19/01/2025 | 11:54 GMT+7, Hà Nội

[LIVE] Hội thảo Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ

Cập nhật lúc: 14/12/2018, 12:14

Đúng 9h30 ngày 14/12/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - 11A, Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ.

F5 để cập nhật...

10h30: Bà Đinh Mai Hạnh, Phó TGĐ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam tham luận:

Một trong những điểm thay đổi chính trong Nghị định 20 là mức khống chế chi phí lãi vay được tham chiếu đến Chương trình hành động số 4 của BEPS.

Đối tượng chính mà BEPS hướng đến là các Tập đoàn đa quốc gia có thể lợi dụng chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước khác nhau và dùng công cụ vốn vay để điều chuyển lợi nhuận của các công ty thành viên trong Tập đoàn với mục đích tránh thuế.

Với mục tiêu ban đầu như vậy, nhưng trên thực tế việc áp dụng khống chế chi phí lãi vay ở Việt Nam đã và đang tạo ra nhiều vướng mắc cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các Tổng công ty, Tập đoàn hoặc các công ty sử dụng vốn vay lớn trong giai đoạn đầu tư, hoặc có nhu cầu vay vốn lưu động thường xuyên.

Về tính pháp lý của Nghị định 20:

Việc quy định khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 20 không được quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng làm nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc sử dụng văn bản nào để áp dụng, vì Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Về đối tượng và phạm vi áp dụng của Nghị định 20:

Nội dung của Điều 8, Nghị định 20: “Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù”, nhưng tại Nghị định 20 và thông tư hướng dẫn chưa có định nghĩa cụ thể về “giao dịch liên kết đặc thù”, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc xác định doanh nghiệp mình có phát sinh giao dịch liên kết thuộc phạm vi áp dụng Điều 8 hay không.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi là nếu doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết tức là thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 20, nhưng giao dịch này không liên quan đến giao dịch vay vốn, vậy liệu chi phí lãi vay trả cho ngân hàng thương mại trong nước có chịu mức khống chế theo Điều 8, Nghị định 20 không?

Thiết nghĩ, quy định này nên chỉ áp dụng khi doanh nghiệp có giao dịch vay vốn từ bên liên kết. Đồng thời, phần khống chế chỉ nên tính trên phần chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết, không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp phát sinh lãi tiền vay từ giao dịch vay với các bên độc lập (các ngân hàng, tổ chức tín dụng,...).

Thời hạn hiệu lực của Nghị định 20:

Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2017. Việc khống chế tổng chi phí lãi vay tạo ra rào cản trong việc cho vay nội bộ trong Tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, làm phát sinh thêm chi phí do đánh thuế trùng đối với một giao dịch kinh doanh: bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế.

Để giải quyết vấn đề này, Chương 5, Chương trình hành động số 4 của BEPS có đề cập đến việc chi phí lãi vay dùng để tính mức khống chế là chi phí lãi vay thuần, tức là phần chênh lệch sau khi bù trừ chi phí lãi vay với thu nhập từ lãi vay trong kỳ.

Điều này sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng tới các hình thức huy động vốn và cho vay lại giữa công ty mẹ và các công ty thành viên. Ngoài ra, BEPS cũng giới thiệu hai khái niệm tính mức khống chế lãi vay theo tỷ lệ cố định ví dụ như 10% - 30% EBITDA, hoặc tính theo tỷ lệ Tập đoàn như được đề cập ở Chương 7, Chương trình hành động số 4. BEPS còn khuyến nghị trong trường hợp này các công ty thành viên có quyền được lựa chọn cách tính nào có lợi hơn, tức được khấu trừ nhiều chi phí lãi vay hơn.

Một trường hợp khác là đối với các doanh nghiệp bất động sản cần nguồn vốn rất lớn và hoạt động kinh doanh theo chu kỳ, việc áp dụng mức khống chế lãi vay trong giai đoạn đầu tư (đối với chi phí lãi vay không được vốn hóa) và khống chế chi phí lãi vay đứt đoạn theo từng năm sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, không phản ánh đúng chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Chương 8, Chương trình hành động số 4 của BEPS cũng khuyến nghị nên cân nhắc về thời điểm áp dụng mức khống chế chi phí lãi vay hoặc cho phép áp dụng cơ chế chuyển tiếp chi phí lãi vay vượt mức khống chế sang khấu trừ vào kỳ sau. BEPS cũng khuyến nghị việc khấu trừ chi phí lãi vay theo tỷ lệ Tập đoàn như đề cập ở trên để giảm tác động đến người nộp thuế trong trường hợp bị lỗ.

Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm các quy định và thông lệ quốc tế, đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn cho các mô hình hoạt động và ngành nghề đặc thù điển hình như hình thức huy động vốn thông qua mô hình công ty mẹ - con vì mục đích phát huy hiệu quả các hoạt động kinh tế hợp pháp của Tập đoàn, hoặc các công ty phải sử dụng nguồn vốn rất lớn như lĩnh vực bất động sản. Việc áp dụng quy định nên có lộ trình và tham khảo thông lệ quốc tế BEPS, thực tiễn áp dụng ở các nước để quy định mang tính khả thi và thực sự đi vào đời sống của cộng đồng doanh nghiệp.

10h10: Luật sư Trương Thanh Đức tham luận:

Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là cần thiết, tuy nhiên, cơ sở pháp lý và nội dung đang được quy định tại Nghị định số 20 còn những điểm chưa hợp lý, cụ thể như sau: 
Không đủ cơ sở pháp lý:

“Giao dịch liên kết” bị hạn chế quyền của cá nhân và pháp nhân, nên phải được điều chỉnh trong một đạo luật theo quy định tại khoản 2, Điều 2 về “Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trong khi đó, cụm từ “giao dịch liên kết” mới chỉ được giải thích trong khoản 3, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” và Điều 5 “Các bên có quan hệ liên kết” (tương tự quy định về “người có liên quan”), Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Ngoài ra, cụm từ “giao dịch liên kết” cũng được đề cập đến trong quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt và việc chuyển giao công nghệ.

Như vậy, việc quy định hạn chế trong “giao dịch liên kết” chỉ bảo đảm cơ sở pháp lý sau khi đã được quy định trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét thông qua.

Quy định không hợp lý:

- Thứ nhất, trường hợp doanh nghiệp thật sự phải chi trả chi phí lãi vay cao hơn tỷ lệ khống chế nói trên, thì quy định của Nghị định là trái luật, vi phạm quyền huy động vốn từ mọi nguồn một cách hợp pháp để phục vụ nhu cầu kinh doanh.

- Thứ hai, quy định “tổng chi phí lãi vay” “không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần...” không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”. Vì nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu; trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và cá nhân, doanh nghiệp khác. Do đó, nếu “tổng chi phí lãi vay” trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận;

- Thứ ba, trong mọi trường hợp, tỷ lệ 20% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế.

Áp dụng không hợp lý:

Về thực chất, Nghị định này chủ yếu nhằm vào mục tiêu chống chuyển giá và chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt là quy định tại Điều 10 về “Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết” và Khoản 1, Điều 11 về “Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết” của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

Khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, về mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau, thì về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam.

Do vậy, nếu các cơ quan thuế bắt bẻ các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp tổng số thuế phải nộp tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không giảm đi hoặc giảm một cách không đáng kể là quá máy móc, không cần thiết, không đúng với tinh thần và mục đích quy định của pháp luật.

9h50: TS. Cấn Văn Lực tham luận: 

Bản chất vấn đề lách thuế thông qua chi phí lãi vay: Theo quy định về thuế, tiền trả lãi vay được tính vào chi phí khấu trừ thuế, chính vì vậy, doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp FDI) có thể nâng chi phí lãi vay bằng 2 cách:

Một là thông qua các khoản vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, theo đó công ty mẹ cho công ty con hoạt động ở nước ngoài vay những khoản vay lớn với lãi suất cao trên sổ sách.

Hoặc, cách thứ hai là công ty mẹ đưa nguyên vật liệu, vật tư linh kiện đầu vào mà ở quốc gia đó chưa sản xuất được hoặc chất lượng chưa đảm bảo, công ty con ở quốc gia này báo cáo không có tiền lấy hàng, công ty mẹ cho trả chậm, và tính lãi trả chậm. Phần lợi nhuận thực có được thông qua trả lãi vay có thể được chuyển ra nước ngoài cho công ty mẹ.

Tại Việt Nam, Nghị định 20 đã áp dụng thông lệ BEPS (các hành vi xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận), cụ thể theo Điều 8 Khoản 3 với quy định tỷ lệ giới hạn chi phí lãi vay cho tất cả các đối tượng nhưng với mức tỷ lệ là 20%; hình thức áp dụng bổ sung, thay thế bằng chỉ số chi phí lãi từ bên thứ 3/EBITA không được áp dụng.

Nghị định 20 là bước tiến của Việt Nam trong việc áp dụng chuẩn mực, thông lệ quốc tế cũng như thể hiện trách nhiệm quốc gia trong mục tiêu góp phần chống lại xói mòn cơ sở và chuyển lợi nhuận trên phạm vi toàn cầu; góp phần cải thiện môi trường cạnh tranh; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Nghị định 20 vẫn gây ra nhiều băn khoăn về lộ trình thực hiện, cơ sở đưa ra ngưỡng lãi vay 20% và đối tượng áp dụng...

Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp chung: Về phía cơ quan quản lý, cần sớm có báo cáo đánh giá kết quả triển khai, rà soát những vấn đề thực tiễn phát sinh trong thực tế, từ đó sớm đưa ra những cơ chế chính sách điều chỉnh phù hợp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, đảm bảo tính thực tế, khả thi hơn và vẫn đạt mục đích đề ra.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu các thông lệ quốc tế về chống chuyển giá BEPS để có định hướng kế hoạch hoạt động kinh doanh phù hợp.

9h40: Phát biểu đề dẫn Hội thảo:

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu khai mạc, đề dẫn Hội thảo:

Ông Nguyễn Trần Nam  chỉ ra những vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ của Nghị định số 20/2017/NĐCP.

Cụ thể, Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp".

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp, bởi những lý do sau:

- Thứ nhất, Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định quyền của doanh nghiệp được "tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm". Quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20 chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh.

- Thứ hai, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp khởi nghiệp, các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế.

Nếu áp theo điều khoản này, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ bị tính thành 2 lần, nguy cơ “lỗ chồng lỗ”. Khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 về áp trần lãi vay đang quy định không rõ ràng, minh bạch về đối tượng áp dụng, đồng thời đang có nhiều cách hiểu dẫn đến việc áp dụng có thể sai lệch và gây hoang mang cho các doanh nghiệp.

- Thứ ba, quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta. Nếu các doanh nghiệp không có động cơ chuyển giá, ví dụ như họ có quan hệ giao dịch vay vốn giữa công ty mẹ và công ty con, thuế suất của họ là bằng nhau, đều áp dụng một mức thuế suất phổ thông, không có ưu đãi thuế thì họ phải thuộc trường hợp không bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20. Còn nếu không phân định rõ mà khống chế lãi vay cả những trường hợp này, tất yếu sẽ tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

Có ý kiến cho rằng khoản 3, điều 8, Nghị định 20 này là nhằm lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp, để các doanh nghiệp không đi vay nợ quá nhiều mà cần phải có vốn tự có. Cách giải thích này cũng không thực sự thuyết phục. Theo quan điểm của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cơ quan quản lý Thuế cần đánh giá đầy đủ các hiệu ứng tiêu cực từ quy định này gây ra như hạn chế khả năng liên kết, cản trở sự hình thành các tập đoàn tư nhân trong nước lớn, đủ sức cạnh tranh quốc tế như chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Thứ tư, đây là Nghị định áp dụng chung cho cả doanh nghiệp của nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Ngoài ra, việc áp dụng quy định nên có lộ trình và tham khảo thông lệ quốc tế BEPS cũng như có sự cân nhắc đến thực tế phát triển và cơ cấu vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện nay của Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, trước hết, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị cần tạm dừng áp dụng để thay đổi hoặc diễn đạt lại khoản 3 điều 8 Nghị định 20 cho rõ ràng hơn để chỉ hiểu theo một cách mà không theo nhiều cách, gây hỗn loạn và hoang mang cho doanh nghiệp.

Trước những bất cập của Nghị định 20; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có ý kiến, đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, đưa ra cơ sở việc khống chế mức trần chi phí lãi vay sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp. Đặc biệt, đối với các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam quyết định tổ chức Hội thảo khoa học: Nghị định 20/2017/NĐCP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ. Hội thảo sẽ là diễn đàn quan trọng để chia sẻ kinh nghiệm, tạo ra những góc nhìn phản biện đa chiều, những định hướng và giải pháp cho việc tháo gỡ những bất cập của Nghị định 20 nói riêng, cũng như tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, kiến tạo cho doanh nghiệp.

Với tinh thần đó, ông Nguyễn Trần Nam đề nghị các diễn giả, các chuyên gia và quý vị đại biểu tham dự Hội thảo tập trung làm rõ một số khía cạnh sau:

- Một là, phân tích bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam 2018, vai trò của các doanh nghiệp nói chung trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; nhu cầu cấp bách cần tiếp tục cải cách thể chế của Việt Nam tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp;

- Hai là, tập trung phân tích và làm rõ những bất cập về cơ sở pháp lý, nội dung và thực tiễn áp dụng của Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết;

- Ba là, giới thiệu những thông tin tham khảo và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặt trong mối tương quan với điều kiện thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, môi trường đầu tư và tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.

- Bốn là, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và định hướng sửa đổi những bấp cập trong Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Sau Hội thảo, Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp để kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về những nội dung bàn thảo về Nghị định 20.

9h30: Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu

Mở đầu Hội thảo, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

Hội thảo có sự tham dự của ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng; ông Vũ Văn Cường - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính), cùng đại diện các Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch Đầu tư Bộ Công thương, VCCI.

----------------------------------------------------------------------

Ngày 24/02/2017 Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực từ ngày 01/5/2017 và Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

Quá trình thực hiện Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã bộc lộ một số khó khăn bất cập đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Nhằm tháo gỡ những khó khăn - bất cập xung quanh Nghị định 20/CP, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nghị định số 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ ”.

Hội thảo Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ được tổ chức tại Hà Nội

Hội thảo Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ được tổ chức tại Hà Nội

Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia thuế và pháp lý hàng đầu, cùng bàn luận về bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2018, vai trò của các doanh nghiệp nói chung trong quá trình phát triển kinh tế, nhu cầu cấp bách cần tiếp tục cải cách hành lang pháp lý của Việt Nam.

Bên cạnh đó, những bất cập trong quy định quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và mức khống chế chi phí lãi vay tại Khoản 3 Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP cũng được đưa các diễn giả phân tích, bình luận, từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ.

Sau Hội thảo, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp để kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về những nội dung bàn thảo liên quan đếnNghị định 20/2017/NĐ-CP.

Reatimes sẽ tường thuật trực tuyến nội dung Hội thảo.Mời quý độc giả theo dõi./.

Thời gian: 8h30 – 12h00, Thứ Sáu, ngày 14/12/2018

Địa điểm: Trung tâm hội nghị Quốc tế - 11A Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội