Công viên Tuổi trẻ Thủ đô hoang tàn, bị “xẻ thịt” để kinh doanh
Cập nhật lúc: 30/08/2018, 16:00
Cập nhật lúc: 30/08/2018, 16:00
Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô có tổng diện tích khoảng 26,43ha, được TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào năm 2000. Dự án được giao cho Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội làm chủ đầu tư. Đến năm 2010, dự án tiếp tục được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi trẻ Thủ đô.
Công viên được đầu tư xây dựng với hy vọng trở thành “lá phổi xanh”, nhằm phục vụ các hoạt động sinh hoạt công cộng, vui chơi của đông đảo người dân sinh sống trong khu vực.
Tuy nhiên, tại công viên mang nhiều sự kỳ vọng này, vẫn đang tồn tại một nghịch cảnh: Công viên rộng, hạng mục trò chơi hiện đại được lắp đặt nhưng lại bỏ hoang từ nhiều năm nay và đang xuống cấp trầm trọng. Hơn 10 năm qua, người dân không khỏi xót xa và nuối tiếc cho một dự án “xanh” đang dần hoang tàn và trở thành phế tích giữa lòng Thủ đô.
Theo khảo sát của PV Reatimes, dự án tồn tại nhiều điều bức xúc. Các thiết bị vui chơi như hệ thống ống trượt, máng trượt nước, vòng đu quay khổng lồ bị bỏ hoang trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô gây lãng phí.
Đặc biệt, thiết bị vòng đu quay được lắp đặt từ hàng trăm tấn sắt thép nhưng hơn chục năm nay không được sử dụng, bảo quản nên dẫn đến hoen gỉ.
Các trụ chính của vòng đu quay bong tróc, chuyển sang màu đen, nhiều thanh nối đã gãy. Do không ý thức được sự nguy hiểm, nhiều người vẫn mắc bạt ngay dưới chân vòng quay để làm chỗ khiêu vũ, tập thể thao. Vòng đu quay khổng lồ này có thể đổ sập bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.
Hệ thống ống trượt, máng trượt đã bị rêu xanh, cây cỏ bao phủ, hồ tạo sóng, bề mặt nước bể bơi nổi lên đầy rong rêu, vàng ố. Những bậc thang dẫn lên ống trượt nước hoen gỉ, đứt gãy.
Theo nhiều người dân, những hạng mục công trình này do không sử dụng và duy tu, bảo dưỡng nên xuống cấp nhanh. Chị Hồ Thị Trang, một người dân gần đây, cho biết: “Tôi rất hay đến công viên này để chạy bộ nhưng nhiều hạng mục đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.Ngoài ra,chưa kể đến nước hồ bơi rất bẩn, gây mất mỹquan”.
Chị Ngọc Ánh, cũng là một người dân thường xuyên xuất hiện tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, chia sẻ: “Để những trò chơi hay công viên nước bỏ hoang như thế thật quá lãng phí. Trẻ con thì mong ngóng, tại đây thiết bị các trò chơi có sẵn nhưng chẳng ai được sử dụng".
Từ năm 2010 - 2012, không gian xanh được kỳ vọng của thành phố ngang nhiên bị chiếm dụng để phục vụ cho mục đích kinh doanh. Các ô đất vốn được phê duyệt quy hoạch làm khu vườn hoa, cây xanh, sân tập thể thao công cộng đã trở thành những công trình thu lợi...
Trong đó, có hơn 15 hộ gia đình lấn chiếm diện tích mặt bằng để phục vụ kinh doanh đã bàn giao phục vụ dự án; 3 bãi trông giữ xe ôtô nằm trên diện tích quận Hai Bà Trưng đã giải phóng mặt bằng được phê duyệt quy hoạch đất cây xanh, thảm cỏ.
Những sai phạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô nhiều lần được UBND thành phố và các cơ quan chỉ ra rõ ràng về quy mô, lẫn mức độ vi phạm đồng thời yêu cầu các bên liên quan nhanh chóng có biện pháp xử lý dứt điểm vụ việc.
Năm 2012, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản “điểm mặt” 8 công trình vi phạm “khủng” ngang nhiên phá vỡ quy hoạch Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được TP. Hà Nội phê duyệt, vi phạm nghiêm trọng về xây dựng.Tuy nhiên, đến nay các công trình vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, tiếp tục hoạt động công khai từ năm này qua năm khác, gây bức xúc dư luận.
Thủ đô Hà Nội đang sống trong kỷ nguyên của những dự án chung cư, những tòa nhà “chọc trời” nhiều tiện ích. Tuy nhiên, lại đang vô cùng “khát” những công trình xanh, điểm vui chơi công cộng ngoài trời với không gian rộng rãi, thoáng mát. Chính vì thế,cơ quan chức năng cần vào cuộc sát sao, quyết liệt, để trả lại cho người dân Thủ đô một địa chỉ văn hóa ròng rã "kêu cứu" suốt hơn một thập kỷ.
03:00, 20/08/2018
21:00, 15/08/2018
00:01, 14/08/2018
23:21, 02/08/2018
00:00, 14/07/2018
00:11, 23/11/2017
10:16, 06/10/2017