24/11/2024 | 09:06 GMT+7, Hà Nội

"Mắc kẹt" giữa lòng đô thị mới, chợ truyền thống cần thay đổi diện mạo thế nào?

Cập nhật lúc: 01/12/2018, 20:30

Việc "khoác áo mới" theo kiểu "hồn Trương Ba - da hàng thịt" cho các ngôi chợ truyền thống gần đây đều không thành công, sau khi được đập bỏ và xây mới, những chợ vốn sầm uất đều trở thành nơi đìu hiu, vắng khách. Cần một diện mạo như thế nào để các chợ truyền thống vẫn giữ được sức sống trong lòng các đô thị mới?

Chợ truyền thống không chỉ là “kênh” trao đổi, mua bán hàng hóa rộng lớn, đóng vai trò quan trọng trong cung ứng và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường cả nước mà còn như một nơi bảo toàn giá trị ký ức từ địa điểm nơi chốn, bảo toàn giá trị văn hóa của người Việt.

Tuy nhiên, việc "khoác áo mới" những chợ truyền thống thành trung tâm thương mại gần đây liên tục thất bại. Trong khi đó, những chợ cóc, chợ tạm nhếch nhác gây nguy hiểm về an toàn cháy nổ lại đang tồn tại song hành bên cạnh những khu đô thị mới hiện đại tạo ra nét vẽ nguệch ngoạc. Ứng xử thế nào với mô hình chợ truyền thống trong bối cảnh đô thị hoá? Liệu chợ truyền thống có bị "xoá sổ" để thay thế bằng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sạch sẽ, văn minh? Phải chăng, những nhà đầu tư chỉ nhìn chợ truyền thống là mảng bất động sản béo bở để biến nó thành tổ hợp thương mại mà quên đi cá cốt lõi cần gìn giữ?

Cà phê cuối tuần này sẽ bàn luận xoay quanh vấn đề này. Xin được giới thiệu, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội; ông Doãn Công Khánh, Viện Nghiên cứu Công Thương; bà Trần Kiều Thanh Hà, Quản lý dự án Thành phố sống tốt, thuộc tổ chức HealthBridge Canada.

PV: Thưa các chuyên gia, trong xu hướng phát triển của các đô thị lớn hiện nay như Hà Nội, TP.HCM, mô hình chợ truyền thống đang có xu thế được chuyển đổi thành các trung tâm thương mại.Các chuyên gia nhận định gì về xu hướng này?

Ông Vũ Vinh Phú:Hà Nội là địa phương điển hình chuyển đổi một số chợ thành trung tâm thương mại, ví dụ như chợ Hàng Da, Ô Chợ Dừa, cửa Nam, chợ Trương Định... nhưng tôi cho rằng những nơi này đã thất bại đến 90%, ngay từ thiết kế, mục đích cải tạo, chuyển đổi chợ đã “hỏng”.

Bất cập đầu tiên là việc bà con tiểu thương bị "nhồi" xuống tầm hầm dưới cùng, buôn bán khó khăn, giá sạp cao trong khi bên trên là khu vực sầm uất của các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, spa phục vụ người ở tầng lớp cao hơn, vì thếsau khi được cải tạo, xây mới, nhưng chợ này thương vắng khách, buôn bán ế ẩm.

Bên cạnh đó, việc cải tạo chợ không chỉ phục vụ nơi buôn bán cho các bà con tiểu thương cũ mà còn nhằm mục đích giảm chợ cóc, chợ tạm, đưa những hộ kinh doanh đó về chợ mới xây.Tuy nhiên, mục đích cải tạo này không đạt được vì sau đó, Hà Nội vẫn tồn tại hàng trăm chợ cóc, chợ tạm.

Tất cả những bất cập đó khiến việc cải tạo chợ thành trung tâm thương mại thực sự là thất bại, chỉ “béo” cho một số nhóm lợi ích. Những mảnh đất ở các vị trí vàng được xâu xé trong khi mục đích cải tạo chợ ban đầu không thành công.

Bà Trần Kiều Thanh Hà: Chợ truyền thống là một yếu tố cấu thành nên đô thị giống như những không gian công cộng khác: công viên, vườn hoa, cây xanh... Gìn giữ mô hình chợ truyền thống trong quá trình phát triển đô thị mới là điều tất yếu. Đặc biệt, ở Hà Nội, chợ không chỉ là nơi cung cấp thực phẩm tươi sống với giá phải chăng, góp phần tích cực trong tiêu thụ nông sản khu vực nông thôn Hà Nội mà chợ còn giúp giải quyết việc làm cho lao động phổ thông địa phương, đặc biệt là các lao động chuyển đổi nghề do thu hồi đất nông nghiệp.

Xóa bỏ chợ hoặc đưa chợ vào trung tâm thương mại thực sự chưa có hiệu quả, đặc biệt trong tình hình kinh tế phát triển của Hà Nội hiện nay. Đối với hiện trạng chợ xuống cấp, nhếch nhác đòi hỏi chính quyền địa phương, thành phố tập trung vào nâng cấp cải tạo hoặc xây mới các chợ chứ không phải là xóa bỏ đi thay mới bằng các siêu thị, trung tâm thương mại và cho rằng đó là phù hợp hơn với văn minh đô thị. Giống như ngôi nhà của chúng ta, khi đã cũ và xuống cấp chúng ta sửa sang xây mới chứ không phải là bỏ hẳn.

Ông Doãn Công Khánh: Chợ có những ưu thế là tiện lợi cho người mua, giá cả phải chăng và phù hợp với tâm lý tiêu dùng của người Việt.Thực tế chợ truyền thống là hình ảnh đã quen thuộc với người Việt từ lâu và đến nay vẫn có sức sống. Bài học thực tiễn cho thấy nhiều nơi muốn xóa bỏ, xây mới nhưng vẫn thất bại. Gần đây nhất là chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), dự kiến chuyển thành trung tâm thương mại nhưng gặp phải sự phản đối của đa số tiểu thương và người dân.

Chợ truyền thống của người Việt không chỉ là kênh tiêu thụ nông sản đơn thuần mà còn là nơi kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của một đô thi mang bản sắc Việt. Vì vậy, trước khi quy hoạch lại chuyển đổi công năng…cần phải cân nhắc, suy xét cho thấu đáo.

PV: Nhưng trên thực tế, nhiều chợ truyền thống của người Việt đang rất nhếch nhác, tạo ra những nét vẽ nguêch ngoạc trong bức tranh đô thị hiện đại, trong khi đó, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị đang được mọc ra rất nhiều như một xu hướng mới trong thị trường bán lẻ?

Ông Vũ Vinh Phú: Hà Nội hiện có tổng số 414 chợ, trong đó chỉ có 10% là chợ loại 1, còn lại là loại 2, 3,4 và theo báo cáo của Sở Công Thươngcó nămHà Nội không có đồng tiền nào để cải tạo chợ. Trong khi đó, hiện mới chỉ có 20% nông sản được bán ở siêu thị còn 80% vẫn ở chợ. Phải chăng chúng ta đang cọi trong quá vào ngành bán lẻ. Rõ ràng ở đây có sự lệch pha giữa chợ và siêu thị.

Chợ gặp các vấn đề nan giải từ cấp thoát nước đến vệ sinh môi trường, chứng nhận thực phẩm, ngay cả hạ tầng mái che cũng thô sơ, dây dợ lằng nhằng... trong khi chợ chiếm đến 80% bán lẻ.

Hiện tại, nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước có sự tương đồng về văn hóa với Việt Nam đang quan tâm đến việc cải tạo và xây dựng chợ truyền thống bởi, đây không chỉ là nơi để người dân có thể mua trực tiếp được các sản phẩm tươi ngon mà còn là nơi giao lưu văn hóa. Khi vào chợ ở các quốc gia đó, người ta có thể mặc váy, mặc quần tây sạch sẽ còn vào chợ của chúng ta thì phải sắn quần cao vì sợ... bẩn.

Đúng là hiện nay, có tình trạng, ở các khu đô thị mới,bên cạnh những tòa nhà cao tầng được xây dựng khang trang, hiện đại, phía dưới lại xuất hiện chợ cóc, mổ gà mổ cá, bốc mùi hôi thối.

Theo mục tiêu đến năm 2030, siêu thị chiếm khoảng 40% đồng nghĩa với việc chợ lvẫn chiếm đến 60% hệ thống bán lẻ.

Ông Doãn Công Khánh:Tôi nghĩ rằng ở các đô thị mới vẫn nên duy trì mô hình chợ truyền thống vì nó gắn với chiều dài lịch sử và tồn tại trong tâm trí nhiều thế hệ. Tuy nhiên, ở đô thị, chợ cần sạch và văn minh.

Một thành phố có nhiều loại hình kinh doanh khác nhau như cửa hàng tiện lợi, cửa hàng truyền thống, siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại... song chợ vẫn có sức sống trường tồn. Câu chuyện đặt ra cho người làm quản lý và quy hoạch là vị trí của chợ, giải quyết vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy …

Nhà nước có nhiều chủ trương và chính sách về chợ, nhưng đôi khi ngân sách hạn hẹp, địa phương rất muốn xã hội hóa nhưng xảy ra bất cập khi kêu gọi đầu tư. Người bỏ vốn kinh doanh cải tạo, nâng cấp, thực hiện dịch vụ trong chợ luôn cần phải thu lợi nhuận sớm nhất, nhanh nhất và nguyên tắc là phải có lãi, đó nguyện vọng chính đáng. Một bên là doanh nghiệp, một bên là người dân, đây là bài toán đang đặt ra cho các nhà quản lý. Ngoài ra, nơi này, nơi kia, diện tích đất làm chợ lại được tính toán, chuyển đổi sang làm việc khác có lợi nhuận hơn thì khi đó là hi sinh lợi ích của cộng đồng cho một lợi ích khác.

Nhìn vào chợ Bến Thành chúng gợi nhớ một Sài Gòn xa xưa thân thuộc, nhìn vào hình ảnh chợ nổi ở các tỉnh miền Tây chúng ta thấy được nét đẹp văn hóa địa phương, vùng miền.

Như vậy câu chuyện quy hoạch, xây mới, cải tạo, nâng cấp…chợ đòi hỏi phải đổi mới tư duy của người lãnh đạo, từ cấp phường đến thành phố. Để hình thành quy hoạch chợ phải kết hợp tư duy của người quản lý, người có chuyên môn thương mại, sự đánh giá nhu cầu dân cư sở tại và khách vãng lai

PV: Hiệp định CTPPP đã có hiệu lực tại Việt Nam hứa hẹn sẽ thúc đẩy phát triển ngành thương mại bán lẻ, nhiều nước sẽ mở chuỗi hệ thống cửa hàng, hệ thống bán lẻ ở nước ta theo từng ngành hàng, theo từng địa lý như (hàng Thái, hàng Nhật...). Theo các chuyên gia, chợ truyền thống sẽ đối mặt với những thách thức và thay đổi như thế nào?

Bà Trần Kiều Thanh Hà: Trong bối cảnh phát triển thêm nhiều kênh thương mại bán lẻ thì chợ truyền thống càng có vai trò quan trọng, bởi chợ là kênh phân phối hàng hóa địa phương đến người tiêu dùng, có vai trò quan trọng với nền sản xuất kinh tế của địa phương. Tuy nhiên để hoạt động hiệu quả thì cần phải tăng sức cạnh tranh với các hệ thống bán lẻ đang vào Việt Nam bằng cách đa dạng hàng hóa địa phương, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, văn minh mua bán ở chợ cần được cải thiện.

Một số thành phố trên thế giới từng xảy ra tình trạng để cho tập đoàn kinh tế tư nhân thống trị hoàn toàn mạng lưới bán lẻ nhưng đến khi tập đoàn gặp vấn đề về mặt tài chính, khủng hoảng đã kéo toàn bộ hệ thống bán lẻ bị khủng hoảng theo. Trong khi đó, chúng ta nhìn ở góc độ chợ, gồm nhiều tiểu thương khác nhau nên chợ ít bị ảnh hưởng nếu một vài tiểu thương đóng cửa.

Một nền kinh tế có thể tồn tại đa dạng loại hình kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc tồn tại chợ không hề ảnh hưởng đến việc phát triển của trung tâm thương mại bởi hai mô hình này phục vụ các nhu cầu mua sắm khác nhau nên không hề đe dọa đến sự phát triển của nhau.

Ông Doãn Công Khánh: Khi chúng ta hội nhập thì bắt buộc phải tuân theo luật chơi. Người nước ngoài có tiềm lực về vốn, họ thường áp dụng các mô hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại….

Ngược lại, ở Việt Nam có đặc thù riêng. Chợ truyền thống vẫn có cái hay của chợ vì nó rất “hợp gu” của người Việt. Nếu so với các mặt hàng công nghệ, điện tử, Việt Nam không thể sánh bằng các nước nhưng chúng ta có thế mạnh về nông sản vùng miền. Những sản phẩm như gốm Bát Tràng, chè Thái Nguyên, vải, nhãn…các mặt hàng đặc sản địa phương vẫn có sức hút ở với người dân ở các thành phố lớn.

Gần đây mô hình cửa hàng Vinmart đang len lỏi vào từng phố, phường, chọn những vị trí đẹp, sản phẩm nông sản rau, củ quả sạch và các thực phẩm thiết yếu hàng ngày phong phú. Có thể nói mô hình này là bước đầu đánh dấu sự đổi mới của nhà đầu tư trong nước để có thể cạnh tranh khi ngành thương mại bán lẻ mở cửa và hội nhập.

Ông Vũ Vinh Phú:Trong bối cảnh hiện tại, chợ không phải chỉ cạnh tranh với nhau mà còn giữa các loại hình kinh doanh hiện đại khác.

Chợ bao gồm các yếu tố cơ sở vật chất, con người phục vụ và nguồn hàng. Trong khi đó, nguồn hàng trong các chợ hiện nay của chúng ta "5 cha 3 mẹ" không biết nguồn gốc ở đâu, không niêm yết giá.

Cuối cùng là vai trò của chính quyền phường, quận ở đâu? Đáng lẽ, lãnh đạo phải gần chợ, phải đi chợ, phải hiểu chợ, phải thương chợ vì chợ đang đóng góp 80% doanh số bán lẻ cho Hà Nội và các tỉnh. Đặc biệt, chợ có thể coi là một sản phẩm của ngành du lịch. Khách du lịch họ không cần siêu thị vì nước họ có nhiều và còn đẹp hơn siêu thị của chúng ta. Do đó, bản thân lãnh đạo các thành phố phải coi chợ là một khâu bán lẻ rất quan trọng vừa thúc đẩy sản xuất vừa thúc đẩy thu nhập của người dân và thành phố.

PV: Vậy câu chuyện quy hoạch chợ ở các đô thị hiện nay cần như thế nào thưa các chuyên gia?

Ông Doãn Công Khánh: Khi quy hoạch chợ, phải dự kiến được dung lượng của chợ, gắn với tổ chức giao thông, phòng cháy, chữa cháy, khoảng cách giữa các chợ trong phường, quận…nghĩa là quy hoạch chợ ở một khu dân cư nào đó phải dự báo được lưu lượng người bán, lưu lượng người mua, càng cụ thể chi tiết càng tốt. Ở đây đòi hỏi tầm nhìn, cách làm, sự kết hợp đồng bộ của nhà quản lý và nhà quy hoạch mới có một quy hoạch có hiệu quả, thiết thực.

Ông Vũ Vinh Phú: Ở Singapore, chợ của họ có 3 tầng, trên cùng bán đồ khô, tầng mặt đất bán đồ ướt và tầng phía dưới hầm là chỗ để xe. Ở Tây Ban Nha hay Pháp chợ đầu mối cũng rộng vài trăm ha. Với bài học từ nước ngoài thì quy hoạch chợ tại Hà Nội hay bất kỳ thành phố nào cũng phải khoa học, đan xen với khu dân cư và hài hòa với xu hướng phát triển của siêu thị. Chợ thấp tầng nhưng phải sạch đẹp, văn minh chắc chắn sẽ thu hút. Quan trọng hơn là chính sách thuế, phí, chính sách thu hút người dân vào với chợ.

Bà Trần Kiều Thanh Hà: Một trong những giải pháp nên làm sống lại các chợ truyền thống chính là cải tạo, kiến trúc lại mới để phù hợp với thói quen mua bán của người dân phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của thành phố, phù hợp với cảnh quan kiến trúc của đô thị mới.

Tuy nhiên việc cải tạo một khu chợ không phải là thay đổi hoàn toàn các chức năng của khu chợ hay làm thay đổi gốc rễ vận hành nó, mà chúng ta chỉ cải thiện về cơ sở hạ tầng hay làm tăng thêm những trải nghiệm tốt của khách hàng khi đến khu chợ. Đặc biệt việc cải tạo, xây mới chợ phải đảm bảo không làm tăng thêm các khoản chi phí đối với tiểu thương.

Hà Nội nói riêng vốn là một thành phố rất nhiều chợ, gần như bước chân ra cửa là thấy chợ. Đối với các đô thị mới hiện nay thì khi quy hoạch xây dựng, chợ chưa được chú trọng, thường chỉ mới quan tâm đến các loại hình như cửa hàng tiện ích, siêu thị và tưởng chừng đã đáp ứng nhu cầu người dân. Nhưng thực tế tại nhiều khu đô thị hiện đại, người dân vẫn xách làn đi chợ. Điều đó cho thấy các khu dân cư vẫn có nhu cầu về chợ, nhà quy hoạch và các chủ đầu tư không nên bỏ qua.

Xin cảm ơn các chuyên gia!