19/01/2025 | 02:26 GMT+7, Hà Nội

Mong muốn ăn Tết nhà ngoại, nỗi lòng hàng trăm người phụ nữ Việt

Cập nhật lúc: 06/02/2019, 06:00

Tết nhà nội, tết nhà ngoại, tết ở đâu cho gia đình trẻ giữ được hoà khí hai bên họ hàng?. Câu hỏi đau đầu của các chị em, đề tài tranh cãi nảy lửa của cánh đàn ông mội dịp Tết đến, xuân về.

Nỗi sợ khoảng cách, thời gian và cả xung đột...

Cuộc sống ngày nay đủ đầy hơn rất nhiều, người ta cũng không còn nghĩ tới việc ăn lo, mặc ấm. Cuộc sống giờ đây cái người ta cần là “ăn ngon mặc đẹp”. Thế nhưng, nỗi lòng của người phụ nữ hay người đàn ông đều muốn Tết được về sum vầy với bố mẹ, nơi mình sinh ra.

Những người con xa quê, cách xa hàng trăm, hàng nghìn cây số vẫn dắt díu nhau về, dù tàu xe ngày Tết bon chen. Tết là để nghỉ ngơi, để hưởng thụ, chứ không phải để “hành xác”. Chia sẻ về nỗi sợ hãi ngày Tết về quê chồng chị Linh sống và làm việc ở Hà Nội nói: "Năm nào cũng thế, cứ nghĩ đến cái cảnh 26 - 27 Tết âm lịch vợ chồng con cái đưa nhau về quê ăn Tết là căng thẳng, chồng chị quê Quảng Bình, ngồi xe khách ngót nghét 8 tiếng, ngày lễ Tết còn phải hơn. Nhưng khoảng cách thời gian không là vấn đề, điều làm chị căng thẳng hơn là không còn thời gian về ăn Tết cùng ông bà ngoại. Năm nào ra đến Hà Nội cũng mùng 4 âm lịch, nghỉ ngơi xong quay lại với công việc. Thành thử về với nhà ngoài gác lại đến rằm Tháng Giêng." 

 Thế nhưng, khi đã lấy chồng thì những người phụ nữ Việt luôn phải khắc ghi trong tâm trí câu nói ngàn đời “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Gần như phụ nữ Việt đều mong mỏi có một cái Tết có chồng con cùng về ngoại. Nhưng điều đó có phải quá khó khăn?. Có phải ai trong số họ dám nói ra nguyện vọng, tâm tư của chính mình.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

 N.A 25 tuổi, sống tại Hà Nội chia sẻ: “Tết năm nay mình về nội ăn Tết, vì cũng là năm đầu mới lấy chồng nên cũng không dám nói với chồng về nhà ngoại. Thú thực giáp Tết chỉ muốn về nhà với bố mẹ đẻ thôi. Nhưng phận đàn bà con gái, lấy chồng rồi phải phụng dưỡng bố mẹ chồng. Lấy chồng không chỉ là lấy người đàn ông mình yêu, còn cả bố mẹ chồng, họ hàng nhà chồng. Nghĩ thôi cũng buồn tủi lắm. Nhưng cứ an ủi long mình, Tết ở đâu chả được, đâu có chồng là mình hạnh phúc rồi”.

Khác với N.A, chị Thảo, quê ở Yên Bái lại có cuộc chiến nảy lửa với chồng, chị tâm sự: “ Vừa ăn xong ngày ông Công ông Táo, mình mở lời với chồng năm nay cả nhà về ngoại ăn Tết. Không nói không rằng chồng bỏ đi, đến tối về nhà say mèm quát tháo, mắng mình là phụ nữ ích kỷ, không biết nghĩ. Thậm chí anh còn định đánh mình vì mình phản kháng. Nhưng mình đã ăn Tết nhà chồng gần 3 năm nay, lúc nào cũng phải mùng 3 Tết âm lịch mới được về thăm bố mẹ đẻ. Thử hỏi mùng 3 Tết còn gì để sum vầy với bố mẹ”.

Tết nguyên đán được coi là dịp đoàn tụ, là Tết của tình thân, hầu như ai cũng muốn được ở bên ruột thịt, những người gắn bó với họ từ thời nhỏ. Từ đó nảy sinh mâu thuẫn khi chồng muốn về với bố mẹ đẻ của mình và vợ cũng vậy.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Lắng nghe, chia sẻ để Tết trọn vẹn

Một lần thôi, đấng mày râu đặt mình vào vị trí của vợ. Nếu nhìn thấy em chồng, hàng xóm có con gái về ăn tết cùng gia đình cảm xúc của vợ mình sẽ ra sao?. Lòng mình sẽ thế nào đã đằng đẵng mấy năm không thể về nhà cùng bố mẹ gói một chiếc bánh chưng, không gặp anh chị em đã cả năm không gặp mặt nhau?.

Cảm giác nhớ nhà, nhớ hơi ấm của người thân yêu nó lớn hơn tất cả những thứ tình cảm khác, cũng giống như người phụ nữ ấy yêu thương, một lòng một dạ vì chồng con.

Sự bất đồng về mong muốn, nảy sinh mâu thuẫn giữa vợ chồng khi đưa ra quyết định ăn Tết ở đâu là điều hầu như nhà nào cũng gặp phải. Vấn đề là, các đôi cần giải quyết khéo léo, để những lý do trên không chi phối, làm ngày Tết mất vui.

Vậy Tết ở đâu để cả nhà cùng vui đó mới là khó đối với những người có gia đình?.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Mang thiên chức làm mẹ, làm vợ chẳng phải người phụ nữ nào cũng cam chịu, nhưng để hoà giải định kiến trong lòng bố mẹ chồng, xoá bỏ lề thói xưa cũ chỉ còn cách ngồi lại với nhau.

Về phụ nữ, thay vì  xung đột, cãi vã với chồng hãy lắng nghe những điều chồng suy nghĩ. Phụ nữ lợi thế chỉ là đứa con, lời nói dịu dàng và tình yêu thương. Thử một lần nhẹ nhàng chia sẻ với chồng rằng: “Em thấy con lâu ngày không về thăm ông bà ngoại chắc ông bà cũng nhớ cháu lắm” hay “Chồng thấy sao nếu Tết này đón giao thừa cùng ông bà Ngoại, bố nói muốn ngồi với con rể uống vài ly đấy”. Đây không phải lờ nói dối, nó là những lời nói để gợi mở một câu chuyện,  gián tiếp đặt vấn đề để chồng có thể hiểu được ông bà ngoại cũng như ông bà nội, ai cũng thương con nhớ cháu.

Tìm đến mẹ chồng, nghe có vẻ ngược đời, nhưng biết đâu đây lại là nơi giúp giải toả nỗi lòng. Cùng phận đàn bà, cùng làm cha làm mẹ, tiếng lòng sẽ dễ được đồng cảm, thấu hiểu hơn. 

Cũng có thể nhìn vào hoàn cảnh để hai vơ chồng cùng nhau sắp xếp thời gian, Tết này nhà ngoại, Tết sau nhà nội. Hãy tôn trọng ý kiến của nhau, bởi xây dựng gia đình đó là gia đình của riêng hai vợ chồng. Vậy đâu cần phân chia bố mẹ chồng, bố mẹ vợ, quê nội, quê ngoại.

Chung một nhà, chung cả yêu thương.