Chủ tịch VNREA chỉ ra 4 lý do cần phải sửa đổi Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20
Cập nhật lúc: 15/12/2018, 09:30
Cập nhật lúc: 15/12/2018, 09:30
Theo ông Nguyễn Trần Nam, quy định tại Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp, bởi những lý do:
Thứ nhất, Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định quyền của doanh nghiệp được "tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm". Quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20 chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh.
Thứ hai, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp khởi nghiệp, các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế. Từ đó, có thể khiến họ rụt rè trong vấn đề mở rộng hoạt động đầu tư.
Nếu áp theo điều khoản này, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ bị tính thành 2 lần, nguy cơ “lỗ chồng lỗ”, do vậy, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng về những bất cập của việc khống chế chi phí vay của Nghị định 20. Theo ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, phân tích của các chuyên gia, cơ quan báo chí - truyền thông, khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 về áp trần lãi vay đang quy định không rõ ràng, minh bạch về đối tượng áp dụng, đồng thời đang có nhiều cách hiểu dẫn đến việc áp dụng có thể sai lệch và gây hoang mang cho các doanh nghiệp.
Thứ ba, quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta. Mô hình này được đánh giá là tiên tiến, vừa giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn, vừa tối ưu vì hoạt động điều phối sẽ được tập trung về một đầu mối là công ty mẹ. Các công ty con sẽ chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh.
Nếu các doanh nghiệp không có động cơ chuyển giá, ví dụ như họ có quan hệ giao dịch vay vốn giữa công ty mẹ và công ty con, thuế suất của họ là bằng nhau, đều áp dụng một mức thuế suất phổ thông, không có ưu đãi thuế thì họ phải thuộc trường hợp không bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20. Còn nếu không phân định rõ mà khống chế lãi vay cả những trường hợp này, tất yếu sẽ tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.
Việc đặt ra quy định này là nhằm chống gian lận thuế khi kê khai giá giao dịch liên kết. Điều này thường chỉ phát sinh khi có sự chênh lệch thuế suất. Giao dịch giữa hai công ty trong và ngoài Việt Nam thì có chênh lệch thuế suất (do thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại mỗi quốc gia là khác nhau). Tuy nhiên, giao dịch giữa hai công ty tại Việt Nam thì rất hiếm trường hợp có sự chênh lệch thuế suất (trừ khi một trong hai công ty đang thuộc diện được ưu đãi thuế). Do đó mà việc kiểm soát giá của giao dịch này là không cần thiết.
Có ý kiến cho rằng Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 này là nhằm lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp, để các doanh nghiệp không đi vay nợ quá nhiều mà cần phải có vốn tự có. Cách giải thích này cũng không thực sự thuyết phục. Theo quan điểm của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cơ quan quản lý Thuế cần đánh giá đầy đủ các hiệu ứng tiêu cực từ quy định này gây ra như hạn chế khả năng liên kết, cản trở sự hình thành các tập đoàn tư nhân trong nước lớn, đủ sức cạnh tranh quốc tế như chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thứ tư, đây là Nghị định áp dụng chung cho cả doanh nghiệp của nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam.
Về mức trần lãi vay 20%, theo thống kê của các đơn vị thành viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đây là con số gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp cần nhiều vốn như bất động sản, y tế, nông nghiệp... Môi trường đầu tư hiện nay là bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, trong pháp luật về thuế lại càng phải bình đẳng. Tuy nhiên, với những lĩnh vực đặc thù, cần lượng vốn đầu tư lớn thì phải nghiên cứu lại tỷ lệ khống chế trần lãi vay.
Ngoài ra, việc áp dụng quy định nên có lộ trình và tham khảo thông lệ quốc tế BEPS cũng như có sự cân nhắc đến thực tế phát triển và cơ cấu vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện nay của Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, trước hết, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị cần tạm dừng áp dụng để thay đổi hoặc diễn đạt lại khoản 3 điều 8 Nghị định 20 cho rõ ràng hơn để chỉ hiểu theo một cách mà không theo nhiều cách, gây hỗn loạn và hoang mang cho doanh nghiệp.
Trước những bất cập của Nghị định 20; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có ý kiến, đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, đưa ra cơ sở việc khống chế mức trần chi phí lãi vay sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp. Đặc biệt, đối với các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế.
Kết luận hội thảo, sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, chủ tịch Nguyễn Trần Nam đã chỉ ra lợi - hại của Nghị định 20, đặc biệt là khoản 3 điều 8, cái lợi là chống chuyển giá nhưng bất cập lại rất rõ. Lợi ích chẳng đáng bao nhiêu, trong khi đó, lại đang tác động lớn đến tâm lý, ảnh hưởng lớn dến các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra các kiến nghị: Thứ nhất là bỏ Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20. Thứ hai là kiến nghị hoãn, lùi thời hạn thực hiện, hoặc kiến nghị quy định giao dịch liên kết là chỉ tính cho giao dịch xuyên biên giới.
Ông Nguyễn Trần Nam cũng cho biết, sau Hội thảo, Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp để kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về những nội dung bàn thảo về Nghị định 20.
12:14, 14/12/2018
15:00, 03/12/2018
09:20, 29/11/2018
04:30, 23/11/2018