thu. Hàng triệu lao động trong ngành du lịch có nguy cơ bị giảm thu nhập thậm chí bị cắt giảm do thiếu việc.

Có thể nói trong giai đoạn hiện nay, ngành bất động sản du lịch vừa phải gồng mình chống dịch, vừa giải quyết các tình huống phát sinh và tìm kiếm các giải pháp củng cố thị trường khách nội địa và tích trữ năng lượng cho giai đoạn “ngủ đông” để chờ hồi phục trong thời gian tới.

KỊCH BẢN GIẢI CỨU BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH

Trong báo cáo tác động của dịch cúm Covid-19, công ty chứng khoán ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá ngành bất động sản nghỉ dưỡng chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với các phân khúc còn lại. Dịch vụ du lịch và lưu trú bị ảnh hưởng trực tiếp, sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu cho thuê bất động sản du lịch và condotel trong ngắn hạn.

Các nhà phân tích cho rằng, các doanh nghiệp triển khai nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng trong ngắn hạn sẽ càng khó khăn hơn trong việc mở bán dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thu tiền so với kế hoạch mở bán trước đó. Mặt khác, các nhà đầu tư du lịch nhỏ lẻ ở các thành phố du lịch có số vốn không nhiều, phải tự mình quản lý đang phải bù lỗ vô thời hạn khi không có khách.

Trong bối cảnh này, bất động sản du lịch Việt Nam cần làm gì? Không còn giải pháp nào tốt hơn việc có hướng đi mới, xác định thị trường nội địa là hướng ưu tiên hàng đầu. Để tạo nên sự hấp dẫn du lịch nội địa, cần có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam. Cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Được biết, ngành du lịch đã có nhiều biện pháp chủ động kích cầu “du lịch” an toàn từ việc liên kết tìm sản phẩm mới. Hội đồng Tư vấn du lịch đã đề nghị Chính phủ giảm thuế VAT du lịch từ 10% xuống 5%, cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng; miễn khoản đóng bảo hiểm xã hội, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp cho tới khi dịch Covid-19 kết thúc, giảm tiền sử dụng đất, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ…

Tương tư, các Hiệp hội bất động sản cũng kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid-19, về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế, sửa đổi Nghị đinh 20 trong đó cho phép hồi tố… để giúp các chủ dự án đã hoạt động đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn bởi dịch cúm.

Chia sẻ thêm về giải pháp cho ngành bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, Cà phê cuối tuần giới thiệu: Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng; ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Kênh thông tin Batdongsan.com.vn; ông Văn Dũng Chinh, Chủ tịch CLB Bất động sản Nha Trang - Khánh Hòa.

Ông Cao Trí Dũng: Theo tính toán sơ bộ, du lịch Đà Nẵng sẽ thiệt hại khoảng 700 - 800 triệu USD vì dịch Covid-19, tương đương mức giảm thu khoảng 20.000 tỷ đồng. Con số này dựa trên ước tính số khách quốc tế sụt giảm cùng mức chi tiêu tại điểm đến cho tới hết tháng 5 năm nay.

Tính điến hiện tại gần như không có khách đặt phòng đến đầu tháng 6 tới. Trong kịch bản lạc quan nhất với giả sử tháng 4 hết dịch, du lịch sẽ mất một tháng để dần phục hồi và khách sẽ quay lại vào đầu tháng 6. Tuy nhiên, mức quay lại dự đoán chỉ khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do đó, du lịch Đà Nẵng ước tính sẽ mất khoảng 1 triệu khách quốc tế và khoảng 1,5 - 2 triệu khách nội địa. Trước đó, tính đến giữa tháng 2/2020 lượng khách sụt giảm mạnh do Covid-19 ước tính 30 - 40%, không chỉ từ thị trường Trung Quốc mà còn Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Đông Nam Á. Đáng chú ý, khách đoàn từ các thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ đều báo giảm.

Nguồn khách lẻ là thiệt hại nặng nhất do khách đi lẻ hầu hết là khách có khả năng chi tiêu cao, tự trải nghiệm tour tuyến theo kế hoạch họ tự lên nên đối tượng khách này dễ dàng thay đổi hoặc huỷ bỏ chuyến đi. Khách nội địa đi du lịch nước ngoài cũng bị ảnh hưởng khi nhiều kế hoạch bị giảm.

Công suất khách sạn thời điểm đó giảm khoảng 40% so với cùng kỳ và thậm chí một số khách sạn chỉ còn 10 - 20%. Sau hơn nửa tháng, tình hình hiện nay đã xấu đi và rất nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa.

Tại Đà Nẵng, doanh nghiệp đóng cửa rất nhiều, đặc biệt là khu vực khách sạn và ngày nào cũng có thêm khách sạn phải đóng cửa. Đây là giải pháp tiết kiệm chi phí hơn với các doanh nghiệp. Ví dụ, một khách sạn 5 sao nếu đóng cửa sẽ thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng, chủ yếu là trả lương trợ cấp thất nghiệp cho nhân viên còn nếu tiếp tục kinh doanh sẽ lỗ khoảng 4 - 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, quyết định đóng cửa đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nhiều khả năng bị mất nguồn khách, mất nhân viên cũng như tài sản xuống cấp.

Để “cứu” các doanh nghiệp trước tình hình cấp bách hiện nay, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ 4 nội dung xem xét gồm: Thuế, vừa thuế VAT vừa thuế thu nhập doanh nghiệp và có thể thuế đất; giảm lãi suất, kéo dài thời gian khoanh nợ, trả nợ; miễn giảm lệ phí, nới các chính sách cho một số thị trường; các gói cứu trợ doanh nghiệp và kích cầu.

Về phía địa phương, nên sớm có cuộc gặp các doanh nghiệp trên địa bàn, giải cứu các doanh nghiệp có khoản vay lớn; cho chậm nộp thuế, có thể tính toán đến giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp du lịch.

Về nhóm giải pháp sản phẩm, để khách quay lại và có sự phục hồi nhanh, phải có sản phẩm mới, đặc thù và kích cầu. Qua ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, làm sao năm 2020 phải phát triển cho được sản phẩm du lịch biển đảo, sản phẩm du lịch trên sông. Đây là sản phẩm mới có thể tạo được sức hút cho du lịch Đà Nẵng. Việc này chúng tôi đã có nhiều lần làm việc với các cơ quan liên quan và đã có đề xuất.

Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đề nghị sớm hỗ trợ và thúc đẩy Sun Group đưa vào khai thác khu phức hợp chợ đêm, phố đi bộ; chuyển Công viên châu Á (Sun World Da Nang Wonders) thành công viên mở. Tức là, khách thoải mái vào tham quan tại đây, chỉ trả tiền cho các dịch vụ. Đây sẽ là điểm hút rất lớn. Năm nay có thể đó là điểm hút của Đà Nẵng.

Kích cầu không có nghĩa giảm giá mà tăng thêm giá trị, dịch vụ, tiện ích cho tour tuyến, bằng cách trao đổi sản phẩm, dịch vụ giữa các đơn vị với nhau. Trước mắt các bên đối tác làm việc với nhau để chia sẻ khó khăn, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch viêm phổi Covid-19 gây ra như hủy phòng khách sạn, huỷ vé hàng không, tiếp theo tìm kiếm nguồn khách bù đắp suy giảm. Cùng với việc phát động ngay chương trình kích cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, hàng không, ngành du lịch kiến nghị Chính phủ, Tổng cục Du lịch có biện pháp cấp Nhà nước như nới lỏng, miễn phí visa để sớm thu thu hút khách sau đại dịch.

Hy vọng khả năng phục hồi sau dịch viêm phổi virus Corona không quá lâu, dự kiến tối đa hết quý I/ 2020 có thể phục hồi.

Ông Văn Dũng Chinh: Với Nha Trang nói riêng và các điểm du lịch khác nói chung, khoảng 10 năm trở lại đây, lượng khách nội địa gia tăng rất nhanh và lớn. Khánh Hòa, bình quân mỗi năm có khoảng 4 triệu lượt khách nội địa. Bên cạnh đó, Nha Trang chủ yếu có khách Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc. Dịch khiến lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc sụt giảm mạnh, chỉ còn khách Nga với lượng trung bình 30.000 lượt khách.

Nhưng, Việt Nam có một văn hóa tâm lý du lịch rất khác. Người Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. Nên lượng khách nội địa giảm sút rất lớn. Đúng thực, dịch bệnh không đáng sợ bằng yếu tố tâm lý sợ đám đông. Nên họ tự làm "nát" thị trường nội địa. Khách châu Âu, khách Nga vẫn qua nhưng khách nội địa lại rất vắng. Điều này khiến thị trường bất động nghỉ dưỡng dễ gặp rủi ro lớn về văn hóa bởi bài toán tâm lý đè nặng.

Ngay cả đến doanh nghiệp bất động sản, để trấn an tâm lý phải tạo ra các từ “cách ly”, an toàn như “điểm đến an toàn, tư vấn an toàn… Chỉ có thế mới khiến tâm lý của khách hàng, nhà đầu tư, tiêu dùng, an tâm.

Hiện nay, doanh nghiệp khó để đưa ra giải pháp gì bởi dịch bệnh đang khiến chính họ phải tìm ra bài toán duy trì và cầm cự. Quan trọng nhất là người dẫn đầu như thế nào? Và thực tế cho thấy, Chính phủ đang làm rất tốt. Nhiệm vụ trọng tâm là chặn dịch, phòng dịch. Sau đó mới là phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải qua được đại dịch này bởi ảnh hưởng của dịch là toàn cầu, bài toán tâm lý rất khó giải quyết.

Về chính sách hỗ trợ, tôi không đề cao việc giảm lãi suất như từ 7 - 10% bởi nếu vay được thì họ phải đảm bảo có đầu ra. Nhưng bây giờ đầu ra chưa có, không ai mua, và nhiệm vụ trước mắt duy trì sự sống còn của doanh nghiệp. Trong buổi chia sẻ với cơ quan quản lý Khánh Hòa với các tổ chức, hiệp hội bất động sản, du lịch và các doanh nghiệp, điều mà phía doanh nghiệp mong muốn là giảm nợ, hoãn nợ thêm thời gian về thuế, về bảo hiểm xã hội, tiền điện nước, tiền mặt bằng. Vì doanh thu giảm tới hơn 1 nửa thì họ chưa có tiền để trang trải. Nếu khoản nợ dồn dập, khó lòng doanh nghiệp đứng vững và phát triển.

Nói về dự đoán sự phục hồi rất khó nói trước. Sự phục hồi sẽ gắn liền với đại dịch. Đại dịch không kết thúc thì nền kinh tế toàn cầu không phục hồi, cũng khó nói tới sự phát triển của doanh nghiệp.

Nếu dịch kết thúc vào tháng 10, thì khả năng nền kinh tế, bất động sản, du lịch phục hồi sau đó đến năm 2022. Độ trễ của nó phải 12 tháng nữa để phục hồi hết. Khi dịch chấm dứt, nền kinh tế toàn cầu phát triển trở lại. Nhu cầu đầu tư, du lịch sẽ trở lại quỹ đạo thông thường. Và qua năm 2022, thị trường mới đi lên. Nhưng dịch mà không chấm dứt trước mùa đông thì không biết điều gì xảy ra.

Ông Nguyễn Quốc Anh: Ngành du lịch dù có phát triển đến mấy mà không có khách cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bất động sản nghỉ dưỡng. Thực tế cho thấy, tình hình dịch Covid-19 khiến lượng người đi du lịch giảm mạnh, việc chi tiêu cho du lịch cũng ít hơn.

Do vậy, ít nhất trong quý I/2020 này, ngành du lịch sẽ ảnh hưởng rất lớn, nhất là khi chúng ta có hơn 30% lượng khách du lịch là người Trung Quốc. Đó là những yếu tố mà chúng tôi nghĩ sẽ gây ảnh hưởng đến bất động sản du lịch giữa thời điểm hiện tại.

Về cơ bản thì guồng quay cuộc sống vẫn phải diễn ra, rõ ràng chúng ta cần phải cố gắng dập dịch càng sớm càng tốt. Nếu chúng ta dập được dịch trong quý I hoặc quý II này, thị trường bất động sản sẽ có nhiều cơ hội để khôi phục lại và chúng tôi nhìn thấy có nhiều yếu tố có thể kỳ vọng được.

Ví dụ, sau khi dịch được khống chế cơ bản thành công, chúng ta có thể kỳ vọng ít nhất khoảng 3 - 6 tháng nữa thị trường bất động sản sẽ “sốt” trở lại. Với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, khả năng phục hồi chậm hơn. Nếu dập dịch sớm trong quý I thì đến quý III, lượng khách du lịch mới bắt đầu tăng trở lại, lúc đấy sẽ là cơ hội cho thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng “phất” lên.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bộ phận Tư vấn Savills Việt Nam: Những nguyên tắc cơ bản của thị trường sẽ luôn không thay đổi. Một sự bùng nổ kéo dài qua tháng 6, một đại dịch hoặc các thay đổi đột biến là những yếu tố làm ảnh hưởng đến sự linh hoạt của thị trường. Có thể nói, những thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho ngành du lịch và bất động sản du lịch là rất đáng kể và chưa thể lượng hóa hết được. Tuy nhiên, việc chủ động ứng phó với các kịch bản cũng như khả năng sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh được khống chế sẽ là cơ hội để ngành giảm bớt thiệt hại trong ngắn hạn.

Về lâu dài khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, bất động sản du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Ông Phạm Hà, nhà sáng lập Lux Group: Chúng tôi đã chia ra nhiều đối tượng để có những giải pháp hợp lý. Với các khách du lịch đang có kế hoạch đi tour trong năm 2020, cung cấp đầy đủ thông tin tin cậy cho khách để tránh gây hoang mang, mặt khác thương thuyết với nhà cung cấp dịch vụ giúp khách chuyển đổi ngày đi hoặc hủy dịch vụ theo yêu cầu của khách.

Với các khách đang đi du lịch, triển khai hàng loạt các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách như phát khẩu trang, cồn y tế, dung dịch rửa tay khô, tờ rơi thông tin hướng dẫn hữu ích về cách phòng tránh Covid-19 đến tất cả các khách đang đi tour của công ty để đảm bảo du khách an toàn trong suốt kỳ nghỉ.

Khuyến cáo đội ngũ tư vấn viên và hướng dẫn viên tránh đưa khách đến những khu vực đông người, có nhiều khách đến từ vùng dịch bệnh. Cập nhật hàng tuần tình hình diễn biễn của dịch Covid-19 tới khách hàng và đối tác với những số liệu được lấy từ những nguồn dữ liệu tin cậy để giúp khách hàng và đối tác được trấn an, không bị hoang mang từ những nguồn tin thất thiệt.