24/11/2024 | 13:33 GMT+7, Hà Nội

Đã biết “bắn nhầm quân mình”, sao cứ bắn mãi?

Cập nhật lúc: 16/07/2019, 14:01

Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ để tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thì nay tôi rất bất ngờ khi được thông tin, Bộ Tài chính biết “bắn nhầm quân mình” mà vẫn để cấp dưới bắn mãi.

 

Đó là câu chuyện mà mấy hôm nay, dư luận đã nóng lên khi được biết những bất hợp lý trong khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 đã được nhiều hội thảo khoa học, các chuyên gia phát hiện, phản biện và kiến nghị, được Thủ tướng cho ý kiến yêu cầu sửa đổi, mà đến nay vẫn... trơ như đá, vững như đồng.

Đến nỗi, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết ngành Tài chính sáng 12/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khinhắcngành Tài chính cần lưu ý về công tác xây dựng thể chế, ban hành văn bản, đã dẫn ra vấn đề khống chế lãi vay đối với các doanh nghiệp liên kết quy định tại Nghị định số 20 như là một ví dụ. Ông nói: "Thủ tướng 3 lần đều nhắc đến chuyện này rồi"(!?).

Chẳng là vào tháng 5/2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết chính thức có hiệu lực.

Cụ thể, khoản 3, điều 8 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế" - tức 20% EBITDA. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.Nghị định 20 và Thông tư 41/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành đã đưa ra theo hướng cụ thể, chi tiết hơn so với các quy định trước đây về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết về nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo các chuyên gia, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Đồng thời mức trần lãi vay 20% đang là con số gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn nhất là những lĩnh vực đặc thù, cần nguồn vốn lớn như bất động sản.

Luật sư Trương Thanh Đức chỉ rõ, khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau về cơ bản, chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam.

ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản diễn ra mới đây, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá: “Nghị định 20 có rất nhiều quy định nhưng chúng tôi chỉ nói về khoản 3 điều 8. Quy định này đặc biệt ảnh hưởng tới các doanh nghiệp lớn trong nước, nếu áp theo thì mỗi năm họ phải nộp thêm mấy trăm tỷ tiền thuế cho ngân sách nhà nước. Dĩ nhiên, nộp đúng thì không sao nhưng khoản này không đúng…

Các tập đoàn lớn đứng ra vay tiền, cho vay chỉ là vay nội bộ tập đoàn thôi. Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính giải thích là để chống chuyển giá nhưng lại bắn trượt mục tiêu, bắn trúng quân ta, toàn bắn vào doanh nghiệp mình. Nói nặng thì là vi phạm nhưng nói nhẹ thì là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Trước những bất cập của nghị định 20 mà các chuyên gia phân tích, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần phải bãi bỏ khoản 3 điều 8 của Nghị định 20: “Nghị định 20 là trái với quy định của luật. Nếu trái quy định Hiến pháp thì chắc chắn phải bãi bỏ và phải thay thế bằng một văn bản khác. Theo quy định thì có thể bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần, không thể nói trái luật mà không bãi bỏ được. Chúng ta sẽ trả lời thế nào nếu Chính phủ ban hành một văn bản sai luật?

Thứ hai, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh quy định, mục đích ban đầu của Nghị định này là chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, áp dụng với các giao dịch liên kết. Và theo như thông lệ quốc tế đó là xuyên biên giới, khi sửa lại Nghị định cũng cần xem lại phạm vi đối tượng áp dụng.

Về cách làm, tôi cho rằng, Nghị định phải dừng lại, hoặc Chính phủ tự mình sửa hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, là cơ quan có quyền yêu cầu Chính phủ hoặc một số Ủy ban có liên quan của Quốc hội như Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Ngân sách... cần ngồi lại để bàn, gỡ cho doanh nghiệp. Trong trường hợp ban hành văn bản gây khó khăn cho doanh nghiệp thì cần phải có chính sách giải quyết, bồi thường”…

Mãnh liệt như thế, minh bạch như thế, lý lẽ như thế mà không hiểu sao, Bộ Tài chính vẫn không thay đổi.

Có người ví “thương trường là chiến trường”. Tôi cũng không cực đoan quá đến như thế, vì nếu ở chiến trường, biết là bắn nhầm quân mình mà cứ tiếp tục bắn nữa, thì điều gì sẽ xảy ra? Dứt khoát sẽ chỉ có một từ, bạn đọc có suy ra được từ gì không?

Nhưng cho dù không phải “là chiến trường” chăng nữa thì một khi Thủ tướng đã yêu cầu, các chuyên gia và các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, “quân ta đang bắn quân mình” thì cũng phải tìm cách mà ngừng ngay chứ! Thế mà để Thủ tướng phải nhắc đến 3 lần, đúng là quá sức tưởng tượng về tính kỷ luật trong một bộ máy!

Thế mới biết, tại sao Chính phủ nóng, doanh nghiệp nóng mà phần kết nối ở giữa vẫn lạnh. Có lẽ vì “tính dẫn nhiệt” không được cao lắm mà thôi!

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/da-biet-ban-nham-quan-minh-sao-cu-ban-mai-37624.html