19/01/2025 | 09:30 GMT+7, Hà Nội

Công trình không phép, sai phép: Cho 60 ngày “chạy” giấy phép xây dựng

Cập nhật lúc: 23/01/2018, 11:41

Từ 15/1, các công trình xây dựng sai phép sẽ bị cưỡng chế, tháo dỡ phần diện tích vi phạm thay vì được nộp phạt để tồn tại như trước. Một điểm mới là người dân tiếp tục được cho 60 ngày để điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Sau thời gian này, nếu không bổ sung được giấy phép xây dựng (GPXD), công trình sẽ bị cưỡng chế, tháo dỡ.

Ông Lý Thanh Long, Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết theo quy định mới tại Nghị định 139 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở... thay thế 2 nghị định 180/2007 và 121/2013, có hiệu lực từ ngày 15/1 là trường hợp xây dựng sai GPXD cải tạo, sửa chữa; xây dựng sai GPXD mới sẽ bị xử phạt.

Nói về quy định cho 60 ngày để người dân “chạy” GPXD, ông Long cho rằng quy định này là kế thừa quy định của Nghị định 180. Thời hạn này hợp lý để chủ nhà đề nghị cấp hoặc điều chỉnh GPXD.

Còn theo PGS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, việc cấp phép xây dựng hiện nay nhà nước đang can thiệp quá sâu vào quyền của người dân, ở các nước không làm như vậy.

Những người dân bình thường dành dụm cả đời mới có được số tiền lớn để cất nhà. Đến lúc xây mới thấy căn nhà không đẹp hoặc nhìn thấy một căn nhà nào đó đẹp hơn, muốn sửa thì phải cho người dân sửa, không nên bắt họ ở suốt đời trong căn nhà họ không hài lòng.

Ông cũng cho rằng, không nên lo lắng việc người dân “chạy” giấy phép xây dựng,phát sinh tiêu cực. Bởi với tiêu cực chúng ta sẽ trị bằng pháp luật, bằng đồng lương để người dân, cán bộ nhà nước không dám làm bậy, không dám tham nhũng...

Công trình số 1 Trần Thủ Độ (Hoàng Mai, Hà Nội) chưa được cấp Giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông vẫn tổ chức thi công rầm rộ.

Công trình số 1 Trần Thủ Độ (Hoàng Mai, Hà Nội) chưa được cấp Giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư làCông ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông vẫn tổ chức thi công rầm rộ.

Như Reatimes đã thông tin, tại buổi tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 139 do Bộ Xây dựng tổ chức tại TP.HCM ngày 11/1 vừa qua, bà Vũ Thị Hường, Phó trưởng phòng Tổng hợp - Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, quy định lần này là dứt khoát việc xây dựng không phép, sai phép sẽ bị tháo dỡ, không có tình trạng phạt cho tồn tại như quy định trước đây.

Đối với công trình đang xây dựng mà sai chỉ giới xây dựng, cơi nới lấn chiếm sẽ tháo dỡ ngay. Còn đối với công trình đang triển khai xây dựng và không vi phạm các yếu tố trên sẽ có 60 ngày để bổ sung thủ tục, nếu quá thời hạn trên, không có đầy đủ hồ sơ sẽ bị tháo dỡ những phần xây dựng sai phạm.

Công trình xây dựng sai phép, không phép sẽ bị ngưng cung cấp điện, nước song song trình tự xử lý vi phạm trật tự xây dựng để tăng cường xử lý hiệu quả.

Không chỉ quy định cụ thể việc xây dựng không phép, Nghị định 139 còn chế tài đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Điều 57, khoản 3 quy định sẽ phạt tiền từ 250 - 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định; kinh doanh bất động sản không đúng phạm vi được kinh doanh theo quy định; ủy quyền hoặc giao cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê bất động sản.

Ngoài phạt tiền nêu trên, sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung khi đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đến 12 tháng.