18/01/2025 | 12:18 GMT+7, Hà Nội

“Cuộc chiến lấn sân” sản xuất khẩu trang giữa các thương hiệu

Cập nhật lúc: 18/04/2020, 07:20

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân đã chuyển hướng kinh doanh, “lấn sân” sản xuất khẩu trang, tạo ra “ma trận” sản phẩm trên thị trường này.

Lời tòa soạn:

Thời gian gần đây, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng khẩu trang phòng dịch tăng cao, dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp trục lợi, đặt lợi ích kinh tế lên trên những quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Trên tinh thần thượng tôn người tiêu dùng, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề xung quanh câu chuyện “chiếc khẩu trang” thời Covid-19. Thông qua đó, mỗi người tiêu dùng sẽ nhận thức thông thái hơn, tránh mua phải các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường và cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có hàng triệu người dân Việt Nam. Từ cuộc sống, sinh hoạt của cá nhân đến các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gần như "đóng băng". Thời điểm này, những chiếc khẩu trang bất chợt trở thành món hàng “xa xỉ”, được tìm kiếm nhiều nhất và khó mua hơn bao giờ hết. 

Nhiều doanh nghiệp có doanh thu tăng đột biến nhờ sản xuất khẩu trang (Ảnh: Báo thanh niên)

Nắm bắt được đây là một mặt hàng có tính thời vụ, vừa đáp ứng được nhu cầu khẩu trang của người dân, vừa có lợi về mặt kinh tế, hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp "đua nhau" chuyển hướng, sản xuất khẩu trang. 

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp lớn đạt tiêu chuẩn sản xuất theo quy định của Bộ Y tế thì vẫn còn đó những cá nhân, tổ chức đặt lợi ích kinh tế lên trên quyền lợi người tiêu dùng, sản xuất khẩu trang với nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm chứng chất lượng... nhằm trục lợi.

“Chạy đua" sản xuất khẩu trang

May một chiếc khẩu trang khá đơn giản với một số công đoạn như xếp, cắt vải, may diềm, may quai, kiểm tra và đóng gói nên hiện nay, nhiều công ty vốn chỉ sản xuất quần áo, chăn ga gối, hay thậm chí ngành nghề khác, cũng mở rộng các dây chuyền để làm khẩu trang vải kháng khuẩn phòng chống Covid-19.

Nagakawa là tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, hoạt động trong lĩnh vực điện lạnh, gia dụng với sản phẩm chủ lực là máy điều hòa không khí, tủ đông, máy làm mát, sản phẩm gia dụng thương hiệu Nagakawa... Thế nhưng, khi Covid-19 "gõ cửa" Việt Nam, nắm bắt được nhu cầu lớn về tiêu thụ khẩu trang, Nagakawa đã nhanh chóng kết hợp với đơn vị thành viên - Công ty Cổ phần may KLW Việt Nam "lấn sân" sản xuất thêm khẩu trang vải kháng khuẩn.

Khẩu trang của thương hiệu Nagakawa

Theo đó, khẩu trang vải kháng khuẩn Nagakawa được làm từ vải dệt kim kháng khuẩn hai lớp có kích thước rộng 250mm, cao 135mm, quy cách đóng gói 10 sản phẩm/1 hộp. Mỗi ngày, doanh nghiệp cho biết, có thể đáp ứng thị trường khoảng 200.000 đến 300.000 sản phẩm. 

Canifa - một công ty thiết kế quần áo, phụ kiện và bán lẻ các trang phục thường ngày, là thương hiệu chính trực thuộc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hoàng Dương cũng không nằm ngoài "cuộc đua" này. 

Với việc "cách ly xã hội", nhu cầu mua sắm quần áo của người tiêu dùng giảm rõ rệt, doanh nghiệp này đã "bắt tay" đẩy mạnh việc sản xuất khẩu trang và tung ra thị trường dòng sản phẩm - khẩu trang vải kháng khuẩn. Canifa đặt mục tiêu 250.000 chiếc khẩu trang và chỉ trong 5 ngày triển khai, doanh nghiệp này đã cho ra thị trường được 50.000 chiếc.

Khẩu trang Canifa

Tương tự, Owen - một thương hiệu thời trang Việt, chuyên biệt dành cho nam của Công ty cổ phần thời trang Kowil, thuộc Tập đoàn Phú Thái cũng nhanh chóng "đi theo" xu hướng sản xuất khẩu trang. Với quảng cáo tăng khả năng kháng khuẩn, có thể tái sử dụng đến 30 lần, khẩu trang kháng khuẩn Owen "phủ sóng" các sàn thương mại điện tử, trên các trang mạng xã hội... với giá bán trung bình khoảng 30.000 đồng/3 chiếc.

Thương hiệu thời trang Owen cũng không nằm ngoài "cuộc đua" sản xuất khẩu trang

Trước tâm dịch Covid-19, Sông Hồng - thương hiệu chuyên chăn ga gối đệm cũng chuyển hướng, đưa ra quyết định cắt một xưởng để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn 99,9%. Sản phẩm được bán với giá 7.000đ/1 chiếc. Chỉ trong một thời gian ngắn triển khai, đợt 1 Công ty đã cung ứng được 100.000 chiếc khẩu trang ra thị trường. Chất lượng vải kháng khuẩn phục vụ sản xuất khẩu trang vải cần đáp ứng các yêu cầu chứng nhận hợp quy theo QCVN 01/BCT: 2017 và có khả năng diệt khuẩn ≥ 90% thử nghiệm theo tiêu chuẩn AATCC 100: 2012.

Khẩu trang của Sông Hồng

Nhìn chung, đa phần công dụng của các sản phẩm này được giới thiệu có khả năng kháng khuẩn, cản được bụi và các hạt nhỏ thải ra từ đường hô hấp người có thể chứa vi khuẩn gây bệnh; vải kháng khuẩn hạn chế sự phát triển của vi khuẩn đến 80% theo tiêu chuẩn AATCC100; tái sử dụng, tính năng kháng khuẩn tối ưu trong 10 lần giặt đầu và vẫn có tác dụng cho 30 lần giặt...

Tuy nhiên, căn cứ theo danh sách doanh nghiệp khẩu trang có giấy chứng nhận hợp quy (PT5 &PT7), tính đến thời điểm ngày 9/4/2020 của Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương, chỉ có Canifa nằm ngoài danh sách này. Một đơn vị chưa có chứng nhận hợp quy về đánh giá lô sản phẩm cũng như quy trình sản xuất mà đã tung ra thị trường 1 số lượng lớn khẩu trang để tiêu thụ. Vậy, Canifa có đang mượn danh "ông lớn" về thời trang để "lấn sân" sản xuất khẩu trang, "qua mặt" người tiêu dùng hay không ?

Những quảng cáo với những công dụng “thần thánh”, “đánh” vào tâm lý người tiêu dùng, cạnh tranh khách hàng ngay cả khi sản phẩm còn chưa được qua kiểm duyệt của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, vô hình chung khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận khẩu trang, rất khó để có thể phân biệt đâu là được hàng thật, hàng giả hay hàng kém chất lượng. 

Bên cạnh những doanh nghiệp lớn “lấn sân”, mở rộng sản xuất khẩu trang với mục đích góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường là hàng loạt các cá nhân, đơn vị cũng tham gia “cuộc đua sản xuất” này nhưng không phải tất cả trong số đó đều đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

Theo báo cáo tình hình thực hiện chứng nhận khẩu trang của Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương từ ngày 1/2/2020 đến ngày 9/4/2020, hiện có 111 Doanh nghiệp đã thực hiện chứng nhận theo lô sản phẩm và 115 Doanh nghiệp chứng nhận hợp quy theo phương thức đánh giá quy trình sản xuất (PT5). 

Người tiêu dùng: “Con rối” của các thương hiệu?

Dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu. Chỉ cần google, gõ tìm kiếm về khẩu trang kháng khuẩn, chỉ trong 0,35s cho ra 15.200.000 kết quả về những thông tin liên quan đến sản phẩm này.

NTD có xu hướng tìm kiếm các thông tin về khẩu trang kháng khuẩn trong thời điểm này

Trước nhu cầu lớn sử dụng khẩu trang như một biện pháp phòng chống dịch bệnh cấp thiết, các doanh nghiệp đua nhau quảng cáo giới thiệu sản phẩm, cạnh tranh khách hàng. Khẩu trang là mặt hàng thời vụ nên các doanh nghiệp phải chạy đua để đưa sản phẩm của mình ra thị trường một cách nhanh nhất để tiêu thụ. 

Chính việc đó đã khiến cho nhiều đơn vị bỏ qua việc lựa chọn nguồn nguyên vật liệu an toàn cũng như quá trình kiểm nghiệm, họ cho rằng, chỉ cần đặt tên "khẩu trang kháng khuẩn" là lượng mua sẽ vô cùng lớn bởi người tiêu dùng bằng mắt thường không thể phân biệt được đâu là một sản phẩm chất lượng, đâu là sản phẩm nhái. Những hành vi này vô hình chung ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phòng, chống dịch của cả nước.

Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhiều đơn vị tự ý gắn mác "kháng khuẩn" để qua mặt người tiêu dùng

"Khẩu trang đang khan hiếm nên giờ thị trường có loại khẩu trang kháng khuẩn nào thì mua loại đó dùng tạm, có còn hơn không, chứ bản thân tôi cũng không rõ kháng khuẩn là như thế nào, có kháng khuẩn được thật hay không" - chị P.Đ (Đống Đa, Hà Nội) cho biết.

Hệ quả của việc quảng cáo, phát tán thông tin sai sự thật về công dụng, chất lượng từ một đơn vị, tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ người tiêu dùng. Đây có thể coi là hành vi xâm phạm trực tiếp hoạt động quản lý Nhà nước, cần xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và buộc cơ sở chấm dứt hành vi vi phạm (*)

Trong khi đó, được biết, công nghệ kháng khuẩn đòi hỏi quy trình sản xuất và vật liệu rất phức tạp, có giá thành cao. Trong sản xuất và thương mại dệt may, vải kháng khuẩn được sử dụng rộng rãi để sản xuất mặt hàng mặc lót, hàng thể thao, hàng gia dụng và quần áo bảo vệ ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện, khách sạn, trường học, quần áo sử dụng cho bác sĩ, nhân viên y tế và cho bệnh nhân, các trang bị như băng vết thương.

Phương pháp chung nhất để có được sản phẩm dệt kháng khuẩn là đưa các chất kháng khuẩn và giữ chúng bền lên (hoặc vào trong) vật liệu dệt trong suốt quá trình sử dụng. Các chất kháng khuẩn được đưa lên vải thường là những chất diệt khuẩn hoặc ức chế vi khuẩn phát triển. Hiện tại, các chất sử dụng trong sản xuất vải kháng khuẩn chủ yếu là chất diệt khuẩn và hiệu quả sẽ giảm dần sau mỗi lần giặt.

Dù được sản xuất và bán nhiều ra thị trường nhưng khẩu trang kháng khuẩn lại chưa có tiêu chuẩn riêng. Chính vì thế, doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm để người dùng mua dựa trên quảng cáo của doanh nghiệp chứ chưa có công cụ để soi chiếu. (Nguồn: TanAPhar)

Việc đưa các chất kháng khuẩn lên vải chủ yếu được thực hiện sau công đoạn tẩy trắng, nhuộm màu hoặc in hoa theo các cách khác nhau: Ngấm ép, tráng phủ hoặc phun… Xử lý theo phương pháp này, vải thành phẩm có khả năng diệt tới 90% khuẩn sau 1 giờ tiếp xúc và giảm còn 60-70% sau một số lần giặt. Chất lượng vải kháng khuẩn phục vụ sản xuất khẩu trang vải cần đáp ứng các yêu cầu chứng nhận hợp quy theo QCVN 01/BCT: 2017 và có khả năng diệt khuẩn ≥ 90% thử nghiệm theo tiêu chuẩn AATCC 100: 2012.

Theo khảo sát của PV, trên thị trường khẩu trang hiện nay, không nhiều các đơn vị chính thống sản xuất ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng được tiêu chuẩn như Bộ Y tế đưa ra, đa phần là các cơ sở, doanh nghiệp tư nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh sản xuất ra các loại khẩu trang “kháng khuẩn” bằng các nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác để trục lợi, đặt lợi ích kinh tế lên trên sự an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng.

Thông qua những khuyến cáo của các cơ quan chức năng, trong mọi trường hợp, người tiêu dùng nên tìm hiểu về thành phần nguyên liệu trong từng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng được phép lưu hành của Nhà nước, Bộ Y Tế cho phép để tránh những rủi ro, chung sức đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là trong thời điểm nhạy cảm này - khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

(*) Theo Điều 11: Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

1. Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.