19/01/2025 | 09:37 GMT+7, Hà Nội

Đã được khai sinh nhưng "đứa trẻ" không chịu lớn!

Cập nhật lúc: 03/12/2018, 20:01

Mặc dù việc xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản đã được “thai nghén” nhiều năm và được cấp “giấy khai sinh” nhưng đến thời điểm hiện tại quy hoạch bài bản cho hệ thống thông tin này vẫn chưa thể thành hình. Câu hỏi đặt ra, với tình trạng loạn thông tin vì không được kiểm chứng như hiện nay, bao giờ thị trường bất động sản Việt Nam mới thực sự minh bạch?

Quá trình "thai nghén"... dài lê thê

Trong khi thị trường bất động sản đang đối mặt với tình trạng loạn thông tin, báo cáo, khiến giới đầu tư rơi vào “ma trận” thì một hệ thống thông tin dữ liệu chính thống về nhà ở và thị trường bất động sản đã và đang rất được trông chờ.

Tuy nhiên, đã nhiều năm “thai nghén” nhưng hệ thống thông tin về thị trường bất động sản trên cả nước do Bộ Xây dựng chủ trì vẫn chỉ dừng lại ở việc… chuẩn bị. Thực tế, nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rất cụ thể, chi tiết về việc xây dựng, quản lý hệ thống thông tin dữ liệu chung về nhà ở, thị trường bất động sản và trách nhiệm của các bên liên quan. Theo đó, thông tin phải chính thống; xã, phường, quận, huyện phải liên thông với nhau trên cơ sở xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung.

Cuối năm 2017, Bộ Xây dựng cho biết, cơ quan này đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và hệ thống phần mềm kết nối đến sở xây dựng các địa phương phục vụ quản lý, vận hành khai thác hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Cụ thể, các địa phương phải bố trí ngân sách hằng năm cho việc điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; thu thập, cập nhật, bổ sung các thông tin, dữ liệu; tính toán, công bố các chỉ tiêu thống kê tại địa phương; xây dựng và ban hành quy chế phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan trong việc xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản địa phương.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đôn đốc sở xây dựng các tỉnh khẩn trương thực hiện lập kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và bố trí cán bộ phù hợp để sẵn sàng thực hiện quản lý, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương.

Dẫu vậy, hệ thống thông tin chính thống về nhà ở và thị trường bất động sản đến nay vẫn chưa có dấu hiệu được hình thành.

Tại cuộc họp báo quý II/2017 của Bộ Xây dựng, trả lời câu hỏi trách nhiệm của Bộ Xây dựng đến đâu trong việc xây dựng một hệ thống thông tin chuẩn mực, minh bạch, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, thừa nhận việc cần thiết phải có báo cáo về thị trường bất động sản. Cơ quan Nhà nước dựa vào hệ thống thông tin để đánh giá, còn doanh nghiệp cần để giao dịch, mua bán.

Tuy nhiên, ông Ninh cho rằng, hệ thống thông tin cần có thời gian và kinh phí từ trung ương đến địa phương, hiện chưa có thể làm được.

“Bộ Xây dựng phải tiến hành đầu tư hệ thống hạ tầng khá tốn kém khoảng 10 tỷ đồng. Ngoài ra, cần khảo sát, đấu thầu, thi công, đào tạo cán bộ nhân viên… Cần 1 - 2 năm nữa mới có thể bước đầu thực hiện được vấn đề này”, ông Ninh cho biết.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản ngày 24/3/2018, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Để phục vụ nhu cầu quản lý Nhà nước của ngành xây dựng, những năm trước đây, các đơn vị chức năng đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, tuy nhiên, tính công khai, tin cậy và minh bạch của những thông tin này vẫn còn những hạn chế.

Việc xây dựng một hệ thống thông tin minh bạch cho thị trường rất quan trọng nhưng vẫn phải chờ và dường như cơ quan chức năng vẫn đang bất lực trước việc hàng loạt báo cáo đang “dắt mũi” thị trường bất động sản. Tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”, loạn số liệu và vênh quan điểm vẫn đang là bài toán nhức nhối khi hệ thống thông tin chính thống của Bộ Xây dựng vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa được thành hình.

Vướng mắc ở đâu?

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguồn vốn chỉ là một yếu tố nhỏ chứ không phải là yếu tố cơ bản tác động đến quá trình triển khai xây dựng hệ thống thông tin mà vấn đề nằm ở chỗ chưa tổ chức quyết liệt để vận hành nó một cách hiệu quả nhất.

“Sự chậm trễ của chương trình này là do chúng ta cũng chưa thật sự làm quyết liệt, chưa có sự hợp tác của các tổ chức, đơn vị liên quan để thực hiện việc quản lý vận hành thông tin. Dẫn đến thông tin vẫn chưa kết nối thành một hệ thống mà vẫn đang rất rời rạc, chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau”.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Cùng bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết: “Vấn đề ở đây là phải chỉ ra rõ là ai phải chịu trách nhiệm cho hệ thống thông tin gì và ít nhất là phải có ba hệ thống thông tin theo tính chất của bất động sản chứ không thể tham vọng là ôm một cái trung tâm có tất cả hệ thống thông tin bất động sản vào đó. Như vậy rất khó khả thi.”

Theo đó, hệ thống thông tin bất động sản nên được kết hợp từ nhiều nguồn khác nhau vì đặc điểm của thông tin bất động sản rất đa dạng, phức tạp và quy mô lớn.

“Hiện nay vướng ở chỗ là khối lượng về thông tin bất động sản và đặc biệt là sự thay đổi của thị trường bất động sản là rất lớn. Với một mình Bộ xây dựng hay Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thì khả năng để tập hợp được thông tin và lọc ra những thông tin nào là đúng, thông tin nào là chưa chuẩn xác cần phải điều chỉnh, thông tin nào sai là rất khó.

Do đó, trước hết cần phân loại các thông tin bao gồm thông tin phục vụ mục đích quản lý (từ nguồn của các địa phương, cơ quan chức năng, Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản), thông tin kinh doanh (từ các doanh nghiệp môi giới) và thông tin cho đại chúng (từ các hiệp hội, câu lạc bộ bất động sản)", TS. Vũ Đình Ánh phân tích.

TS Vũ Đình Ánh.

TS Vũ Đình Ánh.

Bên cạnh đó, theo TS. Vũ Đình Ánh, rõ ràng cũng cần phải có sự trao đổi thông tin giữa ba hệ thống nêu trên để Bộ Xây dựng có thể kiểm soát chéo các thông tin, dữ liệu từ nhiều nguồn: “Bất động sản nó gắn với đất nhưng ở Việt Nam thông tin về đất lại do Bộ Tài nguyên – Môi trường quản lý. Còn thông tin về bất động sản xây trên mảnh đất đó thì lại thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng. Riêng việc việc trao đổi thông tin giữa hai cơ quan quan lý nhà nước cũng đã có bất cập, khó khăn chứ chưa nói đến việc xây dựng cả một hệ thống”.

Đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy tiến độ triển khai xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu cho thị trường bất động sản, ông Nguyễn Ngọc Thành cho rằng, công tác tuyên truyền, đốc thúc các chủ thể liên quan cũng như các địa phương thực hiện là rất quan trọng. Trước mắt, cần tổ chức các buổi tập huấn để các chủ thể liên quan có thể tiếp cận được một cách rõ ràng nhất với các nội dung trong việc xây dựng hệ thống thông tin để dễ dàng có sự kết nối.

Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh, bổ sung các biểu mẫu sao cho minh bạch, dễ hiểu nhất: “Đơn cử như những biểu mẫu mà chúng tôi nhận được, nó còn khá rắc rối. Nhiều nội dung trong các phần mềm nếu sàng lọc không cẩn thận thì sẽ dễ nhầm lẫn. Nhiều khái niệm mang tính chất chuyên ngành rất khó cho các đơn vị chỉ thuần túy kinh doanh có nhiệm vụ phải báo cáo các thông số của họ nên có thể dẫn đến sai lệch".

Ngoài ra, theo ông Thành, quan trọng hơn cả là phải có cơ chế để các địa phương và các doanh nghiệp chủ động vào cuộc, xây dựng và vận hành hệ thống thông tin.