19/01/2025 | 12:05 GMT+7, Hà Nội

Đánh bài vui ngày tết có vi phạm pháp luật không?

Cập nhật lúc: 07/02/2019, 03:00

Tụ tập đánh bài nếu không có hơn thua bằng tiền hoặc hiện vật thì không vi phạm pháp luật còn ngược lại nếu có hơn thua bằng tiền là hành vi “Đánh bạc trái phép”

Bạn đọc Nguyễn Duy (Bắc Giang) hỏi: Mỗi dịp tết đến các thanh niên trong làng tôi thường tụ tập rủ nhau đánh bài cho vui. Không biết việc tụ tập đánh bài ngày tết như vậy có vi phạm pháp luật không? Nếu vi phạm thì bị xử lý như thế nào? Mong được luật sư giải đáp. Xin cảm ơn!

luat-su-pham-ngoc-minh-1352

Luật sư Phạm Ngọc Minh – Công ty Luật TNHH Everest (Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198) trả lời:

Điều 1 Nghị Quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định:“Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.

Như vậy, việc các thanh niên tụ tập đánh bài nếu không có hơn thua bằng tiền hoặc hiện vật thì không vi phạm pháp luật còn ngược lại nếu có hơn thua bằng tiền là hành vi “Đánh bạc trái phép”.

Hành vi đánh bạc trái phép sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính hoặc hình sự phụ thuộc vào tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của từng lần đánh bạc và những căn cứ khác (đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm).

Trường hợp 1:Vi phạm hành chính

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu hành vi đánh bạc hơn thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị dưới 5.000.000 đồng mà chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc) hoặc không có án tích về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 2 Điều 26 Nghị Định số 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, người tham gia đánh bạc trái phép sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, người che dấu hành vi đánh bạc trái phép cũng bị xử phạt với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Khoản 3 Điều 26 Nghị Định số 167/2013/NĐ-CP); Người rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (Khoản 4 Điều 26 Nghị Định số 167/2013/NĐ-CP).

Ngoài hình phạt tiền nêu trên, người đánh bạc trái phép còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có. Người nước ngoài tùy theo mức độ vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trường hợp 2: Trách nhiệm hình sự

Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “1.Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên; c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; d) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo đó, hành vi đánh bạc trái phép được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức hình phạt đối với tội đánh bạc là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù với mức phạt từ 06 tháng đến 07 năm tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.