19/01/2025 | 12:17 GMT+7, Hà Nội

Phát triển đô thị bền vững: Nói lý thuyết nhiều, hành động kém

Cập nhật lúc: 02/12/2018, 08:01

Hệ thống đô thị Việt Nam hiện đã phát triển khá mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, tốc độ tăng trưởng khá cao so với khu vực. Tuy nhiên, đánh giá từ một số chuyên gia, Việt Nam nói rất nhiều về lý thuyết thế nào là bền vững nhưng hành động rất kém.

Những thách thức trên con đường đi đến bền vững

Tại Hội thảo "Đô thị bền vững và sống tốt" được tổ chức mới đây tại Hà Nội, giới chuyên gia phân tích, tăng trưởng của các đô thị tại Việt Nam chưa đa dạng, phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên, năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế. Bên cạnh đó, thực trạng sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu, kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị còn yếu làm gia tăng chi phí vận chuyển, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, khói, bụi phổ biến ở các đô thị lớn.

Bên cạnh đó, các đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp. Một số đô thị thường xuyên phải ứng phó tình hình ô nhiễm môi trường, ngập úng như: TP.HCM, Hà Nội, hay nước kênh rạch bị nhiễm mặn tại các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tác động đến hệ thống giao thông, gây sạt lở đất ven sông, giảm diện tích đất nông nghiệp...

Vấn đề quan trọng hơn, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, mô hình tăng trưởng của các đô thị Việt Nam có thể rơi vào tình huống thiếu bền vững và việc phục hồi sẽ đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, trong đó, các hành động liên quan lĩnh vực đô thị thuộc nhóm ưu tiên cao, nhưng thực tế hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

Việt Nam đang đối mặt với sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, giao thông công cộng chiếm tỷ lệ quá thấp

Việt Nam đang đối mặt với sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, giao thông công cộng chiếm tỷ lệ quá thấp

Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho hay: “Đô thị của chúng ta phát triển không bền vững, chỉ cần một vấn đề của thiên nhiên không lớn lắm, không mạnh lắm nhưng đã đủ làm tê liệt đô thị. Chúng ta nói lý thuyết nhiều về thế nào là đô thị bền vững nhưng hành động rất kém. Đặc biệt khi đô thị hoá càng mạnh thì các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thoát nước càng kém, cản trở dòng chảy, ngày càng ngập hơn. Hơn nữa, những dự án đảm bảo cho phát triển bền vững cũng không rành mạch, rõ ràng làm cho đô thị lúc nào cũng nơm nớp, lo lắng”.

Theo KTS Phạm Thuý Loan, Việt Nam đang đối mặt với sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, giao thông công cộng chiếm tỷ lệ quá thấp. Các dự án giao thông công cộng quy mô lớn đang chậm trễ và chưa thể khai thác; không có sự quan tâm đầy đủ, công bằng đến quyền đi lại của người đi bộ và đi xe đạp, cùng với đó là vấn nạn tắc đường, ô nhiễm môi trường.

Con đường giải quyết vấn đề này theo bà Loan còn nhiều chông gai. Song bà cũng cho rằng có những việc có thể làm ngay, trong sự phối hợp đồng bộ để tạo hiệu quả cần thiết, thay vì đợi những quyết sách mang tính lớn lao của Chính phủ.

Cùng quan điểm, TS. Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, đô thị Việt Nam hiện nay có nhiều tồn tại như: sự hình thành và phát triển đô thị còn thiếu kiểm soát; hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, dễ dẫn đến ngập lụt và tác động của môi trường; khi phát triển đô thị còn dàn trải, nguồn lực còn thiếu và chưa được sử dụng hiệu quả, đặc biệt là việc sử dụng nguồn lực đất đai. Chính những hạn chế này đã khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức.

Học kinh nghiệm phát triển từ nước ngoài

Tại Hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong phát triển đô thị, GS.TS.KTS Tom Nielsen, Đại học Kiến trúc Aarhus, cho rằng Đan Mạch và Việt Nam có nhiều khác biệt xét trên nhiều phương diện. Về quy hoạch và thiết kế đô thị bền vững, có 3 vấn đề của Đan Mạch trong quy hoạch và kiến trúc đô thị, cảnh quan có thể phù hợp với các đô thị ở Việt Nam. Đó là không gian công cộng, thiết kế để người dân tiếp cận dễ dàng các khu vực có mặt nước và việc căn bằng sự thống lĩnh của xe hơi trong đô thị.

Cụ thể, với không gian công cộng, ông Tom Nielsen cho biết, đầu tư và lập quy hoạch cho không gian đô thị công cộng hấp dẫn hơn là trọng tâm chính của các thành phố tại Đan Mạch.

Bà Tina Saaby, KTS trưởng, Hội đồng thành phố Copenhagen (Đan Mạch)

Bà Tina Saaby, KTS trưởng, Hội đồng thành phố Copenhagen (Đan Mạch)

Cách thức thực hiện trong suốt 10 - 15 năm qua đã tạo ra một số không gian có vai trò quan trọng, mang lại không gian công cộng hấp dẫn cho nhiều nhóm người dùng khác nhau. Không gian công cộng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ một xã hội đồng nhất và quân bình sang xã hội có đặc điểm kinh tế, văn hoá đa dạng hơn. Không gian có thể giúp kết nối mọi người gần nhau hơn về cảm giác cũng như thực tế.

Về thiết kế, để người dân dễ dàng tiếp cận khu vực mặt nước, ông Nielsen cho biết nhiều thành phố của Đan Mạch đã xây dựng các công viên hoặc quảng trường trung tâm mới tại các địa điểm bến cảng trước đây để kết nối lại với biển.

Cuối cùng là cân bằng sự thống lĩnh của xe hơi trong đô thị. Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng đô thị hấp dẫn và bền vững ở Đan Mạch là giải quyết vấn đề lưu thông và cơ sở hạ tầng theo hướng ưu tiên cho người đi bộ, đi xe đạp và giao thông công cộng tại các trung tâm đô thị.

Tuy nhiên, vị giáo sư này cũng thừa nhận, cân bằng sự thống lĩnh (về mặt không gian, tiếng ồn, ô nhiễm, hiệu ứng rào cản…) của xe hơi là một thách thức lớn.

Bà Tina Saaby, KTS trưởng, Hội đồng thành phố Copenhagen (Đan Mạch), cho rằng: “Chính cuộc sống đô thị sẽ quyết định tính bền vững và đáng sống của thành phố. Tại Copenhagen, chúng tôi nghĩ về cuộc sống đô thị và về không gian đô thị trước khi thiết kế các toà nhà. Bởi vậy, yếu tố con người được nơi này chú trọng. Họ cho rằng, việc con người tiếp xúc với nhau là vô cùng quan trọng để có thể xoá bỏ những khoảng cách, trở ngại, tăng tính kết nối giữa người với người, từ đó tạo sự kết nối trong mối tương quan tổng thể ở một thành phố. Điều này ảnh hưởng đến thiết kế của các toà nhà và không gian đô thị tại Copenhagen”.

Theo bà Tina Saaby, để tăng tính kết nối, thành phố này khuyến khích bỏ đi những hàng rào, xây dựng thành phố rộng mở, thiên nhiên đô thị, dễ dàng đi lại giữa nhà ở và nơi làm việc, trường học, con người tin tưởng lẫn nhau.

Bởi vậy, yếu tố con người được nơi này chú trọng. Họ cho rằng, việc con người tiếp xúc với nhau là vô cùng quan trọng để có thể xoá bỏ những khoảng cách, trở ngại, tăng tính kết nối giữa người với người, từ đó tạo sự kết nối trong mối tương quan tổng thể ở một thành phố.

An Vũ